- 420k
- 1k
- 870
Tài chính là nguồn lực chủ chốt giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh và phát triển. Do đó, vấn đề quản lý tài chính doanh nghiệp luôn là công tác được tất cả doanh nghiệp đặc biệt chú trọng.
Trong bài viết này, Ms Uptalent sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu một số thông tin về quản lý tài chính doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của công việc này đối với doanh nghiệp.
MỤC LỤC:
1- Quản lý tài chính doanh nghiệp là gì?
2- Người chịu trách nhiệm quản lý tài chính doanh nghiệp là ai?
3- Tại sao cần quản lý tài chính doanh nghiệp?
4- Quản lý tài chính gồm những gì?
5- Lời kết
>>> Xem thêm: Việc làm lương cao
Quản lý tài chính doanh nghiệp bao gồm một chuỗi các hoạt động cần thiết như lên kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức và kiểm soát các mối quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp.
Hoặc bạn cũng có thể hiểu đơn giản, quản lý tài chính doanh nghiệp là tức là quản lý nguồn vốn và dòng tiền của doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá lợi nhuận và đưa doanh nghiệp phát triển. Trong đó, nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm tiền mặt, tài sản, thu nhập, các khoản phải thu, phải trả,…
Các nhà quản trị luôn coi trọng vấn đề quản lý tài chính doanh nghiệp bởi nó có ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các mục tiêu trong ngắn và dài hạn của doanh nghiệp.
Đồng thời, hoạt động quản lý tài chính cũng luôn gắn liền với bộ phận tài chính kế toán. Điều này được thể hiện rất rõ qua các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Tài chính là nguồn lực chủ chốt để doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề quản lý tài chính ngay từ lúc mới thành lập.
Thực hiện tốt việc quản lý tài chính sẽ giúp doanh nghiệp phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, từ đó đạt được các mục tiêu kinh doanh tổng thể và ngày càng phát triển.
Có thể thấy, quản lý tài chính doanh nghiệp là công việc vô cùng quan trọng. Nó cũng là nhiệm vụ hàng đầu của các chủ doanh nghiệp, CEO và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông thường, Giám đốc tài chính (CFO) sẽ là người đứng đầu bộ máy quản lý tài chính trong doanh nghiệp. Họ sẽ chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc các vấn đề liên quan hoạt động tài chính của công ty.
CFO có nhiệm vụ đưa ra ba quyết định tài chính quan trọng, đó là quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận. Bên cạnh đó, vị trí này còn phụ trách việc tổ chức thực hiện các quyết định tài chính của doanh nghiệp.
Toàn bộ các quyết định CFO đưa ra đều hướng đến mục tiêu chung là tối đa hoá giá trị. Tức là, CFO phải nỗ lực gia tăng tối đa giá trị các phần vốn mà chủ doanh nghiệp và các cổ đông đã bỏ ra.
Để hoàn thành mục tiêu chung nói trên, CFO sẽ phải thực hiện các công việc chính sau:
- Xây dựng, tổ chức bộ máy quản lý tài chính cho doanh nghiệp.
- Nghiên cứu, phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
- Lên kế hoạch nhu cầu vốn, kế hoạch huy động vốn và kế hoạch khai thác, sử dụng nguồn sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.
- Lên phương án phân phối lợi nhuận hợp lý nhằm đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia góp vốn.
- Dự báo các rủi ro tài chính và thực hiện việc quản trị rủi ro.
- Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài sản của công ty, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí hay sử dụng tài sản sai mục đích.
>>> Bạn có thể xem thêm: Những lưu ý khi tuyển dụng giám đốc tài chính
Quản lý tài chính hiệu quả tạo ra các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tối ưu hoá lợi nhuận và đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Về cơ bản, quản lý tài chính doanh nghiệp có các vai trò sau:
Thông qua việc quản lý tài chính, doanh nghiệp có thể kiểm soát hiệu quả các dòng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy mà doanh nghiệp luôn vận hành ổn định và có thể phát triển liên tục.
Quản lý tài chính giúp doanh nghiệp hoạch định và phân phối các nguồn tài chính một cách hợp lý. Nhờ vậy các nguồn tài chính của doanh nghiệp sẽ trở thành đòn bẩy kinh tế giúp gia tăng năng suất cũng như hiệu quả sử dụng vốn.
Nói cách khác, việc quản lý tài chính có thể giúp doanh nghiệp điều tiết hiệu quả các hoạt động kinh doanh và đạt được mức tỷ suất lợi nhuận so với vốn đầu tư cao hơn.
Nhà quản lý tài chính sẽ phải xác định các khoản đầu tư cũng như chi tiêu liên quan đến việc mua sắm tài sản, công nghệ và đầu tư cho nguồn nhân lực một cách hợp lý.
Nếu làm tốt việc này, doanh nghiệp có thể đạt được mức tăng trưởng tương xứng với khoản đầu tư đã bỏ ra, đồng thời còn đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và phát triển bền vững trong dài hạn.
Bằng cách theo dõi, giám sát sự lưu chuyển của dòng tiền, cụ thể là các khoản thu chi, tình hình tài chính và các chỉ tiêu tài chính, mà các nhà lãnh đạo có thể nắm bắt chính xác tình trạng hoạt động của doanh nghiệp.
Từ đó, họ sẽ phát hiện nhanh chóng các vấn đề phát sinh và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo quá trình hoạt động của doanh nghiệp luôn ổn định, hiệu quả.
>>> Bạn có thể tham khảo: CFO và Kế toán trưởng có gì khác nhau?
Hoạt động quản lý tài chính doanh nghiệp thường bao gồm những công việc chính sau:
Thông qua các kế hoạch kinh doanh, nhà quản lý có thể biết được vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và mục tiêu cần đạt được. Trong khi đó, lên kế hoạch tài chính có thể cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết để phân bổ tài chính phù hợp cho các kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, bản kế hoạch tài chính còn là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp tính toán, chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nhìn chung, một kế hoạch tài chính rõ ràng, cụ thể chính là cơ sở để doanh nghiệp dự trù và phân bổ nguồn tài chính một cách hợp lý để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn cũng như tăng trưởng, phát triển.
Các hoạt động tài chính cần được kiểm soát và quản lý một cách có hệ thống. Qua đó, doanh nghiệp có thể theo dõi, cập nhật và tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến các giao dịch tài chính như mua sắm tài sản, đầu tư hay sử dụng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên kiểm soát các giao dịch trên tài khoản tín dụng, các khoản nợ ngân hàng, các khoản thế chấp, quỹ lương,… một cách thống nhất và logic nhằm phát hiện kịp thời các điểm khác thường và xử lý nhanh chóng.
Đối với các khoản nợ khó đòi, doanh nghiệp cần có biện pháp xử lý trong năm tài chính. Không nên để treo các khoản này qua nhiều năm vì nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu cũng như việc lên kế hoạch và đảm bảo sự ổn định cho các hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải lập dự báo dòng tiền theo định kỳ và cập nhật báo cáo thường xuyên để kịp thời nắm rõ các số liệu, tình hình kinh doanh. Nếu phát sinh sự cố, nhà quản lý tài chính doanh nghiệp cần nhanh chóng xử lý.
>>> Quan tâm thêm: 5 công việc chính của giám đốc tài chính
Ở đây, tài sản tài chính được hiểu là các tài sản có tính thanh khoản và giá trị của nó được thể hiện bằng quyền ghi trên hợp đồng hay quyền sở hữu. Một số tài sản phổ biến như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu,…
Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu cạn kiệt tài chính. Vì vậy, nhà lãnh đạo phải thực hiện việc quản lý tài chính hiệu quả để nguồn tiền của doanh nghiệp không những không mất đi mà còn có thể tiếp tục sinh lời.
Cụ thể, nhà quản lý sẽ phải xây dựng các biện pháp chống gian lận nhằm bảo vệ, phòng tránh các mất mát về tài sản tài chính. Những biện pháp tốt nhất để thực hiện việc này là thiết lập nên các quy định, chính sách, quy trình để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nội bộ.
Hàng tháng, nhà quản lý tài chính cần phải đối chiếu số dư các khoản tiền gửi, tiền vay và tiền lãi với báo cáo ngân hàng. Việc này sẽ giúp họ nắm bắt rõ tình trạng tài chính của doanh nghiệp để có những quyết định đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, họ cũng cần có kế hoạch đầu tư các khoản tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp để tạo ra các khoản lợi nhuận. Với những dự án có tỷ suất sinh lời cao, doanh nghiệp sẽ thu được nguồn tiền rất lớn.
Các quyết định tài chính hay đầu tư của doanh nghiệp đều đi kèm với rủi ro. Nhiệm vụ của nhà quản lý tài chính là phải làm sao kiểm soát tốt rủi ro và đạt được lợi nhuận cao nhất từ việc đầu tư.
Việc cần làm trước khi ra quyết định đầu tư là hãy xác định các rủi ro có thể xảy ra và lên phương án phòng ngừa hoặc chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó để giảm thiểu tác động của rủi ro xuống mức thấp nhất.
Sẽ có những rủi ro bất ngờ, không dự đoán trước được. Khi đó, việc thường xuyên nắm rõ dòng tiền và lập quỹ dự phòng chính là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp vượt qua rủi ro.
Một ưu điểm khác của việc duy trì quỹ dự phòng là có thể giúp doanh nghiệp phòng ngừa và quản lý hiệu quả những ảnh hưởng do những rủi ro bất ngờ mang lại.
Bạn nên nhớ, thị trường tài chính luôn biến động và đầy rẫy những rủi ro bất ngờ có thể khiến doanh nghiệp không đạt được các mục tiêu trong ngắn và dài hạn. Nếu doanh nghiệp không có biện pháp quản trị tài chính chặt chẽ thì nguy cơ phá sản luôn rất cao.
Có thể thấy, quản lý tài chính doanh nghiệp giữ vai trò cốt lõi trong quá trình vận hành, phát triển của doanh nghiệp. Để có thể sử dụng và kiểm soát nguồn tài chính hiệu quả, bạn cần đảm bảo doanh nghiệp của mình luôn tuân thủ các nguyên tắc quản trị tài chính và có biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả.
Khi đứng trước các quyết định tài chính, bạn cần suy xét, cân nhắc kỹ lưỡng để có thể mang lại những khoản sinh lời lớn với mức độ rủi ro chấp nhận được.
Sẽ không có giải pháp toàn diện và phù hợp với mọi doanh nghiệp trong việc quản lý tài chính. Vì vậy, là một người quản lý tài chính doanh nghiệp, bạn phải am hiểu các kiến thức về quản trị tài chính và nghiên cứu các công cụ, giải pháp quản lý tài chính phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Trên đây là một số thông tin Ms Uptalent muốn chia sẻ cùng bạn đọc về quản lý tài chính doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ vì sao phải quản lý tài chính doanh nghiệp cũng như các công việc liên quan đến vấn đề này và có thể quản lý tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet