- 420k
- 1k
- 870
Nhắc đến hai từ MC, chúng ta sẽ hình dung ngay hình ảnh những con người thanh lịch, rạng ngời đứng trên sân khấu trò chuyện, giao lưu và đón nhận ánh nhìn liên tục dõi theo của tất cả mọi người. Một công việc ấn tượng với nhiều sức hút đang được nhiều bạn trẻ hướng đến. Và chắc hẳn bạn đọc cũng rất muốn biết rõ MC là gì, và cả những điều đằng sau nghề nghiệp này phải không nào, Ms. Uptalent sẽ cập nhật đến bạn ngay đây.
MỤC LỤC:
1. MC là gì?
2. Công việc mỗi MC phải đảm nhận
3. Những tố chất không thể thiếu đối với người làm MC
4. Hành trình rèn luyện để trở thành MC thực thụ
5. Những ngôi trường đào tạo MC chuyên nghiệp
MC (Master of Ceremonies) – tạm dịch Dẫn chương trình – là tên gọi của một loại hình công việc gắn liền với các sự kiện, lễ hội. Tại đây, người đảm nhận vai trò MC sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt, điều phối toàn bộ chương trình sao cho nội dung triển khai suôn sẻ, thuận lợi theo đúng kịch bản đã thiết lập, quan trọng là tạo được sự gắn kết và những trải nghiệm giá trị cho người tham gia sự kiện, lễ hội đó.
Nội dung công việc chính mà một MC phải đảm nhận thường bao gồm:
Dẫn dắt chương trình, hay nói cách khác là điều hướng nội dung chương trình diễn ra theo từng giai đoạn nhưng vẫn đảm bảo sự liền mạch thông qua kỹ năng giao tiếp linh hoạt
Cung cấp thông tin về thành phần khách mời một cách súc tích, không chiếm nhiều thời gian nhưng vẫn đảm bảo mọi người ghi nhận thông tin dễ dàng.
Khuấy động bầu không khí chương trình theo những cung bậc cảm xúc phù hợp, tạo cảm giác thoải mái cho mọi người khi tham gia trải nghiệm sự kiện.
Bình tĩnh, chủ động nắm bắt tình huống và linh hoạt ứng phó những sự cố chương trình đột xuất, làm sao để chương trình không bị gián đoạn và khán giả cũng không phát hiện có sự cố ngoài kế hoạch.
Duy trì tương tác với khán giả liên tục nhưng không lan man quá đà mà luôn có sự theo dõi sát sao về mặt thời gian và hiệu quả từng phần nội dung triển khai.
Từ nội dung công việc chính dành cho một MC, chúng ta có thể thấy muốn theo đuổi nghề MC và gặt hái nhiều thành công thì những tố chất sau đây là điều cực kỳ cần thiết:
Trong mọi chương trình, MC là người thường xuyên tương tác bằng ngôn từ, do đó, chất giọng không khỏe, không hay thì rất khó tham gia vào công việc này. Nhất là những chương trình hoạt náo, MC gần như nói liên tục, giọng mà yếu dễ khàn, khó nghe hoặc cứ đều đều thì hiệu quả công việc không thể cao được.
Dù có kịch bản rồi nhưng thực tế luôn có những phát sinh ngoài kịch bản. Những lúc như vậy, là một MC chuyên nghiệp chắc chắn không thể khựng lại vì không giống kịch bản giao cho tôi được. Bắt buộc bạn phải tận dụng triệt để khả năng giao tiếp linh hoạt để điều chuyển nội dung, ứng phó tình huống.
Kỹ năng này đặc biệt quan trọng khi MC dẫn các chương trình thực tế, các chương trình giao lưu trực tiếp. Vì chỉ khi biết cách lắng nghe, bạn mới hiểu thêm về khách mời, từ đó điều chuyển phong cách dẫn chương trình sao cho phù hợp nhất.
Đứng trước đám đông toàn người lạ với nhiều tiêu chuẩn “lắng nghe” khác nhau, MC mà không tự tin thì sẽ bị khớp ngay, dù kịch bản trước mặt cũng không thể trôi chảy trình bày. Vì vậy, sự tự tin, bản lĩnh, luôn bình tĩnh trước mọi tình huống là tố chất rất quan trọng.
Kịch bản chỉ là cái sườn nội dung chính, còn triển khai chất lượng ra sao thì nhờ phần lớn vào tài ăn nói, khả năng sáng tạo pha lẫn sự hóm hỉnh và lượng kiến thức phong phú mà MC sở hữu.
Thời lượng sự kiện có hạn, trong khi nhiều tình huống bất ngờ có thể lấn sang thời gian của nội dung khác. Lúc này, MC phải thường xuyên theo dõi thời gian, chủ động ngắt giao lưu trò chuyện một cách khéo léo để khách mời không bị ngượng và chương trình không bị phát sinh thêm thời gian hoặc chi phí sản xuất.
MC thì xuất hiện trước khán giả nhưng sau lưng họ là cả một đội ngũ hỗ trợ và phối hợp làm việc. Do đó, mọi hành động của MC cần kết hợp nhịp nhàng cùng hành động của những bộ phận khác (như ánh sáng, âm thanh, vũ đoàn, ca sĩ…)
Dẫn chương trình về âm nhạc, bạn vẫn có thể lồng ghép thêm thông tin về điện ảnh để làm phong phú thêm nội dung trong quá trình dẫn. Hoặc một khách mời với vai trò ca sĩ nhưng họ có thể cũng là một diễn viên nữa. Chủ động học thường xuyên, tiếp thu kiến thức càng nhiều thì khả năng ứng phó của MC sẽ càng tuyệt vời.
Xem thêm tại>>>Năng lượng tích cực là gì? Nhận biết người có nguồn năng lượng tích cực
Công việc MC không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần xây dựng hình ảnh cá nhân, mở rộng cơ hội phát triển thương hiệu cá nhân và cả phạm vi làm việc. Nhưng để có được thành công, tất cả những MC nổi tiếng đều phải trải qua một quá trình học hỏi, rèn luyện không ngừng nghỉ.
Muốn thành công như họ, mỗi người trong chúng ta cũng cần trải qua hành trình rèn luyện của riêng mình:
Nhìn vào sự hào nhoáng của nghề MC mà đã vội lựa chọn thì bước chân vào thực tế, rất nhiều bạn sẽ bị dội ra ngay. Bởi lẽ, đằng sau sự hào nhoáng đó là rất nhiều thách thức đặc trưng riêng của nghề MC, chỉ khi ý thức được điều này và chuẩn bị tinh thần đối mặt thì bạn mới có cơ hội thành MC thực thụ.
Tiện đây Ms. Uptalent liệt kê cho bạn một số thách thức nhé:
MC là người tới sớm nhất và luôn đi về trễ nhất vì họ phải dẫn xuyên suốt chương trình
Tự mình tìm giải pháp ứng phó chứ đừng bị động đợi hỗ trợ vì khi sự cố xuất hiện, MC đang xuất hiện trước mọi người, không thể nói mọi người đợi chút để MC vô hội ý được.
Chương trình ổn không sao, chương trình mà trục trặc nội dung thì MC là người bị “réo tên” trước tiên.
Phải tạo được dấu ấn riêng về phong cách dẫn chương trình thì mới “đắt show” được, chứ còn cứ rập khuôn kịch bản, hoàn thành cho xong chương trình thì sẽ dần bị các lớp MC trẻ thay thế…
Tạo dấu ấn riêng ngay từ ngày đầu bước vào nghề là điều không thể vì khi đó bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, và cơ hội để tích lũy kinh nghiệm nên chưa hiểu được bản thân nên chọn phong cách nào là phù hợp thị trường.
Vậy nên ở giai đoạn này, bạn nên học hỏi từ các MC giàu kinh nghiệm đã gặt hái được nhiều thành công trong ngành. Ngoài việc xem cách họ dẫn chương trình, bạn còn nên lưu tâm đến những chia sẻ giá trị từ họ, đó đều là những kinh nghiệm xương máu có khi phải đánh đổi bằng sai lầm trong làm nghề MC mới có được. Là người đi sau, bạn tích lũy được bài học kinh nghiệm mà không cần “mắc phải sai lầm”. Kể cả người đó nhỏ tuổi hơn bạn nhưng kinh nghiệm nhiều hơn thì chúng ta vẫn nên trân trọng học hỏi từ họ.
Sự tự tin, bình tĩnh, năng lực ứng phó tốt không phải tự dưng mà đến với ta được. Chỉ có trải nghiệm thực tế nhiều thì những tố chất này mới dần thấm nhuần vào bản thân của chính chúng ta mà thôi.
Nghề MC là một nghề đòi hỏi sự năng động và linh hoạt cao, vì vậy, mỗi chương trình dù nhỏ hay lớn đều có cái hay để ta học hỏi. Cho nên, các bạn mới vào nghề, đừng thấy chương trình nhỏ mà từ chối, thậm chí dẫn chung với người khác cũng được, phải tận dụng mọi cơ hội thực hành bạn nhé.
Dù thời lượng chỉ vài tiếng nhưng nói liên tục trong nhiều ngày, giọng cũng có thể bị khàn, bị đục, lực nói không còn mạnh và cuốn hút nữa. Vì vậy, đã chọn làm MC thì phải chú trọng giữ giọng.
Bên cạnh hệ thống âm thanh khuếch đại hỗ trợ tăng âm lượng khi dẫn thì bản thân chúng ta phải có sự kiêng khem trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể:
Không hút thuốc, không uống nước nhiều đá
Hạn chế uống rượu bia
Súc miệng bằng nước muối mỗi ngày để làm sạch cổ họng
Giữ ấm cơ thể và giữ ấm phần cổ khi trời trở lạnh, nhất là vào mùa đông ở khu vực phía Bắc.
Nội dung liên quan>>>Manifest để đạt được công việc mơ ước
Mọi lĩnh vực đều có sự cạnh tranh nên sự kiện sẽ không ngừng được triển khai, vai trò MC chắc chắn không thể thiếu trong những sự kiện này. Để làm nghề một cách hiệu quả, sớm gặt hái thành công, bạn nên chọn một môi trường đào tạo MC chuyên nghiệp để tích lũy kiến thức chuẩn nhất, cũng như có được nhiều cơ hội thực hành chất lượng từ sự giới thiệu của nhà trường.
Dưới đây là một số cơ sở có mở khóa đào tạo MC được đánh giá cao tại Việt Nam:
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Đại học Sân khấu - Điện ảnh
Cao đẳng Phát thanh Truyền hình I
Nhà văn hóa Thanh Niên
Trung tâm Đào tạo MC và Kỹ năng mềm (TMC)
Trung tâm Đào tạo và Phát triển Kỹ năng Việt Nam (VSD)
Trung tâm Đào tạo và Phát triển Nghệ thuật (Art Center)
MC là công việc dẫn chương trình cho các sự kiện, đảm bảo tiến trình diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ và tạo được trải nghiệm tích cực cho tất cả mọi người tham gia. Cơ hội nghề nghiệp cao nhưng thách thức cạnh tranh cũng không hề nhỏ, do đó, một khi đã định hướng theo nghề MC, Ms. Uptalent khuyên bạn nên tham gia khóa đào tạo chuyên nghiệp và đề cao ý thức rèn luyện không ngừng. Có như vậy, trải nghiệm và khả năng ứng biến sẽ luôn có bước tiến đáng kể.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet