- 420k
- 1k
- 870
Trong buổi phỏng vấn, bên cạnh hỏi về điểm mạnh thì nhà tuyển dụng cũng hỏi về điểm yếu của ứng viên. Khi đó bạn cần biết nắm bắt cơ hội để thể hiện bản thân một cách tích cực nhất trước nhà tuyển dụng. Để làm được như vậy cách tốt nhất là bạn nên chuẩn bị trước. Bạn nên tìm hiểu xem điểm yếu của bản thân là gì đồng thời có cách thức phù hợp để nêu điểm yếu của mình.
Nói là thế, nhưng rất nhiều bạn còn gặp khó khăn khi nói về điểm yếu trong phỏng vấn. Vậy nên, hôm nay Ms Uptalent sẽ Mách bạn cách nêu điểm yếu - nhược điểm trong phỏng vấn sao cho tốt nhất. Các bạn hãy cùng theo dõi nhé!
Để có thể nói về điểm yếu của bản thân theo cách tích cực nhất thì trước tiên bạn cần nhận ra được điểm yếu của bản thân là gì. Thực ra con người không hề yếu đuối mà là họ cảm thấy bản thân không “giỏi” trong một lĩnh vực hoặc kỹ năng nào đó. Khi đó nảy sinh trong họ cảm giác “yếu” vì họ cảm thấy cần phải cải thiện điều gì đó.
Tương tự như lúc cần nói về điểm mạnh, khi nói đến điểm yếu bạn cũng nên chọn những điểm yếu có liên quan đến kỹ năng hoặc kinh nghiệm. Cụ thể, bạn hãy hình dung xem những kinh nghiệm, kỹ năng nào cần thiết cho công việc bạn đang ứng tuyển. Sau đó bạn hãy “biến” những kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn chưa có thành điểm yếu. Đồng thời lên sẵn kế hoạch để cải thiện. Bằng cách này bạn sẽ thể hiện tốt nhất năng lực tự nhận thức và sự hiểu biết của bạn đối với vị trí đang được tuyển dụng.
Xem thêm: Cách nêu Điểm Mạnh, Điểm Yếu của bản thân hay trong phỏng vấn
Trong quá trình chọn điểm yếu để nói khi phỏng vấn, bạn nên tuyệt đối tránh xa những điểm yếu có thể tạo nên “cảm xúc tiêu cực” cho nhà tuyển dụng. Chẳng hạn như bạn nói rằng mình không có điểm yếu. Như vậy thiệt quá “kiêu ngạo” rồi. Không những thế nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thấp năng lực nhận thức của bạn và họ có thể cho rằng bạn đang nói dối.
Bạn cũng nên tránh xa cách nói “điểm mạnh cũng chính là điểm yếu”. Bởi vì nói vậy không khác gì bạn nói rằng mình không có điểm yếu. Bạn cũng không nên nói về những điểm yếu trong tính cách như là “hay chán nản”, “không quyết đoán”. Lý do là những điểm yếu trong tính cách không dễ gì sửa đổi được. Hơn nữa những điểm yếu này cũng không liên quan đến nghề nghiệp. Ngược lại nó giống một lời than thở nhiều hơn!
Một lưu ý khác là bạn cũng không nên chọn điểm yếu gây bất lợi cho công việc đang ứng tuyển. Hoặc là những điểm yếu khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ tư cách của bạn như “trễ giờ” hoặc là “nói dối”,…
Khi nói về điểm yếu thay vì tập trung vào cảm giác “tiêu cực” bạn cần suy nghĩ về chúng theo hướng bạn có thể cải thiện và phát triển chúng nên tốt hơn. Điều này rất quan trọng vì nó giúp bạn có thêm niềm tin để từng bước khiến điểm yếu trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Đối với câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?”, bạn có thể chọn cách trả lời như sau: đầu tiên bạn nêu ra điểm yếu là gì. Kế đến bạn hãy kể câu chuyện liên quan đến điểm yếu đó. Điểm mấu chốt trong cách trình bày này là bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được “khả năng tự nhận thức” điểm yếu của bạn cũng như cách bạn cải thiện và phát triển chúng. Quan trọng hơn, bạn cần hướng đến “cảm xúc tích cực” trong câu trả lời để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Bạn có thể theo dõi tình huống sau để xem Uptalent sẽ trình bày điểm yếu của bản thân như thế nào nhé!
Tình huống: Uptalent sắp có buổi phỏng vấn cho một vị trí công việc cần phải nói chuyện trước đám đông thường xuyên. Thế nhưng Uptalent nhận thấy bản thân khá ngại ngùng khi phải nói chuyện trước đám đông. Lúc này Uptalent sẽ làm như sau để xây dựng một câu trả lời tốt nhất về điểm yếu này.
Trước tiên Uptalent sẽ suy nghĩ xem điểm yếu này sẽ gây ra trở ngại gì trong công việc (tiến độ công việc bị ảnh hưởng, kết quả không như mong đợi,…). Kế tiếp Uptalent sẽ tìm xem có biện pháp nào có thể khắc phục điều này hay không? (tham gia khóa học, thay đổi thói quen,…).
Khi đã có đủ thông tin cần thiết, Uptalent sẽ tổng hợp lại và phác ra được câu trả lời như sau:
“Tôi thường khá ngại ngùng khi phải nói chuyện trước đám đông hoặc khi phải nêu ý kiến cá nhân. Điều này đã khiến tôi gặp không ít khó khăn trong công việc trước đó. Còn nhớ có lần tôi đã khiến nhóm của mình không kịp deadline và không đạt được mục tiêu đã đặt ra vì tôi không tự tin đưa ra ý kiến của mình. Sau lần đó, tôi đã tham gia một khóa học giao tiếp để nâng cao kỹ năng giao tiếp và giúp tôi tự tin hơn khi cần đưa ra ý kiến trước đám đông. Hiện tại, tôi đã chủ động hơn trong các cuộc trò chuyện. Trong tương lai tôi sẽ vẫn tiếp tục rèn luyện kỹ năng này thành thạo hơn nữa.”
Bạn thấy đó, chỉ với vài “thao tác” đơn giản là Uptalent đã có được câu trả lời về điểm yếu của bản thân rồi. Do đó bạn cũng hãy bắt tay chuẩn bị câu trả lời cho riêng mình đi nào.
Hiện nay phỏng vấn bằng tiếng Anh không phải điều gì mới lạ. Vì vậy chuẩn bị câu trả lời điểm yếu bằng tiếng anh là điều bạn nên làm. Để có được câu trả lời điểm yếu bằng tiếng Anh, bạn chỉ việc tư duy nhanh chóng về những điểm yếu của mình. Sau đó nghĩ cách trả lời ngắn gọn bằng tiếng Anh là được.
Ví dụ minh họa:
1- “I find public speaking intimidating. So I am currently taking a public speaking course to become more confident and learn to structure a speech more effectively.”
2- “I am very shy. I find it intimidating to ask questions or raise points, so I have often remained quiet in the past. As a result, I have been trying to be more vocal in smaller groups to become more confident.”
Một buổi phỏng vấn có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào cách bạn thể hiện bản thân như thế nào. Đôi lúc chỉ bằng một câu trả lời điểm yếu ấn tượng mà bạn có thể “vượt” qua vòng phỏng vấn. Vì vậy, bạn hãy áp dụng những gì được Uptalent “mách” trong bài viết này khi nêu điểm yếu trong phỏng vấn để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nhé!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam