- 420k
- 1k
- 870
Thành công của mỗi cá nhân – đặc biệt là trong công việc – không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều cần có sự nỗ lực học hỏi, phát triển mỗi ngày, quan trọng là phải xác định đúng mục tiêu phù hợp với bản thân theo từng giai đoạn. Và đây, phương pháp OKR với cách đặt mục tiêu và đạt thành công trong công việc sẽ là nội dung Ms Upatalent muốn gửi đến bạn hôm nay.
Mục Lục:
1. Phương pháp OKR là gì?
2. OKR cá nhân và OKR của tổ chức có song hành cùng nhau?
3. Cách đặt mục tiêu công việc bằng phương pháp OKR
3.1. Xác định mục tiêu muốn chinh phục
3.2. Chia nhỏ mục tiêu kèm theo kết quả then chốt
3.3. Nâng dần độ khó để kích thích nỗ lực chinh phục
3.4. Gắn kết cùng OKR của tổ chức
3.5. Đánh giá và điều chỉnh OKR thường xuyên
4. Lưu ý giúp nâng cao hiệu quả OKR cá nhân cho thành công trong công việc
4.1. Đảm bảo kết quả đo lường được
4.2. Mục tiêu không cần quá vĩ đại
4.3. Duy trì nhiệt huyết phấn đấu
4.4. Chủ động chia sẻ năng lực tích lũy
OKR - viết tắt của Objectives and Key Results - là phương pháp quản lý dựa trên mục tiêu và kết quả then chốt. Đối tượng sử dụng OKR có thể là tổ chức, là đội nhóm hoặc cá nhân trong tổ chức/đội nhóm đó.
Cả hai yếu tố của OKR có mối liên kết chặt chẽ trong quá trình thiết lập và triển khai phương pháp, trong đó:
Mục tiêu (Objectives) là điều mà đối tượng sử dụng OKR muốn hoàn thành, nó phải cụ thể, cân đo đong đếm được và cần thiết lập với chút độ khó để thử thách bản thân vượt qua.
Kết quả then chốt (Key Results) cho phép đối tượng sử dụng OKR đánh giá được mức độ tiến bộ của mình để có sự lựa chọn mục tiêu tiếp theo phù hợp với năng lực mà mình vừa tích lũy thêm được.
Xem thêm >>> Chuyên Viên Quản Trị Hiệu Suất là gì? Kỹ năng quản lý hiệu suất
Trước đây ta biết nhiều đến OKR khi đề cập đến mục tiêu chung của tổ chức, nơi mà mọi người cùng hướng về nó và nỗ lực cho thành quả chung của tập thể thì giờ đây, trong quản trị hiện đại, OKR vừa hướng đến mục tiêu chung của tổ chức, vừa hướng đến mục tiêu riêng của cá nhân tham gia vào tổ chức đó.
Nói một cách đơn giản, để gặt hái thành công trong công việc, ngoài việc hướng đến OKR chung của tập thể thì mỗi nhân sự còn cần thiết lập OKR riêng của cá nhân mình. Như vậy, khi hoàn thành mục tiêu chung và các kết quả then chốt của tổ chức thì mỗi nhân sự cũng đạt được mục tiêu và kết quả then chốt mà mình hướng đến.
OKR của cá nhân có sự kết nối với OKR của tổ chức nhưng không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, tổ chức có một OKR về bán sản phẩm trực tiếp tại siêu thị và cá nhân tham gia dự án đó được giao nhiệm vụ giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm.
|
OKR tổ chức |
OKR cá nhân |
Mục tiêu |
- Giới thiệu sản phẩm mới - Thu thập ý kiến đánh giá của người dùng thử |
- Giới thiệu chính xác thông tin sản phẩm mới - Phát triển kỹ năng giao tiếp và thu hút khách hàng |
Kết quả then chốt |
- Tiêu thụ 100 thùng sản phẩm mới - Thu thập 500 phiếu khảo sát từ khách hàng |
- Mỗi khách hàng siêu thị ghé ngang gian hàng sẽ dừng chân ít nhất 5 phút để nghe giới thiệu - Có tổng cộng hơn 100 khách hàng hỏi thêm thông tin về sản phẩm mới |
Hiểu được nguyên tắc hoạt động của OKR rồi, hiểu được giá trị OKR cá nhân mang lại rồi, vậy thì đã đến lúc chúng ta khai phá cách đặt mục tiêu công việc bằng phương pháp OKR:
Mọi thứ có lẽ đang khá mơ hồ vì có quá nhiều mục tiêu bạn muốn chinh phục nên chẳng biết chọn cái nào là thích hợp. Vậy hãy quay lại một chút với công việc mà bạn đang đảm nhận, hãy xem những năng lực nào có khả năng tạo bệ phóng thành công cho bạn thì bạn hãy chọn một trong số đó làm mục tiêu OKR sắp tới của mình. Ví dụ công việc của bạn thường xuyên tiếp xúc với đối tác nước ngoài thì mục tiêu giao tiếp tiếng Anh thuần thục nên được thiết lập.
Mục tiêu cũng giống như ăn một cái bánh to vậy, ăn cả cái bánh thì không vừa miệng nhưng chia nhỏ từng miếng, ăn chậm chậm từ tốn thì chẳng có vấn đề gì. Bước tiếp theo trong hành trình thiết lập OKR chính là chia nhỏ mục tiêu lớn của bạn kèm theo kết quả then chốt để kiểm soát việc hoàn thành.
Quay lại với mục tiêu giao tiếp tiếng Anh thuần thục ở trên, bạn có thể chia thành:
Mỗi tối nghe tiếng Anh 30 phút từ Youtube, lưu lại đoạn giao tiếp và học thuộc nội dung giao tiếp. Mỗi tuần phải thuộc ít nhất 2 đoạn hội thoại.
Tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, sau 1 tuần phải giao tiếp tốt với người Việt giỏi tiếng Anh trong câu lạc bộ, sau 2 tuần phải tự tin giao tiếp với người nước ngoài.
Độ khó nên ở mức vừa phải, như vậy sẽ đủ lực để ép ta cố gắng mà không bị nản lòng. Bạn nên dựa vào điểm đánh giá của kết quả then chốt ở mục tiêu nhỏ trước đó để lựa chọn độ khó cho mục tiêu nhỏ tiếp theo. Làm như vậy sẽ có hai lợi ích:
Kiểm chứng được liệu kết quả then chốt mình gặt hái được ở mục tiêu nhỏ trước có thật sự là tiến bộ không hay là do ta chủ quan đánh giá mà thôi.
Nâng cao sức mạnh cho hành trình chinh phục mục tiêu nhỏ tiếp theo, điều mà nếu ta đặt ra sớm hơn có lẽ sẽ không khả thi thực hiện vì chưa tích lũy đủ lượng và chất.
Kết quả then chốt của OKR cá nhân nếu chỉ giữ cho riêng mình thì chẳng thể gặt hái được thành công vì chẳng ai trong doanh nghiệp biết bạn là nhân tài đang phát triển cả. Muốn người ta biết đến và tạo cơ hội cho bạn phát triển thì bạn phải tự tin thể hiện những năng lực mình đã âm thầm tích lũy.
Bằng cách chủ động tham gia các dự án của công ty, đặc biệt là những dự án có vị trí mà tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí đó phù hợp với mục tiêu OKR mà bạn đặt ra cho mình. Sẽ có vấp váp, sẽ có bỡ ngỡ đó nhưng doanh nghiệp đã chọn bạn nghĩa là họ chấp nhận cho bạn thử sức để hoàn thiện mình nên đừng bỏ phí cơ hội giá trị như vậy.
Cuộc sống xoay chuyển không ngừng, cùng mục tiêu lớn đó nhưng chưa chắc mục tiêu nhỏ mà bạn lên kế hoạch chinh phục lại là phù hợp. Ví dụ cùng là yêu cầu cao về tiếng Anh đó nhưng có nơi lại chuộng bằng TOEIC, có nơi lại là IELTS.
Chính vì vậy, các mục tiêu và kết quả then chốt trong OKR cá nhân cần được theo dõi thường xuyên, điều chỉnh khi cần thiết để tránh như kiểu “làm văn dài thật dài, cuối cùng mới phát hiện lạc đề”. Cách giúp bạn phát hiện sớm những chuyển biến chính là dựa trên thông tin về OKR của doanh nghiệp, một khi mục tiêu chung mà tập thể hướng đến có sự thay đổi thì rất có thể sự thay đổi đó có liên quan đến mục tiêu cá nhân trong OKR của bạn.
OKR là một phương pháp mà ai cũng đọc được, hiểu được nhưng áp dụng hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Vậy nên những lưu ý ở phần cuối bài viết hôm nay cũng là một cẩm nang không kém phần quan trọng:
Dùng OKR để thiết lập mục tiêu cá nhân mang lại kết quả vượt trội hơn nhiều phương pháp khác vì nó cho phép chúng ta đo lường và kiểm tra diễn biến của kết quả. Chính vì vậy, khi áp dụng OKR cá nhân, bạn phải đảm bảo mục tiêu và kết quả then chốt mà mình hướng đến phải có thang điểm cụ thể để đo lường, so sánh, ghi nhận kết quả mỗi tuần hoặc mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm >>> Personal Productivity Tools là gì? Các công cụ hiệu quả để tối ưu hiệu suất cá nhân
“Dục tốc bất đạt”, những mục tiêu lớn vừa khó lòng chinh phục nhanh nên dễ khiến ta nản chí, vừa khó đo lường chặt chẽ nên dễ khiến ta đi chệch hướng. Chỉ cần áp dụng OKR cá nhân với những mục tiêu nhỏ, từng mục tiêu nhỏ thành công tiếp nối nhau sẽ mang lại kết quả then chốt lớn lúc nào không hay.
Tình trạng lúc đầu rất “máu lửa” nhưng càng về sau càng nản, càng chán, rồi lại bỏ dở. Theo dõi kết quả tốt lên từng ngày là một cách hiệu quả. Ngoài ra, Ms Upatalent có thêm một cách khác để giữ được lửa nhiệt huyết, đó là có một yếu tố tác động về mặt tâm lý, có thể là Tiền thưởng cuối năm, là Sĩ diện với đồng nghiệp cạnh tranh trong công ty, là Cơ hội thăng chức… Hãy ghi điều này vào sổ tay để “khi mà bạn muốn bỏ cuộc”, hãy nhìn vào đó và nhớ lại “lý do khiến bạn bắt đầu”.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có được thông tin tìm người cho một vị trí nào đó của dự án mới, đa phần là các Sếp tự quan sát và tự sắp xếp nhân sự phù hợp cả rồi, sau đó mới công khai dự án. Do đó, trong những ngày làm việc bình thường, bạn nên dành ít thời gian để tâm đến cơ hội chia sẻ năng lực tích lũy ở nơi làm việc.
Chia sẻ điều này, một là phải khéo léo, hai là phải đúng người. Vì nếu lộ liễu sẽ làm người khác ganh tị, nếu sai người thì coi như bạn đang mách nước để họ cũng âm thầm nâng cao năng lực. Bạn nên tìm những khía cạnh liên quan đến năng lực đó để gián tiếp đề cập đến cái giỏi của bạn, chẳng hạn như:
Về tiếng Anh “Tối qua em xem được cái clip phát biểu nhận giải của Angelina Jolie, chị ấy nói tiếng Anh rõ mà dễ hiểu nữa, em có chia sẻ link trên Facebook”.
Về kỹ năng quản lý công việc “Hồ sơ mấy năm liên tục để trong tủ hơi khó tìm, em mới lưu thành file trong excel, Sếp xem dùm em được chưa ạ, có gì Sếp góp ý cho em với”.
OKR được xem là phương pháp đặt mục tiêu đơn giản nhưng lại rất hiệu quả và phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi trình độ chuyên môn sử dụng. Chỉ vài bước đơn giản như Ms Upatalent chia sẻ, chúng ta sẽ hiểu hơn về chính mình và đặt ra đúng mục tiêu để bản thân phấn đấu, từng bước phát triển năng lực cá nhân và đạt nhiều thành công trong công việc.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet