- 420k
- 1k
- 870
Vai trò của Store Manager là giám sát, điều hành toàn bộ các hoạt động tại cửa hàng. Họ phải đảm bảo cửa hàng luôn hoạt động hiệu quả cũng như đạt được các mục tiêu doanh số.
Để làm được như vậy, Store Manager phải sở hữu những tố chất, kỹ năng rất mạnh mẽ. Vậy thì Store Manager cần những kỹ năng nào mới hoàn thành tốt vai trò của mình? Bạn đọc hãy cùng Ms Uptalent tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
MỤC LỤC:
1- Store Manager là ai?
2- Store Manager phải làm những công việc gì?
3- Những kỹ năng cần có ở Store Manager
>>> Xem thêm: Việc làm Store Manager
Store Manager (hay quản lý cửa hàng, cửa hàng trưởng) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành chính trong một cửa hàng.
Nếu đảm nhận vai trò Store Manager, bạn sẽ phải đảm đương tất cả các hoạt động cũng như việc vận hành cửa hàng sao cho hiệu quả. Quan trọng nhất là bạn phải đạt được các mục tiêu doanh số và khiến khách hàng cảm thấy hài lòng với sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp.
Vì những trọng trách kể trên mà Store Manager bắt buộc phải là người dày dạn kinh nghiệm về quản lý bán hàng và dịch vụ khách hàng. Khi tuyển dụng vị trí này, doanh nghiệp cũng đặc biệt chú ý yếu tố kinh nghiệm làm việc ở ứng viên.
Thông thường mỗi doanh nghiệp lại có yêu cầu khác nhau về kinh nghiệm của Store Manager. Tuy nhiên, hầu hết nhà tuyển dụng đều yêu cầu bạn có tối thiểu 1 – 2 năm kinh nghiệm tại vị trí tương đương và phải có từ 2 – 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ.
Vì vậy, nếu bạn đang làm việc ở các vai trò như nhân viên bán hàng, giám sát bán hàng hay trưởng nhóm bán hàng thì cơ hội trở thành Store Manager sẽ rất cao.
Hàng ngày, Store Manager sẽ phải vận hành và quản lý cửa hàng sao cho cửa hàng luôn hoạt động suôn sẻ, hiệu quả. Đồng thời, họ còn phải không ngừng cải thiện dịch vụ khách hàng, thúc đẩy nhân viên gia tăng doanh số và giải quyết các khiếu nại của khách hàng cho thoả đáng.
Về cơ bản, Store Manager phải làm những công việc chính sau đây:
Store Manager sẽ phải thực hiện các công việc sau:
- Thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết nhằm đảm bảo mặt bằng phục vụ cho hoạt động bán hàng và phân bổ các nguồn lực sao cho hiệu quả giúp cửa hàng đạt được các mục tiêu doanh số.
- Phổ biến các chương trình khuyến mãi, các chiến dịch marketing cho toàn bộ nhân viên cửa hàng khi nhận được thông báo từ cấp trên. Đảm bảo điều phối nhân viên hợp lý nhằm thực hiện tốt các chương trình khuyến mãi và hoạt động marketing công ty muốn triển khai.
- Có trách nhiệm quản lý hiệu quả nguồn ngân quỹ riêng của cửa hàng, toàn bộ các khoản chi phí hành chính của cửa hàng đều phải được sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích.
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch bán hàng nhằm đạt được mục tiêu doanh số của công ty và lập các báo cáo theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của cấp trên.
>>> Bạn có thể xem thêm: Tuyển dụng Store Manager gặp khó khăn gì?
Store Manager có trách nhiệm kiểm soát hàng tồn kho hiệu quả, duy trì mức tồn kho hợp lý, kịp thời luân chuyển hàng hoá từ các kho phụ hay cửa hàng khác để có đủ hàng trưng bày và ngăn ngừa tình trạng mất mát, hư hỏng hàng hóa.
Bên cạnh đó, họ cũng cần theo dõi số lượng bán ra cửa từng mặt hàng, lên kế hoạch mua hàng và lập báo cáo về tình hình bán ra của các loại hàng hoá.
Store Manager cần phổ biến cho nhân viên cửa hàng các thông tin về sản phẩm cùng các nội quy, quy định bán hàng, huấn luyện cho họ các kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, trưng bày sản phẩm, hỗ trợ nhân viên phát triển và đảm bảo họ luôn ý thức tốt việc tuân thủ các tiêu chuẩn phục vụ khách hàng.
Ngoài ra, Store Manager cũng phải đảm bảo dịch vụ khách hàng tại cửa hàng luôn tốt nhất, tất cả các phản hồi của khách hàng đều phải được xử lý nhanh chóng, thực hiện các hoạt động marketing để phát triển khách hàng và xây dựng tệp dữ liệu khách hàng thân thiết.
Store Manager có trách nhiệm đảm bảo hình ảnh của nhãn hàng bằng cách bố trí việc trưng bày sản phẩm tại cửa hàng sao cho phù hợp với các tiêu chí, yêu cầu của nhãn hàng và rèn luyện cho nhân viên ý thức rõ ràng về vấn đề này.
Ngoài hàng hoá thì tại cửa hàng còn có nhiều tài sản khác như vật dụng trưng bày, công cụ dụng cụ và thiết bị thực hiện công việc, máy tính, máy in, máy tính tiền,…
Store Manager sẽ phải kiểm kê, sắp xếp, bảo quản các tài sản tại cửa hàng theo đúng quy định. Nếu xảy ra hư hỏng, thất thoát cần lập báo cáo cho cấp trên.
Ngoài ra, họ cũng phải theo dõi chặt chẽ các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều hành cửa hàng.
>>> Bạn có thể quan tâm: Store Manager là gì? Những câu hỏi thường gặp về Store Manager
Một Store Manager giỏi nhất định phải có các kỹ năng, tố chất cần thiết để có thể hoàn thành tốt vai trò được giao. Sau đây là những kỹ năng cần có ở Store Manager:
Khả năng lãnh đạo tốt giúp Store Manager tạo động lực và thúc đẩy nhân viên nỗ lực làm việc hiệu quả mỗi ngày. Từ đó nhân viên có thể hoàn thành tốt các công việc được giao và góp phần nâng cao doanh số cho cửa hàng.
Bên cạnh đó, kỹ năng lãnh đạo còn giúp Store Manager quản lý toàn bộ hoạt động trong cửa hàng, đảm bảo cửa hàng luôn vận hành suôn sẻ, thuận lợi.
Giao tiếp tốt là chìa khóa giúp quản lý cửa hàng làm việc, huấn luyện nhân viên hiệu quả. Đồng thời nó còn giúp họ xử lý các khiếu nại của khách hàng và những xung đột, mâu thuẫn giữa các nhân viên tốt nhất.
Store Manager phải có khả năng giao tiếp bằng lời và văn bản tốt để có thể truyền tải thông tin hiệu quả, biết cách lắng nghe, biết những điều nên làm và không nên trong giao tiếp, đồng thời còn có thể điều chỉnh cách giao tiếp phù hợp với từng các tình huống khác nhau.
Đôi khi, Store Manager phải phân công nhiệm vụ cho nhân viên, lên lịch làm việc cho họ, kiểm soát tồn kho và làm việc với khách hàng cùng một lúc nên họ cần có khả năng tổ chức công việc cũng như sử dụng thời gian thật tốt để hoàn thành tất cả mọi việc.
Với kỹ năng tổ chức xuất sắc, Store Manager có thể giữ cho toàn bộ hoạt động của cửa hàng luôn ổn định, hiệu quả, từ đó thu về các kết quả kinh doanh tốt nhất.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bộ câu hỏi phỏng vấn Store Manager thường gặp
Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt chính là công cụ quan trọng giúp Store Manager xử lý nhanh chóng, hợp lý những vấn đề, tình huống bất ngờ phát sinh tại cửa hàng.
Việc thành thạo kỹ năng này giúp Store Manager dễ dàng tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vấn đề, từ đó có thể xác định biện pháp phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm mọi việc.
Những quyết định của Store Manager có thể gây nên các ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến tất cả hoạt động diễn ra trong cửa hàng cũng như doanh thu, lợi nhuận cửa hàng thu được.
Do đó, một quản lý cửa hàng giỏi chắc chắn phải có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, dứt khoát để xử lý công việc hiệu quả nhất. Quan trọng hơn là họ phải tự tin và sẵn sàng chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.
Store Manager vừa phải quản lý tốt thời gian làm việc của chính mình vừa phải quản lý thời gian làm việc của nhân viên tại cửa hàng.
Do đó, khả năng quản lý thời gian tốt được xem như yếu tố quan trọng mang đến thành công cho người quản lý cửa hàng và đảm bảo cửa hàng luôn vận hành một cách ổn định.
Store Manager có nhiệm vụ phân tích chi tiết các khía cạnh khác nhau liên quan đến quá trình hoạt động mỗi ngày của cửa hàng, hiệu suất làm việc của nhân viên và các hành vi, nhu cầu của khách hàng.
Dựa trên kết quả phân tích, họ sẽ có các kế hoạch hành động cụ thể để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho cửa hàng và xử lý, cải thiện những điểm còn hạn chế đang tồn tại trong quá trình vận hành cửa hàng.
Để duy trì hoạt động của cửa hàng luôn ổn định và hiệu quả, Store Manager có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ nhân viên các quy tắc, kỹ năng nghiệp vụ, quy trình bán hàng.
Chỉ khi đào tạo được đội ngũ nhân viên mạnh, Store Manager mới dễ dàng đảm bảo hiệu quả kinh doanh của cửa hàng và hoàn thành được các mục tiêu doanh số công ty giao cho.
Xây dựng và duy trì động lực làm việc cho nhân viên sẽ giúp Store Manager mang về những thành công cũng như thành tích kinh doanh vượt trội cho cửa hàng, từ đó họ cũng tìm thấy những cơ hội thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp.
Là một Store Manager, bạn cần học cách khen ngợi, khích lệ nhân viên và biết phải làm sao để điều chỉnh, sửa chữa cách họ thực hiện công việc. Khả năng làm việc với con người của bạn càng hiệu quả, đội nhóm của bạn sẽ càng phát triển mạnh mẽ.
Việc thành thạo các phần mềm tin học trong quản lý hoạt động của cửa hàng sẽ giúp Store Manager xử lý công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều.
Ví dụ, họ có thể vận dụng phần mềm trong việc quản lý tồn kho, xử lý đơn hàng, in hoá đơn, lên lịch trình làm việc cho nhân viên, cập nhật giá bán ra, theo dõi công việc hàng ngày của cửa hàng,… Từ đó, cửa hàng có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra.
Với người quản lý cửa hàng, kỹ năng phục vụ vô cùng quan trọng. Công việc của họ có liên quan chặt chẽ đến dịch vụ khách hàng. Họ luôn phải chú ý đến việc khiến khách hàng cảm thấy hài lòng khi mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của cửa hàng.
Chính vì vậy, trau dồi kỹ năng phục vụ là điều Store Manager phải thực hiện mỗi ngày cho chính bản thân mình và cho cả nhân viên cửa hàng. Mặt khác, bạn còn phải thiết lập được văn hoá phục vụ với những đặc trưng riêng để thu hút và làm khách hàng luôn hài lòng.
Vì là người đứng đầu cửa hàng nên Store Manager nhất định phải thành thạo kỹ năng bán hàng để có thể hỗ trợ khách hàng tốt nhất.
Đồng thời, thành thạo kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng còn giúp họ huấn luyện, đào tạo nhân viên hiệu quả và nhận được sự tôn trọng của nhân viên cũng như cấp trên vì năng lực của bản thân.
Mong rằng bài viết này của Ms Uptalent đã giúp bạn hiểu rõ Store Manager cần những kỹ năng nào cũng như công việc của họ. Từ đó bạn cũng biết phải làm gì để tích lũy cho mình những kỹ năng cần thiết và trở thành một Store Manager giỏi. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet