Không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng lại được trưng bày ở những vị trí đắc địa nhất. Thương hiệu càng cao cấp, nơi xuất hiện càng danh giá thì mới xứng tầm. Thương hiệu cá nhân là giá trị của một cá nhân giúp phân biệt những người quản lý cấp cao với những người khác. Thương hiệu cá nhân không chỉ đơn thuần là gây dựng một hình ảnh ra thế giới bên ngoài mà nó còn là sự tự nhận thức về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng, cảm xúc… cũng như cách sử dụng các yếu tố đó để tạo nên sự khác biệt cho bản thân và định hướng cho các quyết định của cá nhân đó. Ngày nay, thương hiệu cá nhân đã và đang trở thành một yếu tố thiết yếu để đạt tới một sự thành công chuyên nghiệp. Nhân sự cấp cao cũng vậy, "hữu xạ tự nhiên hương", mình xuất sắc người khác sẽ tự biết mình, không cần bạn phải ra sức đánh bóng tên tuổi như người thường. Nhận rõ tầm quan trọng đó, bài viết dưới đây www.HRchannels.com sẽ chỉ ra một vài điều về cách xây dựng thương hiệu Nhân sự cấp cao. Làm việc với niềm đam mê Người đi làm bình thường hay tìm việc theo chuyên môn chỉ để có việc trong khi nhân sự cấp cao lại chọn việc để thỏa mãn đam mê và ước mơ. Luôn làm việc trong tinh thần phấn khích, khao khát được thành công hơn, hơn nữa; nâng cao giá trị nhiều hơn nữa. Cách doanh nghiệp thể hiện sự tôn trọng với đối tác là cho họ một vùng trời riêng để phát huy tối đa sở trường thay vì áp đặt họ thực hiện kế hoạch sẵn có. Ngược lại, ở phía nhân sự cấp cao, chúng ta cần tìm bến đỗ theo công ty yêu thích, tức nơi có tầm nhìn, sứ mệnh hay mục đích hoạt động gắn liền với mục tiêu phát triển cá nhân chứ không phải nơi đáp ứng các lợi ích nhất thời của bản thân. Không ngừng trau dồi kiến thức Nhân sự cấp cao là người không chỉ có kiến thức chuyên môn xuất sắc mà còn cần phải có hiểu biết sâu rộng, phong phú về các lĩnh vực của đời sống, xã hội, văn hóa,...Những kiến thức này họ không chỉ học tại các trường Đào tạo quản trị kinh doanh mà còn là do sự tự tích lũy của mỗi người trong quá trình tương tác với môi trường sống. Nhân sự cao cấp là những người luôn có khuynh hướng sử dụng dữ liệu một cách triệt để nhằm quy hoạch thành những “luồng” thông tin bổ ích phục vụ cho việc nâng cao kiến thức trên nhiều khía cạnh của họ. Trong thực tế chúng ta đã từng có nhiều cơ hội đối thoại với những nhân sự cao cấp. Họ không chỉ có kiến thức chuyên môn giỏi mà còn có kiến thức uyên thâm về văn hoá - xã hội - chính trị… Có lẽ chính những kiến thức “nền” đó đã giúp họ giải quyết các vấn đề một cách hệ thống và hiệu quả hơn các nhân sự khác. Thái độ sống và làm việc đúng đắn Những nhân sự cao cấp hiểu rất rõ “chi phí cơ hội” đối với cuộc đời của họ. Do đó, càng ngày họ càng tự nâng cao và hoàn thiện các kỹ năng làm việc của mình. Những nhân sự cao cấp tại các tổ chức thường là những người có thái độ tích cực đối với công việc. Ở họ sự lạc quan và bình tĩnh cần thiết (thường được bộc lộ rõ thông qua việc giải quyết các tình huống mà doanh nghiệp hay phải đối mặt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt). Những nhân sự cao cấp thường luôn cố gắng vượt qua các rào cản để tương tác tốt hơn với các bên liên quan (stakeholders) nhằm đạt tới mục tiêu là hoàn thành nhiệm vụ. Khi làm việc với những nhân sự cao cấp tại các doanh nghiệp chúng ta thường thấy họ có thái độ phù hợp với môi trường kinh doanh cũng như là môi trường văn hoá của doanh nghiệp họ. Với ngành tuyển dụng nhân sự cấp cao đang phát triển tại Việt Nam và khu vực, xây dựng thương hiệu cá nhân là vô cùng quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp của mỗi người làm Nhân sự. Một thương hiệu tốt sẽ luôn luôn được định giá xứng đáng dù thị trường kinh tế có biến động ra sao.