- 420k
- 1k
- 870
Trở thành lãnh đạo cấp cao trong ngành kỹ thuật với cương vị một CTO luôn là ước mơ mà rất nhiều ứng viên muốn chạm đến. Lương thưởng, phúc lợi, quyền lực, cơ hội trở thành lãnh đạo cao cấp… chính là động lực thúc đẩy cho ước mơ này, nhưng đi kèm với quyền lợi luôn là gánh nặng trách nhiệm. Những khó khăn khi là một CTO nặng nề ra sao, gian nan thế nào, Ms. Uptalent đã thay mặt các bạn ứng viên lắng nghe tâm tư từ chính những CTO đang đương nhiệm, và gửi gắm lại thông qua bài viết này.
MỤC LỤC:
1. CTO là gì?
2. CTO làm những công việc gì?
3. Những khó khăn khi là một CTO
3.1. Mỗi quyết định đều có tác động vĩ mô
3.2. Xây dựng đội ngũ nhân sự đồng lòng
3.3. Đảm bảo an toàn bảo mật hệ thống
3.4. Tham mưu / đảm bảo chất lượng sản phẩm
3.5. Cập nhật tiến bộ kỹ thuật liên tục
3.6. Nâng cao năng lực liên tục
CTO (Chief Technology Officer – tạm dịch Giám đốc công nghệ hay Giám đốc kỹ thuật) là người chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định chiến lược có vai trò chủ chốt cho những vấn đề liên quan đến kỹ thuật,công nghệ của tổ chức.
Ở một CTO giỏi, không nhất thiết phải “siêu” về năng lực chuyên môn, nhưng phải có kiến thức kỹ thuật/ công nghệ tốt. Vai trò chính của họ là định hướng, là dẫn dắt đội ngũ nhân sự hoàn thành các chỉ tiêu chiến lược của tổ chức, vì vậy, năng lực quản lý sẽ có nhiều cơ hội phát huy hơn. Kết hợp chuyên môn và quản lý, mang đến cho CTO khả năng thấu hiểu, sáng tạo, phân tích và đánh giá được mức độ thành công của các dự án kỹ thuật/ công nghệ.
Bất cứ ngành nghề nào liên quan đến kỹ thuật, đến công nghệ đều sẽ cần đến vai trò của CTO. Và bạn biết đấy, ngành nào có thể mai một nhưng công nghệ, kỹ thuật thì chỉ có phát triển và phát triển hơn mà thôi. Do vậy, cơ hội việc làm cho ứng viên CTO ngày càng nhiều, phúc lợi ngày càng tốt, tiêu chuẩn tuyển dụng cũng vì vậy càng khắt khe hơn.
>>>> Xem thêm: Làm CTO có cần phải "siêu giỏi" code không?
Tùy theo quy mô tổ chức mà nhiệm vụ của CTO sẽ khác nhau. Những doanh nghiệp lớn hay những tập đoàn đa ngành nghề, CTO được giao nhiệm vụ thiên về chuyên môn kỹ thuật nhiều hơn. Trong khi những doanh nghiệp quy mô vừa, hay những công ty mới khởi nghiệp, CTO sẽ phải đảm nhận thêm cả những quyết định liên quan đến sản phẩm (kiểu dáng, tính năng…), tiếp thị, kinh doanh, đối ngoại…
Trong bài viết hôm nay, Ms. Uptalent mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin chuyên sâu cho vị trí CTO. Vì vậy, những công việc của CTO sắp được chia sẻ sau đây cũng sẽ mang tính đặc thù, đảm bảo dù ở quy mô nào, ngành nghề nào, CTO cũng sẽ phải đảm nhận:
Ban lãnh đạo chỉ đưa ra mục tiêu, còn việc đề xuất định hướng, thiết lập các kế hoạch, dự án sẽ do CTO – người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn – thực hiện và trình ban giám đốc phê duyệt.
Liên quan đến phòng kỹ thuật công nghệ thì chủ yếu là phòng nghiên cứu sản phẩm, phòng tiếp thị kinh doanh, phòng tài vụ… Với vai trò người đứng đầu phòng kỹ thuật công nghệ, những ý kiến tham mưu của CTO luôn được đánh giá cao vì luôn giúp cho kế hoạch các phòng ban khác trở nên khả thi hơn.
Cùng một lúc, phòng kỹ thuật công nghệ sẽ triển khai nhiều dự án khác nhau. Phân bổ nhân lực, bố trí nhiệm vụ, thuyên chuyển/ điều động nhân sự hỗ trợ, giải quyết phát sinh … như thế nào để mọi dự án đều triển khai theo đúng kế hoạch đề ra đều dựa vào quyết định của CTO.
Không trực tiếp triển khai các bước trong quy trình tuyển dụng nhưng tham mưu cho phòng nhân sự, hoàn thiện bản mô tả công việc, trực tiếp phỏng vấn ứng viên, đánh giá lựa chọn ứng viên tốt nhất, theo dõi đánh giá quá trình thử việc, quyết định tuyển dụng chính thức… đều là nhiệm vụ của CTO.
CTO quyết định giáo trình đào tạo, chọn phương án đào tạo và có thể trực tiếp đứng lớp đào tạo luôn.
Định kỳ mỗi tuần/ tháng / quý/ năm, CTO sẽ hoàn thiện các bản báo cáo theo tiêu chuẩn hoàn thành các dự án gửi ban lãnh đạo. Trong những tình huống đặc biệt, có thiệt hại phát sinh, CTO sẽ trực tiếp giải trình trước ban giám đốc hoặc hội đồng quản trị.
>>>> Bạn xem thêm: CTO và CIO có gì khác nhau?
Nhìn sự hào nhoáng, bảnh bao, thành đạt của các CTO, chúng ta ai cũng bị cuốn hút, nhưng mấy ai biết để đạt được điều đó, mỗi ngày, thậm chí hằng giờ trong những khoảng thời gian chạy dự án, các CTO của chúng ta luôn phải đối mặt muôn vàn khó khăn:
Những dự án kỹ thuật công nghệ trong doanh nghiệp phải:
Vừa đáp ứng nhu cầu thị trường ở hiện tại và cả tương lai
Vừa phù hợp năng lực triển khai của nhân viên
Vừa đáp ứng định hướng chiến lược phát triển của ban lãnh đạo
Có thể đạt trọn vẹn tất cả hay không đều dựa trên quyết định của CTO vì xét cả ở tầm vi mô và vĩ mô, không ai có thể thấu hiểu và dung hòa mọi tiêu chuẩn được như CTO.
“Sai một ly đi một dặm” là khi ta quyết định việc cho mỗi mình ta. Còn CTO mà “sai một ly là đi cả ngàn dặm” luôn vì thiệt hại tác động đến toàn doanh nghiệp. Đây là một trong những áp lực lớn nhất mà mọi CTO đều phải tỉnh táo, nỗ lực vượt qua.
Quản lý thì phải có nhân viên dưới quyền, nhưng nhân viên là những cá thể có năng lực chuyên môn kỹ thuật khác nhau, có tính cách khác nhau, có kỳ vọng quyền lợi khác nhau… Làm thế nào để dung hòa những cái khác nhau đó, hướng tất cả mọi nhân sự thành một tập thể đồng sức đồng lòng cùng CTO hoàn thành tốt nhất những dự án được phê duyệt.
Nhân lực ngành kỹ thuật công nghệ ngày càng được săn đón, tìm người giỏi không khó nhưng phúc lợi doanh nghiệp liệu có đáp ứng được không, và liệu người giỏi đó có hòa nhập tốt cùng tập thể không hay lại cho mình là “cái rốn” của vũ trụ? Bởi vậy, tuyển dụng nhân sự phù hợp, gắn bó lâu dài cho phòng ban cũng là điều khiến các CTO cảm thấy đau đầu.
Phát triển sản phẩm bán ra thị trường, đồng thời cũng phải được chăm sóc chu toàn. Nếu ví doanh nghiệp như một ngôi nhà, thì cả nội thất và ngoại thất đều phải do CTO chịu trách nhiệm chất lượng. Nội thất ở đây chính là việc bảo mật thông tin hệ thống kỹ thuật công nghệ, bảo mật thông tin dự án đang ấp ủ hoặc đang triển khai, bảo mật thông tin nhân sự doanh nghiệp… Nhất là những doanh nghiệp ngành IT, công tác bảo mật được xem là nhiệm vụ trọng điểm mà CTO IT phải gánh vác.
Thông tin chính là sự sống còn của những doanh nghiệp kỹ thuật công nghệ. Ví dụ, sản phẩm chưa “ra lò” đã bị đối thủ “bắt bài” rồi tung ra sản phẩm tương tự trước thì thôi rồi, công sức tiền của nghiên cứu coi như xong. Do đó, CTO phải luôn quản trị rủi ro, cải tiến hệ thống bảo mật liên tục dựa trên việc đánh giá nguy cơ xuất hiện lỗ hổng bảo mật.
>>>> Có thể bạn quan tâm: 8 năm từ Developer trở thành CTO cần chuẩn bị gì?
Nếu doanh nghiệp không thiên về sản phẩm kỹ thuật công nghệ thì CTO chỉ giữ vai trò tham mưu, góp ý kiến để phù hợp quy trình vận hành kỹ thuật của doanh nghiệp. Ngược lại, chính CTO và đội ngũ phòng kỹ thuật công nghệ sẽ phải tham gia kiểm tra, giám sát, phê duyệt trước khi các sản phẩm kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp được sản xuất hàng loạt.
Nếu để sản phẩm tung ra thị trường rồi mới phát hiện lỗi, thu hồi thì có thể bảo vệ phần nào uy tín thương nghiệp, nhưng chi phí sản xuất sẽ bị thiệt hại rất lớn. Trách nhiệm đứng đầu vẫn thuộc về CTO.
Là đầu tàu về mặt kỹ thuật công nghệ trong tổ chức, CTO không thể chỉ dành thời gian để theo lối mòn an toàn, mà phải luôn chủ động cập nhật những công nghệ tiến bộ trên toàn thế giới. Mà không phải cưỡi ngựa xem hoa mà cập nhật đâu mấy bạn, phải cập nhật nhanh, phát hiện nhanh cái gì là xu hướng thời đại để đầu tư phát triển sớm, chứ rề rề là đối thủ cạnh tranh vượt mặt doanh nghiệp ngay.
Cái hay của ngành kỹ thuật công nghệ là luôn đem tới điều mới lạ cho những người làm việc cùng nó, nhưng tốc độ phát triển quá nhanh cũng dễ khiến người ta hụt hơi, nhưng CTO thì lại không được phép hụt hơi, phải luôn nạp năng lượng liên tục vì cả tổ chức đang trông chờ rất nhiều từ họ. Vậy mới mệt chứ!
Từ năng lực chuyên môn đến năng lực quản lý, CTO đều không thể lơ là. Đối với năng lực quản lý, đa phần là công tác quản lý xây dựng nhân sự và giải quyết vấn đề công việc đội ngũ. Mà hai khía cạnh này, khi đã phát sinh thì không cái nào phát sinh giống cái nào, lần nào cũng sẽ đặt ra thách thức cho CTO. Muốn giải quyết tốt phải vận dụng kinh nghiệm linh hoạt, đôi khi phải liều lĩnh thử phương án mới, thành công hay thất bại tỷ lệ 50:50.
Còn về năng lực chuyên môn, không chỉ cập nhật cho mình mà còn là bổ sung cho toàn đội ngũ nhân sự kỹ thuật công nghệ. Như Ms. Uptalent đã nói, CTO không cần phải siêu giỏi chuyên môn, nhưng nhân viên của CTO thì phải giỏi để triển khai những phần việc chi tiết, tỉ mỉ. Nhân viên đôi khi chỉ an phận, hoàn thành công việc với họ là tốt rồi, nhưng CTO phải có tầm nhìn xa, phải chịu trách nhiệm đổi mới, phát triển, vì vậy, CTO phải chủ động nghiên cứu, biết được cần thúc đẩy nhân viên phát triển thêm kiến thức gì và thôi thúc họ hoàn thiện.
Qua bài viết, Ms. Uptalent chỉ muốn gửi đến bạn thông điệp “khó không có nghĩa là không thể”. Trải qua thử thách càng lớn thì thành công càng vinh quang. Những khó khăn khi là một CTO cũng chính là nguyên nhân khiến cho những ai ngồi vào chiếc ghế quản lý này luôn nhận được sự ngưỡng mộ từ đồng nghiệp và luôn cảm thấy tự hào về chính mình.
>>>> Xem thêm: Tổng quan các vị trí trong lĩnh vực CNTT (IT)
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet