- 420k
- 1k
- 870
Nhu cầu tìm kiếm nhân lực Telesales tăng mạnh ở mọi ngành nghề, từ sản xuất hàng hóa đến cung cấp dịch vụ. Dạo một vòng các trang web tuyển dụng, chúng ta nhận thấy yêu cầu tuyển Telesales không quá khó nhưng để hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thật không dễ. Đâu là những lý do khiến bạn gặp khó khăn khi làm Telesales chính là nội dung Ms. Uptalent chia sẻ hôm nay, cùng với đó là những cách khắc phục hữu hiệu trong nhiều tình huống thực tế.
MỤC LỤC
1- Công việc của telesales là gì?
2- Những lý do khiến bạn gặp khó khăn khi làm telesales là gì?
2.1. Gọi không đúng đối tượng khách hàng quan tâm
2.2. Thực hiện cuộc gọi liên tục
2.3. Khách hàng thiếu tin tưởng
2.4. Thu nhập theo doanh số
3- Cách khắc phục những trở ngại của Telesales
Xem thêm >>> Việc làm Kinh doanh
Telesales là thuật ngữ dành cho hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó, người đảm nhận vị trí telesales sẽ được giao nhiệm vụ gọi điện cho khách hàng, giới thiệu thông tin hàng hóa/dịch vụ do công ty cung cấp, trao đổi và thuyết phục chốt đơn hàng hoặc sẽ ghi nhận thông tin khách hàng quan tâm và chuyển cho đội ngũ Sales trực tiếp thuyết phục chốt đơn. Đây là một nhánh trong đội ngũ kinh doanh tại các tổ chức hiện nay, phối hợp cùng các nhánh Sales truyền thống, nỗ lực tìm kiếm nguồn khách hàng và chốt đơn nâng cao doanh thu cho tổ chức.
Nhiệm vụ chính của Telesales là tăng doanh thu cho tổ chức. Và để hoàn thành nhiệm vụ này, sẽ có rất nhiều nhiệm vụ chi tiết mà một nhân sự Telesales phải đảm nhận:
Đừng bỏ lỡ >>> Telesales là gì? Công việc, Kỹ năng và Mức lương
Khi trúng tuyển Telesales, bạn sẽ có tham gia khóa đào tạo nội bộ để nắm rõ mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, cũng như cách thức tiếp cận khách hàng chuẩn theo quy định công ty. Thời gian ít nhất là 02 tuần, và sẽ có bài kiểm tra cuối khóa đào tạo.
Bạn sẽ có một danh sách khách hàng để gọi điện giới thiệu sản phẩm mỗi ngày. Đó có thể là danh sách do công ty tìm và đưa cho bạn gọi, cũng có thể là những số điện thoại do chính bạn tự tìm. Miễn sao mỗi ngày bạn phải đạt chỉ tiêu về số lượt gọi, số lượng khách hàng quan tâm sản phẩm, số lượng khách hàng đồng ý gặp trực tiếp trao đổi...
- Thực hiện cuộc gọi đến từng khách hàng trong danh sách.
- Chia sẻ chuẩn xác những thông tin sản phẩm theo mẫu được công ty phê duyệt.
- Tiến hành tư vấn và thuyết phục khách hàng lựa chọn
- Trao đổi, thu thập, quản lý thông tin khách hàng mà nhân viên Telesales tìm được
Cập nhật thông tin khách hàng quan tâm vào kho dữ liệu kinh doanh để bộ phận Sales trực tiếp tiếp cận thêm hoặc giúp cho công tác chăm sóc khách hàng trong tương lai.
Luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi yêu cầu tư vấn, giải đáp thắc mắc từ khách hàng. Tùy vào phạm vi quyền hạn cung cấp giải pháp, bạn có thể chủ động hồi đáp ngay hoặc hẹn lại khách hàng để xin ý kiến từ cấp trên. Cần ghi nhớ những khách hàng đã hẹn và phản hồi đầy đủ đến từng người.
Nhân viên Telesales có thể sẽ được bố trí đảm nhận thêm nhiệm vụ hỗ trợ kinh doanh, ví dụ đi gặp trực tiếp khách hàng, chuẩn bị tài liệu sản phẩm giới thiệu, tham gia các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm quy mô lớn...
Tùy theo chỉ tiêu Telesales do công ty đặt ra mà nhân viên Telesales sẽ thực hiện một hoặc nhiều báo cáo theo từng chỉ tiêu. Thời gian hoàn thành báo cáo có thể là ngày, tuần hoặc tháng.
Có thể bạn quan tâm >>> Sales và Telesales khác gì nhau?
Môi trường làm việc của đội ngũ Telesales chủ yếu ở văn phòng, sử dụng điện thoại để liên lạc. Đỡ vất vả hơn những nhân viên Sales đi ra ngoài gặp khách hàng nhưng bù lại, họ sẽ có những lý do đặc thù khiến bạn gặp khó khăn khi làm telesales
Để có được nguồn thông tin điện thoại của khách hàng, công ty sẽ phải sưu tập hoặc mua từ nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, đối tượng khách hàng rất đa dạng, và việc bị khách hàng từ chối tiếp tục trao đổi qua điện thoại là điều rất thường xuyên xảy ra.
Có người sẽ khéo léo viện cớ từ chối, cũng có người cúp máy ngang hoặc có những lời nói bực bội. Mỗi ngày đều như vậy nhưng rất khó mà quen được, cảm giác có chút hụt hẫng, có chút chạnh lòng luôn hiện hữu ở những nhân sự Telesales. Cảm giác luôn khiến người nghe thấy phiền phức cũng gây ức chế tâm lý cho người làm Telesales.
Để đạt chỉ tiêu gọi điện mỗi ngày, Telesales phải liên tục tiến hành gọi đến hàng trăm người trong danh sách. Cùng một nội dung bắt chuyện được lặp đi lặp lại, nhân viên Telesales phải nói liên tục, tai luôn áp vào ống nghe khiến thính giác và giọng nói dễ bị đuối.
Bên cạnh đó, việc gọi quá nhiều, khiến họ không kiểm soát được chất lượng truyền đạt đến khách hàng. Mãi gọi cho hết danh sách nên không biết ưu nhược điểm khi Telesales thế nào, bản thân nên làm gì để Telesales được nhiều khách hàng hơn... Chỉ mong đạt xong chỉ tiêu gọi điện mỗi ngày, chứ không mong đạt chỉ tiêu số lượng khách hàng quan tâm mỗi ngày.
Do không gặp trực tiếp, cũng chỉ ghi nhận thông tin một phía từ bạn qua điện thoại nên mức độ tin tưởng khách hàng dành cho nhân viên Telesales sẽ không cao. Đây là yếu tố gây ra thách thức lớn khi nhân viên Telesales đã phát hiện ra khách hàng tiềm năng nhưng lại khó chốt đơn.
Bạn xem thêm >>> Mô tả công việc Telesales Leader
Cũng như những vị trí Sales khác, thu nhập của Telesales sẽ là khoản lương cứng tương đối thấp để duy trì công việc. Khi đạt doanh số đề ra thì thu nhập mới được cải thiện theo tỷ lệ công ty quy định. Với số lượng cuộc gọi bị từ chối nhiều hơn là quan tâm trao đổi mỗi ngày, việc cải thiện doanh số đôi khi là một áp lực khó đạt. Nếu nhiệm vụ Telesales chỉ là tìm khách hàng quan tâm rồi đưa danh sách cho đội ngũ Sales trực tiếp thì áp lực ít hơn, nhưng tỷ lệ thưởng doanh số cũng ít hơn.
Ưu điểm của Telesales là cơ hội việc làm nhiều, yêu cầu tuyển dụng không quá khắt khe, thêm vào đó là tính chất công việc ổn định nên số lượng ứng viên quan tâm vẫn rất lớn. Để không bị chùn bước trước những khó khăn mà đặc thù ngành nghề mang lại, Ms. Uptalent có một vài kiến nghị gửi đến doanh nghiệp và nhân viên Telesales:
Hãy luôn tâm niệm “Đã chọn làm Telesales, khách hàng từ chối cuộc gọi là chuyện bình thường”. Đừng nghĩ khách hàng “ghét” các cuộc gọi tiếp thị từ Telesales, thay vào đó bạn nên suy nghĩ tích cực hơn, rằng khách hàng đang bận, hoặc không có nhu cầu ngay tại thời điểm đó.
Hơn thế nữa, nếu phải trao đổi cho đã rồi khách hàng mới nói không quan tâm thì việc từ chối sớm có khi lại tốt hơn. Bạn không lãng phí thời gian vô ích, hoàn thành chỉ tiêu hoàn tất danh sách gọi trong ngày sớm hơn, có nhiều thời gian trao đổi với khách hàng tiềm năng hơn. Tâm lý thoải mái sẽ giúp nâng cao hiệu suất làm việc.
Danh sách điện thoại đa phần là công ty mua từ các đơn vị có nguồn dữ liệu khách hàng lớn. Công ty nên chọn danh sách khách hàng từ các ngành nghề có sự gắn kết với ngành nghề mà mình đang kinh doanh, ví dụ
- Danh sách từ công ty du lịch lữ hành sẽ phù hợp ngành khách sạn nghỉ dưỡng, thời trang du lịch...
- Danh sách từ trường học phổ thông sẽ phù hợp với các tổ chức giáo dục như trường ngoại ngữ, trường đào tạo tin học...
Như vậy, nhân viên Telesales sẽ dễ gặp đúng khách hàng quan tâm, hạn chế tình trạng bị từ chối, thuận lợi chốt đơn, vừa tăng doanh số tốt, vừa tiết kiệm chi phí điện thoại cho công ty.
Nhân viên Telesales có thể chốt đơn ngay thì quá tốt, nhưng nếu khách hàng quan tâm sản phẩm vẫn còn chút e ngại, hãy mời họ tham gia một buổi hội thảo trao đổi trực tiếp ngay tại văn phòng công ty. Buổi trao đổi sẽ do những người quản lý đứng đầu công ty trình bày, với những minh chứng chuẩn xác về tính minh bạch, rõ ràng, giúp khách hàng cảm thấy an toàn.
Hoạt động này phía công ty nên tổ chức định kỳ theo tháng như một hình thức hỗ trợ đội ngũ Telesales. Doanh số khách hàng chốt đơn vẫn tính cho Telesales như khi chốt trực tiếp qua điện thoại. Như vậy, nhân sự Telesales sẽ an tâm làm việc vì luôn tin tưởng có sự hỗ trợ hiệu quả từ ban lãnh đạo.
>>> #10 câu hỏi kèm cách trả lời phỏng vấn vị trí Telesales hay nhất
Công ty nên thành lập những nhóm kinh doanh có sự tham gia của cả nhân viên Telesales và Sales trực tiếp. Đôi bên hỗ trợ nhau trong công việc, Telesales tìm kiếm khách hàng tiềm năng, Sales nâng cao lòng tin nơi khách hàng. Một nhân viên Telesales có thể phối hợp cùng nhiều nhân viên Sales, doanh số Sales thu về sẽ chia theo tỷ lệ thích hợp dựa trên số lượng khách hàng mà nhân viên Telesales cung cấp. Với cách làm này cần thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu tốt, mỗi lần chia khách hàng đều cần sự xác nhận của cả Telesales, Sales và quản lý trực tiếp.
Để nhân viên Telesales tham gia khóa đào tạo của đội ngũ Sales trực tiếp. Khi có khách hàng tiềm năng, trực tiếp nhân viên Telesales có thể đến gặp và thuyết phục khách hàng. Như vậy, nhân viên Telesales cũng an tâm hơn về nguồn doanh số từ khách hàng mình tìm được. Tránh được tình trạng sai sót trong quản lý dữ liệu khách hàng đưa cho Sales trực tiếp hoặc tranh chấp tỷ lệ chia doanh số khi nhân viên Sales gặp khách hàng lại bán được dòng sản phẩm khác so với sản phẩm mà nhân viên Telesales đã giới thiệu cho khách hàng trước đó. Tạo thêm sự minh bạch, tạo thêm cơ hội tăng doanh số, cũng chính là cách tạo thêm động lực làm việc cho nhân viên Telesales.
Mỗi ngành nghề đều hiện hữu thách thức đặc thù, không ngành nào là dễ dàng, suôn sẻ hoàn toàn cả. Những lý do khiến bạn gặp khó khăn khi làm Telesales cũng là đặc thù đặt ra thách thức cho công việc, có thách thức mới khích lệ sự nỗ lực phấn đấu. Kết hợp cùng những giải pháp mà Ms. Uptalent chia sẻ, những khó khăn sẽ nhanh chóng chuyển thành cơ hội, giúp hiệu suất làm việc Telesales tốt lên từng ngày.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet