- 420k
- 1k
- 870
Một doanh nghiệp muốn phát triển đúng hướng, bền vững và lâu dài cần xây dựng được bộ giá trị cốt lõi của riêng mình.
Vậy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì? Vì sao phải hiểu giá trị cốt lõi? Phải xây dựng giá trị cốt lõi như thế nào? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Ms Uptalent nhé!
MỤC LỤC:
1- Giá trị cốt lõi là gì?
2- Tại sao lại cần hiểu rõ về giá trị cốt lõi?
3- Xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp như thế nào?
4- Có phải giá trị cốt lõi doanh nghiệp nào cũng giống nhau?
5- Các giá trị cốt lõi của một số doanh nghiệp lớn
>>> Xem thêm: Việc làm lương cao
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hay còn gọi là “core value”, là một tập hợp bao gồm các nguyên tắc, lý tưởng chung mà tất cả nhân viên trong tổ chức muốn hướng đến.
Hiểu đơn giản thì, giá trị cốt lõi là những giá trị quan trọng nhất của một công ty, có tính quyết định đến sự phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. Để xây dựng giá trị cốt lõi, doanh nghiệp phải mất một khoảng tương đối dài.
Khi nhìn vào giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp, bạn có thể thấy được các nét đặc trưng, phương thức làm việc và cách những con người ở đó làm ra sản phẩm.
Quan trọng hơn là những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ không thay đổi theo các biến động bên ngoài. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết xoay quanh giá trị cốt lõi nhằm đảm bảo sự linh hoạt nhưng vẫn không đánh mất bản sắc riêng.
Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng của giá trị cốt lõi và luôn tập trung xây dựng bộ giá trị riêng phù hợp với sản phẩm, phương thức hoạt động của mình nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Đối với một doanh nghiệp, giá trị cốt lõi tựa như “kim chỉ nam” giúp định hướng và phát triển hoạt động kinh doanh một cách đúng đắn, hiệu quả. Những giá trị cốt lõi này sẽ theo suốt quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tạo nên hình ảnh, nét đặc trưng riêng.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ giá trị cốt lõi vì:
Với những giá trị cốt lõi rõ ràng, doanh nghiệp có thể định hướng cách hành xử cho đội ngũ nhân viên tốt hơn. Nhân viên cũng hiểu rõ những giá trị cần đạt được và có cách hành động đúng đắn, thích hợp tại môi trường làm việc.
Bên cạnh đó, giá trị cốt lõi còn giúp nhân viên trong công ty giữ vững lòng tin, chuẩn mực đạo đức trước những biến động liên tục của nền kinh tế, xã hội.
Môi trường kinh doanh luôn thay đổi không ngừng. Với bộ giá trị cốt lõi rõ ràng, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững chắc để đưa ra các quyết định, chiến lược và chính sách phát triển tối ưu nhất.
Đặc biệt, trong những tình huống khó khăn, thử thách, giá trị cốt lõi lại càng phát huy khả năng định hướng, điều tiết hoạt động đối với doanh nghiệp.
Thông qua giá trị cốt lõi, khách hàng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và tiếp xúc gần hơn các sản phẩm của họ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng dễ dàng tạo dựng niềm tin với khách hàng và gia tăng doanh thu sản phẩm, dịch vụ.
Khi tìm hiểu về doanh nghiệp, ứng viên thường quan tâm đến các yếu tố về văn hoá, con người và cách thức hoạt động của tổ chức. Bởi không người nào muốn làm việc ở một môi trường không phù hợp.
Thông qua giá trị cốt lõi, doanh nghiệp và nhân viên giao tiếp hiệu quả hơn và cũng là nền móng quan trọng giúp thu hút, giữ chân nhân sự tài năng.
Dựa vào nền tảng giá trị cốt lõi vững mạnh, doanh nghiệp có thể xây dựng, đào tạo nên đội ngũ nhân sự chất lượng. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ không ngừng phát triển, tăng trưởng trong tương lai.
Thực ra không có bản hướng dẫn cụ thể nào giúp xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhưng, bằng cách trả lời các câu hỏi và làm theo những gợi ý sau đây bạn có thể xác định được những giá trị riêng cho doanh nghiệp của mình.
Có hai câu hỏi bạn cần làm rõ khi xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, đó là:
- Nhân viên của bạn tin vào điều gì?
- Khách hàng của bạn cần những gì?
Đội ngũ nhân viên gắn kết sẽ tạo nên tập thể lớn mạnh và có thể đồng hành dài lâu với nhau. Vì vậy, hãy tìm xem nhân viên của bạn đang tìm kiếm giá trị gì từ doanh nghiệp, họ mong muốn công việc sẽ mang lại cho họ những gì.
Trong khi đó, khách hàng thường coi trọng một giá trị nào đó từ các sản phẩm, dịch vụ của công ty bạn. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ điều khách hàng mong muốn và những gì doanh nghiệp có thể làm cho họ, bạn sẽ khiến khách hàng luôn nhớ đến sản phẩm của mình.
Sau khi trả lời được những câu hỏi trên, bạn hãy tiếp tục thực hiện các bước sau để tạo ra các giá trị cốt lõi:
+ Chọn một động từ để bắt đầu giá trị cốt lõi: Điều bạn cần ở giá trị cốt lõi là những quy tắc giúp gắn kết và định hướng cách hành xử của nhân viên. Vì vậy, giá trị cốt lõi phải có khả năng thúc đẩy hành động và bắt đầu bằng động từ là giải pháp cho điều này.
+ Kêu gọi nhân viên tham gia: Để nhân viên tham gia quá trình xây dựng giá trị cốt lõi sẽ giúp bạn tạo ra những giá trị thực sự phù hợp và quan trọng nhất đối với tập thể bạn đang lãnh đạo. Từ đó, nhân viên càng thêm sẵn sàng thực thi theo những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
+ Đưa ra lời kêu gọi ngắn gọn, dễ nhớ: Những câu ngắn gọn, dễ nhớ thường tạo ấn tượng sâu hơn và kích thích cảm xúc từ tận đáy lòng của người đọc. Vì vậy, bạn nên giới hạn câu trong vài từ là hợp lý và hiệu quả nhất.
+ Đưa ra không quá 10 câu thể hiện giá trị cốt lõi: Các giá trị cốt lõi không nên quá nhiều. Thực tế, bạn nên viết khoảng 5 câu là lý tưởng nhất.
+ Đánh giá lại các giá trị đã xác định: Sau khi hoàn thành bộ giá trị cốt lõi, bạn nên đánh giá lại nhằm đảm bảo đã các giá trị này đã thể hiện được những khía cạnh quan trọng nhất trong tầm nhìn của doanh nghiệp và có thể giữ chân nhân viên.
Câu trả lời là không bạn nhé!
Tuy rằng, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thường được xây dựng dựa trên trung tâm là khách hàng và đội ngũ nhân viên. Đồng thời, có nhiều giá trị cốt lõi được sử dụng khá phổ biến, như:
- Chính trực, không lừa dối, vụ lợi niềm tin từ đối tác.
- Táo bạo trong quyết định.
- Trung thực, không lừa lọc, dối trá khách hàng, đối tác.
- Tạo dựng niềm tin.
- Sẵn sàng giải trình khi xảy ra sự cố.
- Sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, đóng góp.
- Thấu hiểu tâm lý khách hàng
- Niềm nở, hòa đồng, tạo thiện cảm với khách hàng, đối tác.
- Ý thức trách nhiệm cao.
- Liên tục cải tiến.
- Xây dựng chất lượng dịch vụ.
- Can đảm, có niềm tin trước những thử thách.
- Chấp hành kỷ luật khi phạm lỗi.
- Chí công vô tư, loại bỏ tư duy ích kỷ.
…
Mỗi doanh nghiệp luôn có những giá trị cốt lõi riêng mà họ xem là quan trọng nhất. Có thể một vài doanh nghiệp sẽ có điểm giống nhau ở một giá trị nào đó. Nhưng, xét về tổng thể thì bộ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vẫn rất khác nhau.
Mỗi doanh nghiệp lớn, nổi tiếng luôn có bộ giá trị cốt lõi đáng ngưỡng mộ. Bạn nên tìm hiểu điểm thú vị của những giá trị cốt lõi này để hiểu vì sao họ đạt được thành công vượt trội đến như vậy.
Google là công ty có tầm ảnh hưởng như thế nào hầu như ai cũng biết. Và bộ giá trị cốt lõi của họ thực sự không khiến người khác phải thất vọng:
- Tập trung vào người dùng và mọi thứ khác sẽ theo sau.
- Làm một thứ thôi và phải làm thật tốt.
- Nhanh tốt hơn chậm.
- Dân chủ trong công việc liên quan đến web.
- Không cần phải ở bàn làm việc mới cần đến câu trả lời.
- Bạn có thể kiếm tiền mà không làm điều xấu.
- Thông tin luôn có ngoài kia.
- Nhu cầu thông tin vượt qua mọi biên giới.
- Bạn có thể nghiêm túc mà không cần tới một bộ com lê.
- Xuất sắc thôi là chưa đủ.
Nike hướng đến sứ mệnh mang lại nguồn cảm hứng và sự sáng tạo cho tất cả vận động viên thể thao. Các giá trị của Nike bao gồm:
- Chúng tôi dám thiết kế lại tương lai của thể thao.
- Một đội ngũ được trao quyền, đa dạng và hoà nhập.
- Thế giới là cộng đồng của chúng tôi.
- Một tương lai bền vững, công bằng cho mọi vận động viên.
Các giá trị cốt lõi của Uber được xem là những chuẩn mực văn hoá của doanh nghiệp.
- Chúng tôi xây dựng trên toàn cầu, chúng tôi sống tại địa phương.
- Chúng tôi bị ám ảnh bởi khách hàng.
- Chúng tôi tôn vinh sự khác biệt.
- Chúng tôi làm điều đúng đắn.
- Chúng tôi hành động như những người chủ.
- Chúng tôi kiên trì.
- Chúng tôi coi trọng ý tưởng hơn thứ bậc.
- Chúng tôi đặt cược đậm.
Danh sách giá trị cốt lõi của Microsoft gồm có 6 yếu tố:
- Sự đổi mới.
- Đa dạng và hòa nhập.
- Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
- Từ thiện.
- Môi trường.
- Máy tính đáng tin cậy.
Estee-Lauder được biết đến là đế chế mỹ phẩm lâu đời với các giá trị cốt lõi rất độc đáo.
- Sự sáng tạo.
- Tinh thần làm chủ.
- Sự liêm chính.
- Mối quan hệ gần gũi với khách hàng.
Tập đoàn đa quốc gia Unilever luôn xác định rõ các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bao gồm:
- Đề cao sự công bằng.
- Không ngừng đổi mới, hướng đến sự tích cực.
- Xác định mục tiêu rõ ràng để mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.
- Sẵn sàng hợp tác.
Giá trị cốt lõi của Apple bao gồm 6 yếu tố. Họ liệt kê các giá trị cốt lõi tại chân mỗi trang trên website của doanh nghiệp.
- Khả năng tiếp cận.
- Giáo dục.
- Môi trường.
- Sự hòa nhập và sự đa dạng.
- Riêng tư.
- Trách nhiệm của nhà cung cấp.
Samsung xem yếu tố con người là trung tâm cho mọi hoạt động. Giá trị cốt lõi của họ hướng đến mục tiêu bảo vệ và phát triển con người.
- Con người.
- Ưu tú.
- Đổi mới.
- Liêm chính.
- Đồng thịnh vượng.
Vingroup có 6 giá trị cốt lõi:
- Tín: Lấy chữ Tín làm vũ khí cạnh tranh và bảo vệ chữ Tín như bảo vệ danh dự của chính mình.
- Tâm: Tâm là một trong những nền tảng quan trọng của kinh doanh.
- Trí: Coi sáng tạo là sức sống, là đòn bẩy phát triển. Đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm. Chủ trương xây dựng một “doanh nghiệp học tập”.
- Tốc: Tôn chỉ “tốc độ, hiệu quả trong từng hành động”. Thực hành “quyết định nhanh – đầu tư nhanh – triển khai nhanh – bán hàng nhanh – thay đổi và thích ứng nhanh”.
- Tinh: Con người tinh hoa – Sản phẩm / Dịch vụ tinh hoa – Cuộc sống tinh hoa – Xã hội tinh hoa.
- Nhân: Xây dựng các mối quan hệ với tinh thần nhân văn. Coi trọng người lao động như là tài sản quý giá nhất. Tạo dựng “Nhân hòa” trên cơ sở công bằng, chính trực và nêu cao sức mạnh đoàn kết.
6 giá trị cốt lõi kiến tạo nên tập đoàn FPT bao gồm:
- Tôn trọng: Không phân biệt vị trí cao thấp, chấp nhận mọi người như chính giá trị vốn có của họ.
- Đổi mới: Không ngừng học hỏi và nỗ lực để dẫn đầu trong công nghệ mới.
- Đồng đội: Đồng tâm, Tập thể và Chân tình.
- Chí công: Đây là yếu tố quan trọng giúp nuôi dưỡng lòng tin với nhân viên.
- Gương mẫu: Lấy tấm gương lãnh đạo làm mẫu đại diện cho tinh thần của tập đoàn.
- Sáng suốt: Tầm nhìn xa, quyết đoán.
Trên đây là những thông tin có thể giúp bạn hiểu rõ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì, tầm quan trọng của nó và phải xây dựng giá trị cốt lõi như thế nào. Hy vọng bạn đã có nhiều thông tin hữu ích qua bài viết của Ms Uptalent và có thể xây dựng được những giá trị cốt lõi riêng cho doanh nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet