- 420k
- 1k
- 870
Giữ chân nhân sự giỏi hiện là mối quan tâm cốt lõi của mọi doanh nghiệp khi mà mỗi ngày luôn có hàng loạt những cơ hội với nhiều phúc lợi hấp dẫn xuất hiện. Việc tìm thấy những cơ hội này trở nên rất thuận lợi nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ trực tuyến. Từ thực tế đó, Ms. Uptalent nhận thấy doanh nghiệp đang chú trọng nhiều hơn đến sự hài lòng của nhân viên, điển hình là việc tìm hiểu và phát triển Employee Experience trong tổ chức.
MỤC LỤC:
1. Employee Experience là gì?
2. Tầm quan trọng của Employee Experience
2.1. Mức độ cam kết của người lao động
2.2. Chủ động cải thiện năng suất lao động
2.3. Phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng
2.4. Tạo dựng lợi thế cạnh tranh
3. Các yếu tố tác động đến Employee Experience
3.1. Môi trường làm việc
3.2. Văn hóa tổ chức
3.3. Chính sách phúc lợi
3.4. Lộ trình phát triển
3.5. Tôn trọng công sức nhân viên
3.6. Quan tâm đời sống nhân viên
4. Ưu nhược điểm khi áp dụng Employee Experience vào công tác quản lý
4.1. Ưu Điểm
4.2. Nhược Điểm
5. Kinh nghiệm để tối ưu hiệu quả từ Employee Experience
5.1. Khảo sát để hiểu nhân viên
5.2. Liệt kê những giá trị nhân viên ưu tiên
5.3. Lan tỏa ưu điểm và cả nhược điểm
Employee Experience – tạm dịch Trải nghiệm Nhân viên – là cụm từ mô tả tổng thể những ấn tượng, nhận định, cảm xúc… cả tích cực và tiêu cực của nhân viên trong suốt quá trình tương tác làm việc tại tổ chức.
Quá trình trải nghiệm này trải dài từ lúc nhân viên đó tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, sau đó ứng tuyển, tham gia phỏng vấn, được tuyển dụng và tham gia làm việc cùng các đồng nghiệp.
Nội dung đánh giá trải nghiệm sẽ không gói gọn ở văn hóa doanh nghiệp, lương và phúc lợi, mối quan hệ công sở mà còn bao hàm cả lộ trình thăng tiến cá nhân, mức độ được tôn trọng ý kiến cá nhân trong tổ chức và nhiều điều khác nữa. Nói chung, mọi yếu tố mà người lao động có được từ nơi họ làm (cả hữu hình và vô hình) việc đều trở thành nội dung đánh giá trải nghiệm.
Công tác quản trị nhân sự càng được chú trọng thì tầm quan trọng của Employee Experience càng được đề cao, bởi lẽ thông qua nội dung này, các tổ chức sẽ có được:
Trải nghiệm càng tích cực thì nhân viên càng muốn gắn bó lâu dài cùng tổ chức. Điều này hỗ trợ rất lớn cho việc ổn định guồng máy làm việc, không phải tốn nhiều công sức để giải quyết những vấn đề như tuyển dụng mới hay giải quyết thủ tục chuyển việc của nhân viên.
Môi trường làm việc phù hợp kèm theo một lộ trình thăng tiến rõ ràng và đã có thực tế chứng minh thì sự tin tưởng nơi nhân viên càng được tăng gấp bội. Họ hiểu rằng sự nỗ lực của bản thân luôn được ghi nhận và có được phần thưởng xứng đáng nên không cần doanh nghiệp hối thúc, tự bản thân nhân viên sẽ tự học hỏi và cải thiện năng suất làm việc của chính mình.
Những đánh giá tích cực từ những nhân viên đang làm việc tại tổ chức, kết hợp những biểu hiện thực tế như Tỷ lệ nghỉ việc thấp, Cơ hội thăng tiến cao… sẽ là nền tảng giúp cho thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp phát triển. Ứng viên tài năng sẽ tự “săn” tin tuyển dụng từ tổ chức chứ tổ chức không cần đi tìm ứng viên tài năng nữa.
Thành công của doanh nghiệp chính là cơ sở để tạo nên thành công của từng nhân sự trong doanh nghiệp. Ý thức được điều này thông qua quá trình Employee Experience, nhân viên sẽ không ngừng sáng tạo, cải tiến, tạo nên những thành tích vượt trội để doanh nghiệp có được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Nội dung liên quan>>>Muốn Thăng Tiến Thì Chăm Chỉ Thôi Là Chưa Đủ
Employee Experience bao hàm nhiều nội dung đa dạng, để liệt kê hết thì không thể vì mỗi ngành nghề, mỗi vị trí có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì đây là những yếu tố chính mà mọi Employee Experience đều nhận sự tác động:
Cụ thể là những cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thiết yếu mà doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên. Không quá to tát nhưng giá trị trải nghiệm lại khá lớn. Thử nghĩ nếu bạn vào làm ở một nơi mới, bàn ghế thì bụi bặm, bút viết không có, góc ngồi tạm bợ… Ấn tượng đầu tiên chính là sự thiếu tôn trọng mà doanh nghiệp đối với bạn hay với vị trí mà bạn đảm nhận.
Đây có thể là quy định trên văn bản, cũng có thể là những quy luật “bất thành văn” truyền từ thế hệ nhân sự này sang thế hệ nhân sự khác. Nếu những văn hóa đó phù hợp với tính cách và hỗ trợ công việc của nhân viên, tự khắc nhân viên sẽ gắn kết với nó, ngược lại thì bạn biết rồi đấy, làm việc mà tâm trạng cứ khó chịu, bực dọc, ráng bằng mặt nhưng không bằng lòng thì làm sao mà gắn kết được.
Mỗi vị trí đều có giá trị đóng góp riêng cho thành công của tổ chức, người ở tiền phương thì đóng góp dễ thấy, người ở hậu phương thì đóng góp âm thầm nhưng tuyệt nhiên không thể thiếu. Vậy nếu chính sách phúc lợi không được phân bổ thích hợp thì chẳng ai còn mặn mà đóng góp giá trị nữa.
Hãy là một lộ trình thực tế, khả thi và đã có “minh chứng sống” chứng thực những gì doanh nghiệp hoạch định đều có thật chứ không phải “vẽ” ra để kéo dài sự hy vọng mỏi mòn nơi nhân viên. Làm được điều này thì nhân viên nào cũng sẽ hết lòng phấn đấu vì tổ chức.
Những ý kiến giá trị cần được ghi nhận, khen thưởng một cách công bằng và công khai. Điều này khích lệ rất lớn tinh thần làm việc của nhân viên được khen, đồng thời là hiện thực thúc đẩy sự nỗ lực đến những nhân viên xung quanh.
Ngoài công việc, nhân viên còn có gia đình và những vấn đề cuộc sống riêng cần giải quyết. Chỉ cần doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ nhân viên giảm bớt những lo toan nơi cuộc sống thường nhật, cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống thì dù công việc có khó khăn, thử thách, nhân viên cũng sẽ cùng doanh nghiệp vượt qua.
Cải thiện sự hài lòng, nâng cao niềm tin tưởng của nhân viên, thúc đẩy sự gắn kết lâu dài ngay cả những lúc doanh nghiệp khó khăn.
Nâng cao tính tự giác, chủ động triển khai công việc, chủ động học hỏi cách xử lý vấn đề phát sinh linh hoạt, góp phần cải thiện hiệu suất làm việc trong toàn hệ thống.
Phát triển văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, lan tỏa thương hiệu nhà tuyển dụng tích cực giúp doanh nghiệp thuận lợi thu hút và giữ chân nhân tài.
Mở rộng thị phần, duy trì sự hài lòng nơi khách hàng, tăng lợi nhuận tiêu thụ… bằng chính những giá trị tích cực mà nhân viên đã trải nghiệm từ doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo, hệ thống phúc lợi, công cụ đánh giá trải nhiệm nhân viên… Tính theo tương lai lâu dài thì giá trị thu về sẽ nhiều hơn nhưng ở giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp phải đầu tư một khoản không nhỏ.
Employee Experience là phạm trù cảm tính, cùng một quyền lợi như nhau nhưng mức độ hài lòng ở mỗi nhân viên sẽ khác nhau. Chính vì vậy, để đo lường chính xác 100% là điều không thể, doanh nghiệp chỉ có thể ước lượng theo nhóm thang điểm.
Mong đợi của nhân viên thay đổi theo thời gian và theo thế hệ nhân sự nên cần điều chỉnh thường xuyên. Việc này tác động đến văn hóa doanh nghiệp, không hẳn ai cũng muốn thay đổi nên doanh nghiệp phải cân nhắc nên ưu tiên cho nhóm/ thế hệ nhân sự nào.
Xem thêm tại>>>Tầm Quan Trọng Của Kỹ Năng Chuyên Môn Trong Thị Trường Lao Động Hiện Đại
Có ưu điểm, có nhược điểm, vậy làm thế nào để tận dụng tối đa ưu điểm và giảm thiểu nhược điểm ở mức thấp nhất?
Muốn nâng cao trải nghiệm của nhân viên thì trước hết phải hiểu nhân viên cần gì, mong đợi điều gì từ doanh nghiệp. Tiến hành khảo sát bằng:
Bảng câu hỏi, trao đổi trực tiếp hoặc thảo luận nhóm nhân sự
Thông qua quản lý trực tiếp hoặc thông qua những chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của nhân viên
Suy luận từ những biểu hiện, cảm xúc, hành động thực tế của nhân viên
Tất cả những thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp thu thập lượng dữ liệu lớn.
Tiến hành phân tích dữ liệu này bằng phần mềm chuyên dụng, những đánh giá tích cực và tiêu cực của đội ngũ nhân viên sẽ dần hiện. Không chỉ ở giai đoạn họ đã tham gia vào tổ chức đâu, mà ngay cả khi họ ứng tuyển, khi họ phỏng vấn, cảm xúc trải nghiệm ra sao đều sẽ được nhân viên chia sẻ.
Doanh nghiệp chắc chắn không đủ sức để làm hài lòng tất cả “giá trị ưu tiên” trong trải nghiệm của từng nhân sự, nhưng với nhóm nhân sự - đặc biệt là nhóm nhân sự giỏi – thì hoàn toàn có thể.
Phần mềm phân tích tích hợp nhiều tính năng phân nhóm kết quả dữ liệu, qua đó, dựa vào nguồn lực hiện tại, doanh nghiệp sẽ chọn được những giá trị khả thi cải thiện trước để nhân viên nhanh chóng thấy được kỳ vọng của họ được tôn trọng và được phúc đáp hợp lý.
Vấn đề cần lưu ý là lan tỏa ưu điểm của doanh nghiệp mình và nhược điểm của doanh nghiệp khác. Trải nghiệm nhân sự là cảm nhận của mỗi cá nhân, thuộc về mặt cảm xúc, mà những vấn đề cảm xúc thì nên dùng cảm xúc để dung hòa.
Bởi lẽ, nguồn lực của doanh nghiệp không thể chỉ tập trung cho khía cạnh Employee Experience mãi được. Chắc chắn sẽ có cải thiện nhưng chỉ ở một mức độ nhất định trong khi nhân viên thì luôn có sự so sánh, nhưng so sánh của họ đa phần là phiến diện. Vậy để nhân viên không “đứng núi này, trông núi nọ” thì hãy cho họ thấy những điểm mạnh trải nghiệm của doanh nghiệp mà nơi khác không có, cũng như thấy cả những điểm yếu của nơi khác mà nhân viên chưa được biết.
Không nên tuyên truyền một cách thẳng thừng “Chúng ta tốt, bên khác không tốt”, doanh nghiệp nên khéo léo chọn cách lan tỏa theo hình thức truyền thông qua những câu chuyện giữa các đồng nghiệp, hoặc chia sẻ những đường link phản ánh thực trạng quản lý nhân sự có phần yếu thế hơn ở một tố chức nào đó. Hãy để nhân viên tự nhận thức “trải nghiệm của mình ở doanh nghiệp chưa phải hoàn hảo như mong đợi nhưng là trải nghiệm tốt nhất mà mức độ năng lực của mình có thể nhận được”.
Employee Experience dựa trên những mong đợi của nhân viên trong phạm vi nơi công sở để doanh nghiệp hiểu và cải thiện giá trị ưu tiên của đại đa số nhân sự giỏi trong tổ chức. Ngoài mục đích giữ chân nhân viên gắn bó lâu dài mà Ms. Uptalent luôn nhấn mạnh, doanh nghiệp còn mong muốn thúc đẩy ý thức chủ động nâng cao năng suất làm việc của từng nhân sự, tạo nên môi trường làm việc lành mạnh và đầy năng lượng tích cực.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet