- 420k
- 1k
- 870
Kho tàng kiến thức của nhân loại không ngừng mở rộng mang đến nhiều giá trị vĩ đại cho cuộc sống, thành quả này có sự đóng góp to lớn từ đội ngũ nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Bài viết Ms. Uptalent sắp gửi đến không chỉ dừng lại ở việc cập nhật khái niệm nghiên cứu khoa học là gì, mà còn chia sẻ mọi thông tin về mục đích, các loại hình nghiên cứu và cả những thách thức mà các nhà khoa học phải đối mặt trước khi gặt hái được thành tựu.
MỤC LỤC:
1. Nghiên cứu khoa học là gì?
2. Mục đích nghiên cứu khoa học
3. Phân loại nghiên cứu khoa học
4. Các bước cơ bản trong thực hiện nghiên cứu khoa học như thế nào?
5. Những thử thách mà quá trình nghiên cứu khoa học cần đối mặt
Nghiên cứu khoa học là quá trình thu thập dữ liệu thông qua quan sát, phân tích, thí nghiệm, thực nghiệm… nhằm tìm ra đặc tính, bản chất, quy luật của một sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.
Quá trình này được thực hiện bởi những chuyên gia (nhà khoa học, nhà nghiên cứu) có kiến thức uyên bác và kinh nghiệm đa dạng ở một lĩnh vực mà sự vật, hiện tượng đó hiện hữu, giúp con người hiểu và lý giải được sự vật, hiện tượng đó, đồng thời có thêm dữ liệu để khai thác sâu hơn trong những nghiên cứu tương lai.
Kết quả nghiên cứu khoa học mang đến nhiều thông tin tri thức, nhiều sự hiểu biết giá trị cho nhân loại. Nhờ vậy, nhiều lỗ hổng trong các sự vật, hiện tượng trước đây chỉ dựa vào phỏng đoán, vào kinh nghiệm, hoặc những câu chuyện hư cấu của người xưa thì thông qua nghiên cứu khoa học đã có được những lý giải mang tính quy luật với độ chuẩn xác cao. Mọi người dù ở độ tuổi nào, chuyên môn nào, chỉ cần dựa vào những kiến thức mà quá trình nghiên cứu khoa học cung cấp cũng đều có thể nhận định hoặc dự báo vấn đề.
Các vấn đề phức tạp, đan xen nhiều khía cạnh thông qua nghiên cứu khoa học dần được bóc tách, đơn giản hóa và hệ thống hóa một cách chuẩn mực. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề được tìm thấy cũng là lúc các giải pháp dựa trên dẫn chứng cụ thể dần hình thành. Khi vấn đề đó lặp lại ở nhiều đối tượng, chỉ cần dựa trên thành quả nghiên cứu khoa học đã công bố, mọi người đều có thể linh hoạt, chủ động áp dụng cùng giải pháp cho nhiều đối tượng, tại nhiều quốc gia, giảm thiểu tổn thất tối đa cả về tài sản và nhân mạng.
Thành quả nghiên cứu khoa học trong tương lai có thể là sự đổi mới, cũng có thể là sự kế thừa nghiên cứu khoa học ở quá khứ. Tựu chung đều mang đến giá trị mới mẻ, phá vỡ mọi rào cản mà trước đây bị cho là quy luật chỉ nên tuân thủ như máy bay không người lái vận chuyển hàng hóa, robot thay thế sức người trong công việc nguy hiểm… Những minh chứng này chính là động lực khích lệ các thế hệ không ngừng suy nghĩ cải cách, khám phá nên những khả năng mới để giải quyết vấn đề tốt hơn và tốt hơn nữa, mang đến giá trị tích cực cho cuộc sống.
“Lượng” là nói đến khả năng xác định bằng những con số thông qua cân, đong, đo, đếm. Nghiên cứu định lượng cũng chính là các công trình nghiên cứu dựa trên con số. Các chuyên gia sẽ tiến hành xác định số lượng bằng cách đếm, xác định trọng lượng bằng cách cân, xác định tỷ lệ bằng cách đo lường… các loại dữ liệu đã thu thập được.
Phương pháp thu thập dữ liệu cho nghiên cứu định lượng thường là khảo sát, thí nghiệm và quan sát. Kết quả nghiên cứu được thể hiện chủ yếu thông qua con số, thống kê hoặc đồ thị. Mục đích nhằm giải đáp cho câu hỏi “Khi nào (When)”, “Ở đâu (Where)”, “Cái gì (What)” để kiểm tra giả thuyết thông qua dữ liệu con số. Ví dụ, giả thuyết tỷ lệ trẻ em nam cao hơn trẻ em nữ.
Nghiên cứu định tính không quá chú trọng đến sự chuẩn xác của từng con số, mà tập trung vào chất lượng của nguồn dữ liệu cung cấp. Nội dung dữ liệu dùng cho nghiên cứu định tính không thể hiện bằng con số mà thể hiện bằng quan điểm nhận thức của nguồn cung dữ liệu, không có đúng hay sai, chỉ có nhóm quan điểm nào mạnh hơn mà thôi.
Phương pháp thu thập dữ liệu của nghiên cứu định tính bao gồm phỏng vấn cá nhân, phỏng vấn nhóm, đánh giá tình huống, xem xét tài liệu… vì đây là loại nghiên cứu thăm dò, mô tả Kết quả nghiên cứu thể hiện bằng nội dung giải thích, dữ liệu văn bản. Mục đích nhằm giải đáp câu hỏi “Tại sao (Why)”, “Như thế nào (How)” để hiểu rõ vấn đề tìm ẩn, phục vụ cho quá trình ra quyết định, tìm giải pháp.
Dữ liệu thu thập dựa trên việc quan sát và mô tả hiện tượng trong tự nhiên, ghi chú lại hành vi, cử chỉ, cách thức tương tác… của các đối tượng khác nhau. để phát hiện ra một số quy luật từ những dấu hiệu ngẫu nhiên. Quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu sẽ không can thiệp vào việc lựa chọn đối tượng quan sát nhằm đảm bảo tính khách quan cao nhất cho nguồn dữ liệu.
Các nhà nghiên cứu sẽ quyết định lựa chọn nhóm đối tượng nào để tác động vào họ, sau đó thu thập dữ liệu về các phản ứng từ họ. Đơn cử như quá trình nghiên cứu thực nghiệm một loại thuốc mới, các đối tượng thử thuốc sẽ được nhà nghiên cứu khoa học lựa chọn và phân nhóm (người khỏe mạnh, người đang mắc bệnh lý, người trẻ tuổi, người cao niên…), đồng thời sẽ tạo ra những điều kiện để kiểm soát chất lượng phản hồi (không ăn chất béo, không uống đồ ngọt… suốt thời gian thực nghiệm). Mỗi cá nhân sẽ cung cấp những phản hồi khác nhau về hiệu quả sau khi sử dụng trong nhiều khoảng thời gian khác nhau.
Thu thập dữ liệu thông qua khảo sát, phỏng vấn theo bảng câu hỏi đã soạn sẵn, hoặc người thu thập dữ liệu sẽ chủ động quan sát và tường trình chi tiết quan sát theo cảm nhận của cá nhân. Mục đích của nghiên cứu mô tả là ghi nhận những đặc điểm, hành vi, điều kiện phát sinh của một sự vật, hiện tượng, sau đó dùng lời nói để mô tả lại một cách đầy đủ, chân thật, sống động nội dung đó để người nghe không cần tiếp cận sự vật, hiện tượng vẫn có thể hiểu và mường tượng được.
Tương quan đề cập đến mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều sự vật, hiện tượng với nhau. Trong nghiên cứu tương quan thì đó chính là mối liên hệ, ảnh hưởng, phá vỡ, sản sinh… giữa các biến số. Mục đích nhằm khám phá những mối tương quan giữa các biến, hiểu được sự thay đổi của một biến này có liên quan gì đến thay đổi của một / nhiều biến khác.
Các công trình nghiên cứu cùng chủ đề đã được công bố chính là tài liệu quan trọng làm nền tảng cho công trình nghiên cứu mà nhà nghiên cứu sắp thực hiện. Vì qua đó, nhà nghiên cứu khoa học sẽ:
Nắm rõ mức độ hiểu biết chủ đề ở hiện tại
Phát hiện những lỗ hổng, mâu thuẫn trong chủ đề
Thu thập những nền tảng nghiên cứu làm cơ sở cho nghiên cứu của mình
Các nhà nghiên cứu cần xác định rõ:
Chủ đề nghiên cứu trọng điểm cần khám phá, điều tra
Thiết lập mục tiêu chi tiết cho hành trình nghiên cứu
Xây dựng bảng câu hỏi nghiên cứu phù hợp cho từng mục tiêu
Thiết kế trình tự nghiên cứu phù hợp
Chọn cỡ mẫu, chọn đối tượng thu thập dữ liệu
Chọn phương pháp thu thập dữ liệu
Xây dựng đội ngũ thu thập dữ liệu
Chọn kỹ thuật phân tích dữ liệu đa dạng, mang lại độ tin cậy cao cho kết quả nghiên cứu
Quá trình thu thập dữ liệu có thể kéo dài vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm tùy vào cỡ mẫu (số lượng mẫu thu thập) và đối tượng cung cấp dữ liệu. Nhà nghiên cứu khoa học cần kiểm soát đội ngũ thu thập dữ liệu để đảm bảo tiến trình thu thập dù là khảo sát, phỏng vấn, thử nghiệm, quan sát… đều đạt tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu.
Dữ liệu được gửi về mỗi ngày, nhà nghiên cứu sẽ tổng hợp tất cả, sắp xếp theo định dạng chuẩn và tiến hành phân tích theo kỹ thuật phân tích dữ liệu tương thích. Cùng một nhóm dữ liệu nên áp dụng nhiều kỹ thuật phân tích khác nhau, mang đến cái nhìn toàn diện.
Các kết quả sau quá trình phân tích sẽ được tập hợp lại và tổng kết đưa ra những phát hiện, khám phá đã ghi nhận được. Nhà nghiên cứu không chỉ công bố kết quả mà còn phải:
Giải thích về những cơ sở để đưa ra kết quả đó
Giải thích lý do lựa chọn kết quả sau cùng
Thảo luận ý nghĩa kết quả nghiên cứu mang lại
Kết luận kết quả đó ủng hộ hay bác bỏ giả thuyết ban đầu mà họ đưa ra ở đầu công trình nghiên cứu.
Nguồn lực ở đây bao gồm cả tài chính, con người, cơ sở vật chất, thời gian… Công trình nghiên cứu khoa học càng mang giá trị đột phá lớn thì càng khó kêu gọi nguồn lực. Vì giá trị thực tế vẫn còn mơ hồ nên khó tìm nhà đầu tư, khó tìm người đồng hành (cùng hoặc khác chuyên môn) trong thời gian dài.
Cảm xúc, tâm lý, định kiến cá nhân… rất dễ bị đan xen trong quá trình nghiên cứu, dẫn đến những định hướng thiếu khách quan làm ảnh hưởng đến chất lượng kết quả nghiên cứu. Đây cũng là lý do mà quá trình nghiên cứu khoa học nên có sự tham gia chủ trì của nhiều chuyên gia hoặc phải tham khảo nhận định của các chuyên gia khác.
Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu là con người hay các mối quan hệ của con người thường yêu cầu cao về quyền riêng tư, tính bảo mật thông tin cá nhân, đạo đức xã hội… nên việc thu thập dữ liệu có phần khó khăn hơn các đối tượng khác.
Những rào cản do quy định pháp luật, điều kiện kinh tế, chính trị xã hội… cũng khiến việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu bị hạn chế, mức độ giá trị tri thức mang lại sau nghiên cứu không thật sự đột phá.
Nghiên cứu khoa học là quá trình vận dụng các phương pháp nghiên cứu đã được định hình và kiểm chứng để tìm ra những giá trị mới, lý giải vấn đề một cách khoa học và gợi mở nhiều giải pháp phát triển kiến thức nhân loại trong tương lai. Ms. Uptalent tin chắc hoạt động này sẽ luôn tồn tại cùng sự phát triển xã hội, mở ra nhiều cơ hội làm việc và cống hiến cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học thực lực trong mọi lĩnh vực ngành nghề.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet