- 420k
- 1k
- 870
Quản lý cấp cao là những người giữ vai trò quan trọng đối với sự thành bại cũng như khả năng phát triển của doanh nghiệp. Các quyết định họ đưa ra sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp đạt được trong tương lai.
Tuy có vai trò quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu hết về những nhà quản lý cấp cao này. Vì vậy, Ms Uptalent muốn thông qua bài viết này cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về quản lý cấp cao. Các bạn hãy cùng theo dõi nhé!
MỤC LỤC:
1- Quản lý cấp cao là gì?
2- Vai trò của quản lý cấp cao
3- Quyền hạn của quản lý cấp cao
4- Ví dụ về quản lý cấp cao
5- Công việc của quản lý cấp cao
6- Mức lương của quản lý cấp cao
>>> Xem thêm: Việc làm Quản lý cấp cao
Quản lý cấp cao là những nhân sự nắm quyền quản lý hàng đầu trong doanh nghiệp. Những người này thường là người thành lập ra doanh nghiệp đó hoặc là nhân sự quản lý cấp cao được thuê để quản lý, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp.
Điểm chung của các quản lý cấp cao là họ thường có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó. Nhờ vậy họ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và đảm bảo vận hành các hoạt động trong doanh nghiệp một cách ổn định.
Trong tiếng Anh, quản lý cấp cao được gọi là Top Manager hoặc Upper Management.
Quản lý cấp cao là người lãnh đạo các bộ phận chức năng của doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả công việc luôn được tối ưu. Vai trò của họ có thể khác nhau tuỳ theo từng tổ chức, doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung vai trò của quản lý cấp cao thường bao gồm:
+ Đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp: Xét một cách tổng quan, nhà quản trị cấp cao chính là hình ảnh, bộ mặt của doanh nghiệp. Khi nhìn vào một nhà quản lý cấp cao bạn sẽ thấy được vài nét cơ bản về doanh nghiệp, tổ chức họ đang lãnh đạo.
+ Lãnh đạo doanh nghiệp: Quản lý cấp cao có trách nhiệm giám sát, quản lý nhân viên cấp dưới. Họ cũng tham gia việc tuyển dụng, đào tạo, hướng dẫn và làm gương cho nhân viên. Đồng thời, họ còn phải xử lý nhanh những mâu thuẫn giữa nhân viên để tạo nên sức mạnh tập thể lớn mạnh.
+ Xây dựng, phát triển các mối quan hệ: Nhà quản lý cấp cao phải không ngừng kết nối, tạo dựng mối quan hệ với bên ngoài nhằm mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.
+ Thu thập, phổ biến và cung cấp thông tin: Quản lý cấp cao phải thu thập đầy đủ các thông tin tiêu cực về doanh nghiệp để có biện pháp xử lý nhanh chóng. Đồng thời, họ cũng phải phổ biến chính xác các thông tin liên quan để nhân viên thực hiện công việc hiệu quả và cung cấp thông tin cho các bên liên quan nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.
+ Ra quyết định: Nhà quản lý cấp cao có trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó họ có thể đảm bảo doanh nghiệp luôn vận hành một cách thống nhất, hiệu quả và suôn sẻ.
+ Giải quyết vấn đề: Khi phát sinh các vấn đề bất ngờ, quản lý cấp cao phải nhanh chóng nắm bắt tình hình, đưa ra phương án giải quyết để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và giữ cho doanh nghiệp luôn hoạt động ổn định.
+ Phân phối nguồn lực: Nguồn lực của doanh nghiệp luôn có giới hạn nhất định. Vì vậy, quản lý cấp cao phải đảm bảo phân phối các nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất,… một cách hợp lý, hiệu quả.
>>> Bạn có thể xem thêm: Nhân sự cấp cao C-Level, C-Suite họ là ai?
Quản lý cấp cao thuộc cấp bậc quản trị cao nhất trong doanh nghiệp. Họ chịu trách nhiệm với mọi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và có quyền hạn quản lý cao nhất. Cụ thể, quản lý cấp cao có các quyền hạn sau:
- Có quyền ra quyết định và điều hành doanh nghiệp ở mức độ cao nhất.
- Có quyền hoạch định các chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể.
- Có quyền xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh, marketing, nhân sự,… dài hạn cho doanh nghiệp.
- Có quyền điều phối, vận hành tất cả các hoạt động trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp.
- Có quyền giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp cũng như hiệu quả làm việc của các quản lý bộ phận và đội ngũ quản lý cấp trung, cấp thấp.
- Có quyền lựa chọn, điều phối các vị trí nhân sự chủ chốt trong công ty.
- Có quyền lựa chọn các biện pháp để giải quyết vấn đề và hoàn thành các mục tiêu hoạt động đã đặt ra.
- Có quyền thay đổi, điều chỉnh tầm nhìn, kế hoạch và chiến lược hoạt động của doanh nghiệp.
>>> Bạn có thể quan tâm: Vai trò của CEO trong quản trị rủi ro doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp, quản lý cấp cao chỉ là một nhóm nhân sự rất nhỏ với các chức danh như: chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, các chức danh C-Level,…
Sau đây là ví dụ chi tiết về một số vị trí quản lý cấp cao thường thấy trong doanh nghiệp:
+ Chủ tịch HĐQT: Là người đứng đầu Hội đồng quản trị của công ty, được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu ra.
+ Phó chủ tịch: Là người đứng thứ hai trong HĐQT của công ty. Vị trí này do Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị bầu ra.
+ Tổng giám đốc: Là chức danh cao nhất trong một công ty. Tổng giám đốc sẽ chịu trách nhiệm về các quyền, nhiệm vụ được giao và chịu sự giám sát của HĐQT.
+ Phó tổng giám đốc: Là người đứng sau tổng giám đốc. Vai trò của họ là hỗ trợ tổng giám đốc điều hành và quản lý doanh nghiệp
+ Giám đốc: Là người đứng đầu một doanh nghiệp. Họ nắm quyền quản lý, vận hành toàn bộ các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp.
+ Phó giám đốc: Là người hỗ trợ giám đốc trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp. Họ có thể thay mặt giám đốc thực hiện các công việc và ra quyết định trong phạm vi quyền hạn được giao.
+ Các chức danh C-Level
Còn được gọi là bộ C hay C-suite. Các chức danh C-level thường bao gồm:
- CEO – Giám đốc điều hành.
- CFO – Giám đốc tài chính.
- CMO – Giám đốc marketing.
- CIO – Giám đốc thông tin.
- COO – Giám đốc vận hành.
- CHRO – Giám đốc nhân sự.
- CSO – Giám đốc an ninh.
>>> Quan tâm thêm: COO là gì? Tất tần tật về nghề COO?
Công việc của nhà quản lý cấp cao là thiết lập các mục tiêu, xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm vận hành công ty ngày càng phát triển.
Sau đây là các đầu mục công việc quản lý cấp cao thường phải thực hiện:
- Xác định mục tiêu kinh doanh tổng thể, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp theo từng giai đoạn, hoạch định chiến lược và đưa ra các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
- Xây dựng cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động và các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhân sự như tuyển dụng, bổ nhiệm quản lý cấp dưới, chính sách lương,… để tạo nên bộ máy quản trị hoàn thiện cho doanh nghiệp.
- Điều phối các bộ phận chức năng nhằm đảm bảo mọi việc được thực hiện hiệu quả và duy trì sự vận hành ổn định của doanh nghiệp.
- Phân bổ nguồn lực, xây dựng nguồn kinh phí cần thiết để phát triển toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đưa ra quyết định về các biện pháp kiểm tra, kiểm soát cũng như phương án đánh giá, khắc phục vấn đề và chịu trách nhiệm với tất cả kết quả đạt được từ những quyết định đó.
- Tổ chức và chủ trì các cuộc họp thường niên của công ty.
- Báo cáo kết quả, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trước Hội đồng quản trị và trong Đại hội công nhân viên chức của công ty.
Theo các dữ liệu thống kê, mức lương của quản lý cấp cao hiện từ 30 triệu trở lên. Mức lương này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lĩnh vực, ngành nghề, kinh nghiệm làm việc, vị trí đảm nhiệm, số lượng nhân viên phải quản lý và quy mô, cơ chế chính sách của mỗi công ty.
Thực tế cho thấy, yếu tố ngành nghề có tác động rất lớn đến mức lương mà quản lý cấp cao nhận được. Ví dụ, mức lương của nhà quản lý cấp cao ngành IT sẽ khác với lương của quản lý cấp cao ngành dịch vụ hay kinh doanh.
Sở dĩ có sự khác biệt lớn về lương quản lý cấp cao giữa các ngành nghề khác nhau là vì mức lương sẽ chịu tác động bởi mức lương trung bình ngành trong lĩnh vực họ làm việc.
>>> Tham khảo thêm: CMO là gì? CMO phải đối mặt với những thách thức gì
Quản lý cấp cao là những người có trách nhiệm đưa ra quyết định chính trong doanh nghiệp. Họ phải gánh vác những trọng trách quan trọng hơn những nhân viên khác.
Đồng thời, những người đảm nhận vai trò quản lý cấp cao cũng là những nhân sự đang ở trên đỉnh của bộ máy tổ chức doanh nghiệp. Họ hiểu rất rõ kỳ vọng và quyền hạn mà các cổ đông của công ty và ban giám đốc trao phó cho mình.
Nhà quản lý cấp cao sở hữu những quyền lực nhất định trong doanh nghiệp, tiếng nói của họ có trọng lượng hơn và có sức ảnh hưởng lớn với người khác. Cùng với đó, họ còn nhận được mức lương và đãi ngộ rất tốt. Vì vậy, trở thành quản lý cấp cao là mục tiêu của rất nhiều người trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, quyền lợi lớn luôn đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Do đó, con đường trở thành quản lý cấp cao luôn rất khó khăn và cũng không hề dễ hoàn thành tốt vai trò của vị trí này.
Mong rằng bài viết của Ms Uptalent đã cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về vai trò, quyền hạn, công việc của nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp. Nếu muốn trở thành một quản lý cấp cao giỏi bạn sẽ phải nỗ lực hết mình và có định hướng phát triển sự nghiệp đúng đắn. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet