- 420k
- 1k
- 870
Khởi nghiệp là bước phát triển trong sự nghiệp mà bất cứ ai cũng mong ước cùng bao kỳ vọng, hoài bão về sự phát triển cho bản thân và cho cả đứa con tinh thần của mình. Nhưng thương trường là chiến trường, theo Ms. Uptalent tổng hợp, mỗi năm có hàng nghìn công ty khởi nghiệp ra đời, tuy vậy, có thể trụ lại sau một năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để không lãng phí thời gian, công sức, tiền của, vai trò của CEO trong công ty khởi nghiệp vô cùng quan trọng. Muốn trở thành một nhân tố khởi nghiệp thành công, đây là những điều CEO công ty Startup cần chú ý.
Startup là thuật ngữ quen thuộc trong giới kinh doanh, dùng để chỉ những công ty mới khởi nghiệp, đang trong quá trình gây dựng thương hiệu, từng bước thu hút thị phần. Đặc điểm dễ nhận thấy của một công ty Startup trên thương trường chính là:
Nhiệt huyết cực độ, hết lòng với công việc, chấp nhận khó khăn trong những năm đầu, để gặt hái quả ngọt trong tương lai.
Không ngừng sáng tạo, đối mới để phát triển, để tạo ra cái mới hơn, tốt hơn đón đầu xu hướng
Số lượng nhân sự ít nhưng cực kỳ chất lượng, cực kỳ giỏi chuyên môn.
Đội ngũ nhân lực trong công ty chia nhiều cấp bậc, chức vụ nhưng mọi người làm việc thân thiết như anh em trong nhà.
Xem thêm: CEO là gì? CEO cần sở hữu tố chất nào?
Là CEO (Chief Executive Officer – Giám đốc điều hành) của một công ty mới bước chân vào thị trường, thách thức mà bạn phải đối mặt rất nhiều, và rất quan trọng, giang sơn đè nặng hai vai.
Startup luôn đứng trước muôn vàn khó khăn từ việc sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, bị đối thủ cạnh tranh gây trở ngại, cá lớn nuốt cá bé… Chắc chắn sẽ có những thời điểm khó khăn chồng khó khăn, tất cả các nhân sự trong công ty đều cảm thấy mệt mỏi, nản chí. Người khác thì được nhưng CEO thì không. Bạn là người đầu tàu của công ty, bạn phải biết giữ vững tinh thần cho mình, đồng thời truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho tất cả các cộng sự. Bạn phải luôn tâm niệm, bạn là CEO và CEO không được quyền nản chí.
Nguồn vốn công ty Startup có được, kêu gọi được rất hạn chế, không dồi dào như những công ty đã hoạt động lâu năm. Vì trước mắt, công ty bạn chỉ có chi tiêu, mà nguồn thu từ thị phần tiêu thụ rất thấp. Vì vậy, làm sao để sử dụng vốn hiệu quả đã khó, phải đạt hiệu quả trong thời gian ngắn nữa thì lại càng khó hơn.
Công ty Startup không có nhiều tiền để trả lương cao, không có nhiều chức vụ để thu hút nhân tài thích làm quản lý, cái họ có chính là niềm tin về những lợi ích trong tương lai, nó sẽ lớn dần cùng sự nỗ lực của chính CEO và tập thể nhân tài chiêu mộ được. Nhưng làm sao để thuyết phục nhân tài thật sự giỏi có thể tin tưởng, cùng CEO chịu gian nan, vất vả trong giai đoạn khởi nghiệp này thật sự không dễ.
Nếu công ty muốn gọi vốn, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu về thành tích công ty Startup mà bạn làm CEO đã có được. Những ấn tượng ban đầu luôn rất quan trọng, công ty bạn tốt hay tệ đều từ đó mà ra. Vì vậy, làm sao tạo được ấn tượng mạnh khi lần đầu ra mắt thị trường luôn là nỗi trăn trở của CEO.
Đừng nghĩ rằng từ từ rồi thiết lập, từ từ rồi chuyển biến cách làm việc của mọi người. Cái gì đã vào nếp rồi thì rất khó thay đổi, mà với một CEO, muốn công việc không trở thành gánh nặng hay nỗi ám ảnh mỗi ngày thì quy trình làm việc cần chuẩn hóa, khoa học, thuận lợi kiểm soát và điều chỉnh. Chính vì vậy, ngay từ năm đầu, thậm chí là quý đầu khi khởi nghiệp, một quy trình làm việc chuẩn mực, hiệu quả lâu dài đã cần được xây dựng và áp dụng.
Ra đời thì nhiều nhưng không mấy công ty Startup có thể trụ nổi trên thương trường với quá nhiều Shark khủng, chiếm lĩnh thị trường từ rất lâu. Áp lực là một phần, sự biến động thị trường quá nhanh là phần nữa, nhưng bên cạnh đó còn là những bài học cay đắng mà nhiều CEO phải trả giá bằng chính sự ra đi của đứa con tinh thần đó.
Để không dẫm phải những vết xe đổ đó, đồng nghĩa tăng xác suất thành công cho Startup của mình, đây là những bài học xương máu mà Ms. Uptalent mong muốn tất cả CEO chú ý :
Nguồn ngân sách nhân sự của công ty Startup không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Sở dĩ họ có được nhân tài và những nhân sự đồng hành đa phần vì mọi người đều chấp nhận “lương tháng” chính là niềm tin chiến thắng cho thành công tương lai.
Vì vậy, khi là CEO của công ty Startup không cần tuyển dụng ồ ạt để tạo thanh thế, chỉ nên tập trung vào những nhân sự thật sự chất lượng trong từng khâu. Không hiếm Startup nhân sự đếm trên đầu ngón tay nhưng tất cả đều là chuyên gia giỏi, có thể xử lý công việc nhanh, chuẩn, tinh gọn.
Thành công chưa thấy mà thất bại có thể gặp nhiều, đó là tình hình chung của những công ty Startup. CEO có mệt không, có nản chí không, có hụt hẫng không? – Có hết đó, nhưng không được thể hiện ra ngoài, phải tự động viên mình, phải luôn xuất hiện với tâm thế mình rất ổn, mình có niềm tin tuyệt đối vào công ty và tập thể nhân sự. Đồng thời, bạn phải học cách truyền niềm tin đó đến từng người để vực dậy tinh thần cho tất cả. Mất ý chí là mất tất cả đấy !
Đừng đợi khi cần vốn mới tiến hành lập dự án, tìm nhà đầu tư, tiếp thị, quảng cáo… Không kịp đâu. Vì sao à? Vì công ty Startup như những mầm non mới nhú, nhà đầu tư liệu có tin tưởng giao tiền của mình cho một dự án vội vã, đối phó không. Chắc chắn là không rồi. Vì vậy, CEO và những người trong ban quản trị phải luôn trong tâm thế “tôi luôn cần vốn” để mà thức tỉnh bản thân, tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng, lên những bản kế hoạch chất lượng. Cho vào kho lưu trữ, khi cần là xách ra mà “triển” thôi.
“Thách thức” ở đây có thể là sản phẩm, nguồn vốn, quy trình… Bất cứ điều gì mang đến sự vượt trội cho công ty khởi nghiệp của bạn. Chúng ta biết đấy, ngày nay, công nghệ quá nhanh, quá mạnh,mọi ý tưởng có thể bị sao chép sau một đêm, quỹ đầu tư ngày càng khắt khe với công ty khởi nghiệp hơn… Nhưng đừng vì vậy mà chùn bước, ngược lại, thách thức mới chính là con đường để Startup thành công. Điều quan trọng là CEO phải kiến tạo những thách thức có tầm nhìn chiến lược, và phù hợp năng lực chinh phục của đội ngũ nhân sự.
Sản phẩm riêng có thể là sản phẩm thay thế của một dòng sản phẩm nào đó, hoặc là một sản phẩm mới hoàn toàn. Tất cả đều được, chỉ cần khi thiết kế và sản xuất, công ty cần đặt sản phẩm mình để so sánh với những đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm Startup muốn chiếm lĩnh thị trường phải tốt, phải hoàn hảo. Đừng ngại tung ra thị trường sớm rồi bị những phản hồi chưa tốt. Đó chính là những góp ý vô cùng quý báu để công ty biết mình còn thiếu sót điều gì, từ đó hoàn thiện cho dòng sản phẩm tiếp theo.
CEO phụ trách điều hành là chính, đó là đối với công ty đã ổn định, đã chiếm thị phần lớn. Đối với công ty Startup, quy mô còn nhỏ nên không ai rành về sản phẩm, về chi phí hơn CEO cả. Việc CEO trực tiếp thuyết trình sản phẩm, tư vấn cho người tiêu dùng chính là khởi đầu cần thiết, và cũng là cơ hội tuyệt vời để mở rộng những “thách thức” cho công ty chinh phục đỉnh thành công.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Lộ trình để trở thành một CEO
Theo dõi chương trình Shark Tank, chúng ta thấy các Shark thường hỏi “doanh số năm vừa qua của công ty bạn, bạn dự định năm tới doanh thu bao nhiêu, dòng sản phẩm nào sẽ là chủ lực mang về lợi nhuận… “
Điều này cho thấy tầm quan trọng của chỉ số tài chính mà CEO cần nắm bắt. Không chỉ đề phục vụ cho mục đích kêu gọi vốn mà còn để chủ động biết rõ nguồn vốn công ty hiện có, chi tiêu đã hợp lý chưa, dự án tới có đủ kinh phí thực hiện không… Nói tóm lại, CEO mà không quản được tiền của công ty Startup thì không sớm thì muộn cũng phải tạm biệt Startup của mình thôi.
CEO không phải lúc nào cũng đúng, vì vậy, đừng luôn cho mình là cái rốn của vũ trụ. Việc tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất, thậm chí là phê bình, khuyên răn từ phía các cộng sự sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn, có nhiều khía cạnh để cân nhắc trước khi quyết định hơn, và thực tế là các quyết định sẽ mang lại lợi ích cao hơn.
Ban giám đốc hay nhà đầu tư là những người có vai trò phê duyệt, quyết định có triển khai kế hoạch hay không. Họ không thể ngay lập tức có quyết định đúng đắn ngay được, vì vậy, việc của CEO là phải thường xuyên cập nhật tin tức, đặc biệt không giấu những tin tức xấu để không gây bất ngờ, bị động cho lãnh đạo và nhà đầu tư.
Sống và làm việc theo pháp luật quan trọng cho cả cuộc sống và việc kinh doanh. Làm việc theo đúng các quy định pháp luật mới giúp công ty Startup phát triển lâu dài được. Đừng tìm cách lách luật, vượt luật, thứ nhất điều này không tốt về lâu dài, thứ hai Startup chưa đủ lực, có thể lợi bất cập hại mà không trở tay kịp.
Một người giỏi chuyên môn, rành kỹ thuật chưa chắc đã có thể trở thành CEO. Một người đã ngồi vào vị trí CEO chưa chắc đã giỏi gánh vác trọng trách mà toàn thể công ty giao phó nếu không chú trọng những điều CEO công ty Startup cần chú ý đã được Ms. Uptalent chia sẻ hôm nay. Thành công của CEO Startup không phải là một thời điểm, mà là cả một quá trình, trong đó việc nhận thức những khó khăn, nỗ lực học hỏi để vượt qua những thách thức đó luôn là bệ phóng vững chắc cho tương lai bay cao, bay xa của chính CEO và Startup mà mình đang điều hành. Chúc các CEO luôn thành công trên con đường mình đã chọn.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet