- 420k
- 1k
- 870
Phân tích đối thủ cạnh tranh là việc mà doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. Vậy đối thủ cạnh tranh là gì? Doanh nghiệp có thể gặp phải những đối thủ nào? Làm sao để phân tích đối thủ hiệu quả? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu những điều này qua bài viết sau đây của Ms Uptalent nhé!
MỤC LỤC:
1- Đối thủ cạnh tranh là gì?
2- Phân loại đối thủ cạnh tranh
3- Vì sao phải phân tích đối thủ cạnh tranh
4- 6 bước giúp bạn phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả
5- Công cụ giúp phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả
6- Tips giúp bạn phân tích đối thủ cạnh tranh chuẩn xác
Đối thủ cạnh tranh được hiểu là những công ty kinh doanh cùng một loại sản phẩm, dịch vụ và có đối tượng khách hàng mục tiêu giống nhau.
Sản phẩm những công ty này kinh doanh có thể hoàn toàn giống nhau hoặc tương tự. Trong quá trình kinh doanh, họ có thể cạnh tranh về nhiều khía cạnh khác nhau để đạt được thị phần và doanh số như mong đợi.
Một trong những ví dụ điển hình về đối thủ cạnh tranh chính là Pepsi và Coca. Hai công ty này kinh doanh cùng một loại sản phẩm. Họ liên tục sử dụng các chiến lược khác nhau để giành thị phần cũng như phát triển thương hiệu.
>>> Bạn có thể quan tâm: Ngành dịch vụ là gì? Đặc điểm, thực trạng và cơ hội phát triển
Đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp thường được phân loại vào 3 nhóm chính là:
Đây là những công ty kinh doanh cùng một loại sản phẩm với doanh nghiệp của bạn. Họ hướng đến cùng một nhóm khách hàng mục tiêu, có cùng giá bán và năng lực cạnh tranh tương đương. Do đó, bạn cần đặc biệt quan tâm đến nhóm đối thủ này khi tiến hành phân tích.
Nhóm này bao gồm những công ty cung cấp các sản phẩm khác loại với doanh nghiệp nhưng lại cùng phục vụ nhu cầu nào đó của khách hàng. Các sản phẩm do đối thủ gián tiếp cung cấp thường được gọi là sản phẩm thay thế.
Thực tế, rất nhiều sản phẩm thay thế ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn nhu cầu khách hàng. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho thấy rõ điều này chính là các sản phẩm công nghệ.
Đây là nhóm các công ty có khả năng gia nhập thị trường và cạnh tranh với doanh nghiệp trong cùng một phân khúc khách hàng, một lĩnh vực, ngành nghề.
Nhóm đối thủ này có thể là công ty đối tác hay công ty đối thủ trong tương lai khi họ chọn gia nhập thị trường và mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có đối thủ cạnh tranh. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để mang tới những sản phẩm chất lượng.
Sau đây là những lý do cho thấy vì sao doanh nghiệp phải phân tích đối thủ cạnh tranh:
Quá trình phân tích đối thủ không chỉ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về công ty đối thủ mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về thị trường, xu hướng phát triển ngành và nắm bắt được những cơ hội kinh doanh tốt.
Thông qua hoạt động phân tích, doanh nghiệp có thể nắm bắt được chiến lược, quy trình kinh doanh cũng như những điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ thiết lập định hướng, kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn.
Bằng cách phân tích đối thủ, doanh nghiệp sẽ có các chiến lược kinh doanh, tiếp thị, phân phối và phát triển sản phẩm phù hợp. Chính sự cải thiện không ngừng đó sẽ giúp họ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo được vị thế vững chắc trên thị trường.
Dựa vào kết quả phân tích đối thủ, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động chiến lược marketing bằng cách đưa ra các kế hoạch quảng cáo, khuyến mãi, PR phù hợp.
Khi hiệu quả marketing được cải thiện, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng mới hơn, độ nhận diện thương hiệu cũng gia tăng mạnh mẽ.
Hoạt động phân tích không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt rõ tình hình thị trường mà nó còn tạo cơ sở vững chắc cho họ đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh.
Với những thông tin chuẩn xác, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu mức độ rủi ro trong đầu tư và gia tăng hiệu quả kinh doanh hơn trước gấp nhiều lần.
Để đạt hiệu quả phân tích công ty đối thủ tối ưu, bạn có thể vận dụng 6 bước sau:
Bạn nên lập danh sách có từ 7 – 10 công ty để lựa chọn ra đối tượng phù hợp để phân tích. Các tiêu chí bạn cần lưu ý khi lập danh sách đối thủ gồm có:
- Doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh và sản phẩm tương tự.
- Có đối tượng khách hàng giống nhau hoặc tương tự.
- Doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hay công ty đã có nhiều kinh nghiệm.
Bạn có thể tìm thấy những thông tin này về đối thủ qua các kênh như: Google, phương tiện quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, phỏng vấn khách hàng, theo dõi các ấn phẩm quảng cáo của đối thủ,…
Tiếp theo, bạn sẽ phải phân loại đối thủ dựa theo các cấp độ cạnh tranh khác nhau. Cụ thể, bạn cần xác định xem đó là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp hay tiềm ẩn.
Có 5 loại thông tin bạn cần thu thập về đối thủ cạnh tranh, gồm có:
- Thông tin tổng quan về công ty đối thủ như quy mô, cơ cấu tổ chức, cách thức thực hiện hoạt động kinh doanh,…
- Đặc tính, công dụng, giá cả sản phẩm, dịch vụ của đối thủ.
- Cơ cấu kênh phân phối và cách tổ chức hoạt động trên kênh.
- Cách thực hiện truyền thông, marketing của đối thủ cả về mặt online và offline.
- Thu thập các phản hồi, nhìn nhận của khách hàng về công ty đối thủ.
Có bốn kiểu chiến lược marketing đang được áp dụng phổ biến hiện nay là: chiến lược thâm nhập thị trường, chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược phát triển thị trường và chiến lược đa dạng hóa.
Nhiệm vụ của bạn là hãy xác định xem công ty đối thủ đang áp dụng chiến lược nào trong bốn chiến lược trên đây. Từ đó, bạn sẽ đánh giá hiệu quả và những mặt hạn chế của chiến lược đó.
Tại bước này, bạn sẽ tiến hành phân tích các điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ và các cơ hội, thách thức họ đang phải đối mặt.
Để phân tích đối thủ, bạn có thể sử dụng các mô hình như:
- Mô hình SWOT.
- Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter.
- Ma trận hình ảnh cạnh tranh CPM.
- Mô hình đa giác cạnh tranh.
- Phân tích nhóm chiến lược.
Trên đây là những mô hình phân tích phổ biến đang được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Về việc lựa chọn mô hình nào sẽ tùy thuộc vào mục đích phân tích của bạn.
Sau khi đã thu thập đủ thông tin cần thiết về đối thủ, bạn sẽ tiến hành lập báo cáo và trình bày cho cấp trên một cách rõ ràng, chi tiết nhất.
Ngày nay, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các công cụ hiện đại để thực hiện việc phân tích đối thủ hiệu quả, chính xác hơn.
Một số công cụ bạn có thể tham khảo như:
- SEMrush
Công cụ này cho phép doanh nghiệp phân tích các chỉ số website, SEO, nghiên cứu từ khóa, kiểm tra xếp hạng. Từ đó, doanh nghiệp có thể đề ra những biện pháp Marketing online hiệu quả hơn.
- Similarweb
Similarweb cho phép bạn kiểm tra lưu lượng truy cập trang web, thời gian hoạt động trung bình trên trang, từ khóa, kênh truyền thông phổ biến được dùng để tìm trang web, tỷ lệ thoát trang, số trang được xem trung bình,…
- Google Analytics
Google Analytics là công cụ miễn phí cho phép bạn theo dõi lưu lượng và hành vi người dùng trên trang web.
- Ahrefs
Ahrefs là công cụ hỗ trợ hoạt động SEO và marketing hàng đầu thế giới với những tính năng nổi bật như: phân tích từ khóa, backlink, đối thủ cạnh tranh và theo dõi các chỉ số liên quan.
- Alexa
Alexa là công cụ hỗ trợ bạn phân tích, so sánh các trang web dựa trên lưu lượng truy cập và các chỉ số liên quan.
Những tính năng nổi bật của Alexa có thể kể đến như: phân tích thứ hạng website, lưu lượng truy cập, thời gian trung bình trên trang, người dùng duy nhất, các trang web có liên quan khác.
Để đạt hiệu quả phân tích đối thủ tối ưu, bạn cần lưu ý một số bí quyết sau:
- Quá trình phân tích cần thực hiện trong thời gian dài và liên tục để có thể cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan đến công ty đối thủ.
- Lựa chọn khoảng thời gian và thời điểm phân tích phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cũng như độ chính xác cao hơn.
- Xác định mục tiêu, hướng đi cụ thể trước khi bắt đầu quá trình phân tích. Điều này sẽ giúp bạn tập hợp thông tin có chủ đích và hiệu quả hơn rất nhiều.
- Tất cả các hoạt động phân tích và ra quyết định phải dựa trên cơ sở dữ liệu rõ ràng, chính xác. Điều này sẽ quyết định mức độ chính xác về nhận thức của bạn với đối thủ cạnh tranh.
- Đầu tư công sức, thời gian và chi phí đúng mức để nhận được thông tin chất lượng, nhanh chóng hơn.
Trên đây là một số chia sẻ của Ms Uptalent về đối thủ cạnh tranh với bạn đọc. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin giá trị và bạn cũng có thể vận dụng chúng để nhận diện, phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet