- 420k
- 1k
- 870
Để nói về một vấn đề tiêu cực, Gen Z ngày nay thường dùng thuật ngữ ‘Ghosting” để diễn tả. Tần suất sử dụng khi đề cập đến mối quan hệ tình cảm có vẻ phổ biến hơn, tuy nhiên, trong môi trường công việc Ghosting xuất hiện cũng không ít. Điển hình là cụm từ Job Ghosting mà Ms. Uptalent muốn chia sẻ đến bạn đọc trong bài viết này.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm Job Ghosting
2. Những dấu hiệu cảnh báo Job Ghosting xuất hiện
3. Vì sao tình trạng Job Ghosting lại xuất hiện
4. Giải pháp cho bạn khi trở thành đối tượng bị Job Ghosting
Job Ghosting – tạm dịch Bóng ma việc làm, hay “Bơ đẹp” trong công việc – đề cập đến việc một bên trong mối quan hệ công việc (người lao động (ứng viên tiềm năng, nhân viên) hoặc người sử dụng lao động (doanh nghiệp, tổ chức) đột ngột ngưng liên lạc mà không có bất cứ lời thông báo trực tiếp hay lời nhắn gửi nào đến đối phương, như thể một “Bóng ma” biến mất không rõ nguyên nhân.
Tình trạng Job Ghosting có thể xuất hiện trong cả quá trình tuyển dụng và cả quá trình nhân viên đang làm việc trong doanh nghiệp. Dù bạn là người sử dụng lao động hay người lao động thì những biểu hiện từ đối phương được đề cập dưới đây đều sẽ là dấu hiệu cảnh bảo Job Ghosting mà bạn cần quan tâm:
Đôi bên đang trao đổi với nhau liên tục thông qua các phương tiện liên lạc, bỗng một ngày, đối phương không còn trả lời tin nhắn zalo, email, Facebook .., cũng không nhận cuộc gọi từ nhau nữa thì rất rõ ràng họ đang Job Ghosting.
Đã chốt thời gian gặp trực tiếp nhưng phút chót đối phương lại viện đủ cớ để từ chối. Họ cũng không mặn mà lên kế hoạch cho lần gặp mặt tiếp theo thì dù là trong tình cảm hay trong công việc, đây đều là dấu hiệu lảng tránh, thoái thác với tâm thế muốn Ghosting mối quan hệ.
Khi đối phương nhiệt huyết với mối quan hệ, họ sẽ luôn tạo ra những chủ đề, mở rộng câu chuyện để kéo dài thời gian trao đổi công việc. Ngược lại, nếu họ chỉ hồi đáp câu hỏi của bạn một cách ngắn gọn, không đặt ra bất cứ câu hỏi mở nào thì chắc hẳn họ đang muốn kết thúc sự liên lạc, nếu vẫn nhận được câu hỏi từ bạn họ sẽ chuyển qua Ghosting (ngưng hồi đáp).
Không like, không thả tim, không bình luận bất cứ bài viết nào, thậm chí bỏ theo dõi trang mạng xã hội của đối phương. Tệ hơn, họ còn có thể khóa (block) kết nối mạng xã hội để đối phương không thể gửi tin nhắn hoặc tìm kiếm họ thông qua danh sách bạn bè.
Do không còn coi trọng mối quan hệ công việc giữa đôi bên nữa nên khi được yêu cầu giải thích về một hành vi nào đó, người sử dụng lao động hoặc người lao động sẽ không cân nhắc nhiều đến cảm xúc người nghe. Họ có thể nói thẳng lý do hoặc đưa đại một câu trả lời không hợp lý, dù bản thân biết đối phương sẽ không tin, thậm chí có thể tức giận, hụt hẫng.
Ứng viên tìm được một công việc phù hợp ở một nhà tuyển dụng khác thì những liên lạc với doanh nghiệp gửi đến sau đó – dù là Thư đồng ý tuyển dụng – cũng sẽ bị họ Ghosting.
Trải qua buổi phỏng vấn, ứng viên nhận ra tính chất công việc không phù hợp, quyền lợi nhận được không tương xứng với công sức phải bỏ ra… Vì vậy, họ sẽ Ghosting luôn với doanh nghiệp để không phải phân vân, hay mất thời gian tiếp nhận sự thuyết phục từ nhà tuyển dụng.
Cảm nhận nội dung trao đổi không còn giữ được sự ôn hòa, ứng viên / nhân viên sẽ chọn cách im lặng, Ghosting mọi sự liên lạc từ phía doanh nghiệp để tránh những phát ngôn tranh cãi không đáng có.
Đối với nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp, họ có thể sẽ nhờ một bên thứ ba can thiệp để dung hòa mâu thuẫn trước khi kết nối liên lạc lại với người liên lạc. Còn đối với ứng viên, họ sẽ ngưng hẳn liên lạc.
Khi đang tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ liên lạc với rất nhiều ứng viên tiềm năng, nhưng khi đã tuyển dụng được ứng viên phù hợp, họ sẽ Job Ghosting các ứng viên lớn còn lại vì mục tiêu tuyển dụng đã hoàn thành, không còn nhu cầu gắn kết, trao đổi về vị trí công việc đó nữa.
Bạn đã đến được với vòng phỏng vấn nhưng kết quả phỏng vấn không đạt tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng mong muốn. Dù bạn cảm thấy mình phỏng vấn tốt đi nữa thì nhà tuyển dụng vẫn Job Ghosting bạn.
Nhiều ứng viên cho rằng việc đặt câu hỏi nhiều cho nhà tuyển dụng thông qua các phương tiện liên lạc trực tuyến như email, zalo, Messenger… sẽ chứng tỏ họ rất quan tâm đến công việc, sẽ ghi thêm điểm với nhà tuyển dụng. Nhưng thực tế, phòng tuyển dụng đang bận rộn với hàng trăm hồ sơ ứng tuyển, họ không rảnh để trả lời các câu hỏi lắt nhắt từ phía bạn, chưa kể càng hỏi nhiều, câu hỏi sẽ càng đi lệch trọng tâm tuyển dụng.
Nguyên nhân này phổ biến hơn ở nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp. Trước những bức xúc cá nhân, kèm theo sự ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân với tổ chức, nhiều nhân viên gửi đi những nội dung trịch thượng, thiếu sự tôn trọng người nhận nên doanh nghiệp chọn cách Ghosting họ.
Dù là ứng viên / nhân viên hay nhà tuyển dụng thì việc trở thành đối tượng bị Job Ghosting đều khiến bản thân hụt hẫng, bị sốc vì bị phớt lờ, bị thiếu tôn trọng hơn là việc bị mất đi một đối tác mà mình ưng ý.
Cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý tìm việc hay tìm ứng viên ở các giai đoạn sau. May thay, chúng ta vẫn có những cách giúp hạn chế tình trạng bị Job Ghosting
Dù là ứng viên hay nhân viên, dù là lúc yên bình hay khi xung đột, doanh nghiệp đều cần chủ động chuẩn bị trong tay mình một bảng danh sách các ứng viên/ nhân viên thay thế tiềm năng. Vì mỗi người mỗi tính cách, mỗi quan niệm ứng xử khác nhau, chúng ta không thể cứ mãi trông chờ một cách bị động để rồi trở thành đối tượng bị Job Ghosting nhưng vẫn phải cố gắng chạy theo họ vì thiếu nhân sự dự phòng.
Nhiều doanh nghiệp giấu quá nhiều thông tin về mô tả công việc, áp lực nhiệm vụ, chỉ khi ứng viên đến phỏng vấn mới trao đổi sẽ khiến ứng viên bị ngợp và khó cân nhắc nhanh đâu là lựa chọn đúng đắn khi thỏa thuận công việc. Kết quả là họ cảm thấy công ty không minh bạch, làm mất thời gian của ứng viên, không đáng tin cậy để giữ liên lạc.
Dù phỏng vấn 10 người, có thể chỉ tuyển có 01 nhưng nhà tuyển dụng vẫn phải cho ứng viên cảm nhận được sự chuyên nghiệp của tổ chức, sự tôn trọng đối với ứng viên ngay khi họ tham gia ứng tuyển. Ấn tượng ban đầu chính là ấn tượng sâu sắc nhất,
Sự nhập nhằng trong quản lý chính là tiền đề gây ra Job Ghosting nơi nhân viên. Để tránh những mâu thuẫn không đáng có, doanh nghiệp cần hoàn thiện chỉnh chu những quy chế đánh giá, quy trình làm việc, chính sách thưởng phạt… Khi nhân viên có vấn đề phát sinh, họ có thể dựa trên những tiêu chuẩn đó để tự suy xét, không để xảy ra tình trạng bất mãn rồi Job Ghosting doanh nghiệp.
Khi tham gia phỏng vấn, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng khoảng bao lâu thì sẽ có kết quả đánh giá ứng viên. Điều này vừa thể hiện bạn rất quan tâm đến khả năng trúng tuyển vào vị trí công việc, vừa có thêm thông tin để bạn không phải bồn chồn chờ đợi.
Nếu thái độ của người phỏng vấn không tốt thì thay vì tức giận, bạn nên cảm thấy may mắn vì có thể nhìn thấy mặt tiêu cực của nhà tuyển dụng từ sớm, còn hơn là mất thời gian gắn kết một thời gian ngắn rồi lại mất công xin nghỉ, đi xin việc mới. Giữ thái độ chuyên nghiệp là một hành động đẹp và cao thượng.
Nếu đã qua thời gian doanh nghiệp hẹn hồi âm nhưng bạn vẫn không nhận được email thì bạn đừng ngồi yên hoặc tự mình từ bỏ, vì biết đâu quản lý quá nhiều việc hoặc nhà tuyển dụng vẫn đang cân nhắc ứng viên chứ chưa kết thúc kỳ tuyển dụng.
Tốt nhất, bạn nên liên lạc với một lần nữa qua email để hỏi thăm tin tức, hoặc có thể gọi điện thoại nếu cần thiết vì đó là quyền lợi của bạn, dù họ có không chấp nhận thì cũng cần cho bạn một lời giải thích hoặc một thông báo chính thức.
Trong những tình huống bất khả kháng không thể đến và không muốn đến phỏng vấn nữa, bạn nên gửi email hoặc liên lạc zalo với người hẹn phỏng vấn.
Đối với nhân viên cũng vậy, những trở ngại trong công việc hay những thử thách mà bạn đánh giá khó tự vượt qua, hãy nói với quản lý hoặc gửi email cho họ, chia sẻ những nội dung súc tích liên quan trực tiếp đến vấn đề mà bạn đang bức xúc, thắc mắc.
Hành động này sẽ là một tấm gương để doanh nghiệp thấy rằng một cá nhân còn chuyên nghiệp như vậy thì một doanh nghiệp không thể Job Ghosting thiếu chuyên nghiệp được.
Job Ghosting là hành động phớt lờ, cắt đứt liên lạc một cách đột ngột từ một phía trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây là một hành động thiếu chuyên nghiệp, chúng ta không Ghosting và cũng không muốn bị người khác Ghosting, vì vậy, mỗi đối tượng đều cần hành xử chuyên nghiệp, hòa nhã như những gì Ms. Uptalent đã chia sẻ.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet