- 420k
- 1k
- 870
Đạo đức nghề nghiệp luôn được đề cao, được nhắc nhở và khuyến khích thực hiện bằng cả lời nói, hành động và chế tài của pháp luật. Cụm từ này không xa lạ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là gì, các tiêu chuẩn thực hiện đạo đức nghề nghiệp ra sao thì không phải ai cũng hiểu rõ. Ms. Uptalent sẽ dành trọn bài viết hôm nay để chia sẻ tất tần tật về nội dung này một cách súc tích nhất, giúp người lao động dễ dàng nắm bắt và áp dụng hiệu quả.
MỤC LỤC:
1- Đạo đức nghề nghiệp là gì?
2- Tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp
3- Ví dụ về đạo đức nghề nghiệp
4- Tiêu chuẩn thực hiện đạo đức nghề nghiệp
>>> Xem thêm: Việc làm Sản xuất
Mỗi ngành nghề hoạt động trong xã hội đều hướng đến mục đích phục vụ xã hội, phục vụ con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cũng vì mục đích này sẽ có những tiêu chuẩn riêng, bắt buộc hoặc khuyến khích người lao động làm việc trong ngành nghề đó thực hiện.
Đạo đức nghề nghiệp - (tên tiếng Anh là Work Ethics) – chính là tổng hợp của những tiêu chuẩn riêng đó. Cụm từ này đề cập chi tiết đến những chuẩn mực, phẩm chất được pháp luật chế tài hoặc / và được tổ chức doanh nghiệp quy định tương ứng đặc thù của mỗi ngành nghề, mỗi vị trí công việc.
Áp dụng đạo đức nghề nghiệp đúng tiêu chuẩn đặc thù, không chỉ quan trọng đối với người lao động mà còn với cả doanh nghiệp nơi người lao động làm việc.
Đạo đức nghề nghiệp giúp chúng ta hiểu được trình tự và giá trị công việc cần đạt được. Vì vậy, khi một tiêu chuẩn chưa hoàn tất, người lao động sẽ không cho phép bản thân lơ là, mà nỗ lực hoàn thành đủ mới dừng lại. Nhờ vậy, hiệu suất công việc được nâng cao, chất lượng công việc ngày càng hoàn thiện.
Khi đã tham gia vào tập thể, mỗi cá nhân chỉ là một mắt xích nhỏ, không phải là “cái rốn của vũ trụ”. Mỗi thành viên phải tự điều chỉnh “cái tôi” của mình để hòa nhập cùng tập thể, phối hợp làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung. Điều này là một phần đạo đức nghề nghiệp mà bất cứ vị trí công việc nào cũng áp dụng.
Đạo đức nghề nghiệp hướng đến những điều tốt đẹp mà mọi cá nhân trong xã hội (khách hàng, đối tác, người tiêu dùng…) đều mong đợi. Thực hiện công việc phù hợp đạo đức nghề nghiệp cũng chính là phù hợp lòng người. Thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân người lao động sẽ ghi được dấu ấn tốt lâu dài.
>>> Bạn có thể xem thêm: Bí quyết giúp nhà tuyển dụng nhận diện được người trung thực
Trong đạo đức nghề nghiệp có những tiêu chuẩn thuộc có chế tài của pháp luật, bắt buộc phải tuân thủ. Nếu làm sai sẽ bị pháp luật xử phạt, nếu làm đúng sẽ tránh được những vấn đề pháp lý phát sinh, tránh những hệ lụy nguy hại cho sự nghiệp của tổ chức và cá nhân.
Đạo đức nghề nghiệp luôn nêu cao tiêu chuẩn của tình đoàn kết và các quy tắc ứng xử trong tập thể, tiêu biểu như sự tôn trọng, trung thực, công bằng… Càng nhiều người lao động có ý thức thực hiện, càng hạn chế những mâu thuẫn nội bộ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian giải quyết.
Những tiêu chuẩn giúp công việc được hoàn thành tốt nhất đều nằm trong đạo đức nghề nghiệp. Đây là cơ sở nền tảng giúp doanh nghiệp / cá nhân đưa ra quyết định nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian do phân vân, do dự, không để lỡ mất thời cơ hoặc phải ân hận vì quyết định không phù hợp.
Những ví dụ tiêu biểu sau đây sẽ giúp chúng ta hình dung cụ thể hơn các biểu hiện đạo đức nghề nghiệp trong cuộc sống hằng ngày
Giáo dục là một ngành cao cả, giữ nhiệm vụ trồng người cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, những vấn nạn trong ngành giáo dục thời gian qua đã khiến dư luận phải cảnh báo về tình trạng suy thoái, xuống cấp đạo đức nghề nghiệp.
Điển hình như những vụ chê bai phụ huynh hay học sinh trước mặt tập thể chỉ vì không học bán trú, không đóng đủ tiền cơ sở vật chất để lấy thành tích cho giáo viên. Những hành động này rất phi đạo đức, tác động đến sĩ diện, nhân phẩm của một con người, ảnh hưởng tâm lý lâu dài cho cả phụ huynh và học sinh. Với ngành nghề khác đã không đúng, với ngành giáo dục – nơi được giao nhiệm vụ truyền tải, xây dựng giá trị chân - thiện – mỹ cho các lớp người – lại càng sai. Những thầy cô như vậy đều là những người suy đồi đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi những thầy cô giáo vùng cao, điều kiện vật chất thiếu thốn vô cùng,họ vẫn cố gắng bám trường, bám lớp, tăng gia sản xuất, trồng rau nuôi lợn để bán lấy tiền, mua thêm thức ăn cho các trẻ nhỏ để các em có sức học. Vì họ biết, chỉ có trao cho các em con chữ mới là giá trị nền tảng tốt nhất, giúp các em thoát nghèo, và tạo động lực cho thôn bản cùng học tập phát triển. Tấm lòng cao cả ấy mới xứng được gọi là thầy, là cô, mới xứng với đạo đức nghề giáo.
>>> Bạn có thể tham khảo: Đạo đức nghề nghiệp nơi công sở là gì?
Luật sư là đại diện bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, và luật sư cũng là người có được nhiều nguồn thông tin quan trọng có lợi và cả bất lợi cho thân chủ. Một trong những đạo đức nghề nghiệp của người luật sư là phải tuyệt đối giữ bí mật những thông tin này, không để bất cứ tác động nào từ bên ngoài khiến bản thân làm lộ thông tin, gây thiệt hại cho thân chủ.
Vì vậy, một người luật sư có đạo đức nghề nghiệp phải luôn kín tiếng trong hành động, ngay cả người thân cũng không chia sẻ về nội dung hoặc các tình tiết liên quan đến sự vụ mà họ đang biện hộ.
Ví dụ, trong bộ phim Nữ luật sư tóc vàng (Legally Blonde), cô sinh viên trường luật Elle do Reese Witherspoon thủ vai đã giữ đúng lời hứa với thân chủ (nữ huấn luyện viên thể dục cũ của cô), không tiết lộ thời gian xảy ra vụ án cô ấy đang đi phẫu thuật thẩm mỹ vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cô ấy. Dù chính giáo sư nhận Elle vào thực tập, hay cậu người yêu cũ thuyết phục cô nói ra, cô vẫn tuyệt đối giữ bí mật và cố gắng tìm những lập luận khác để bảo vệ thân chủ.
Trong phạm vi bài viết này, Ms. Uptalent chỉ đề cập đến những tiêu chuẩn chung trong đạo đức nghề nghiệp thuộc mọi ngành nghề. Dựa trên những tiêu chuẩn chung này, mỗi doanh nghiệp sẽ kết hợp cùng đặc thù tính chất công việc để kiến tạo nên tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của riêng tổ chức:
Mỗi nhân sự đều có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cần hoàn thành. Đã tham gia vào tổ chức, có lĩnh lương theo đúng thỏa thuận thì mỗi người phải tự chủ động làm việc của mình, không dựa dẫm hoặc ỷ lại vào người khác. Tránh tạo gánh nặng cho đồng nghiệp, tránh ảnh hưởng hiệu suất làm việc của tập thể.
Công việc thực thi độc lập nhưng mọi quyết định trong công việc đều cần có sự xem xét toàn diện, lấy lợi ích của tập thể, quy định của tổ chức làm định hướng hành động. Không được dựa trên quan điểm hay kinh nghiệm của cá nhân để ra quyết định, vì điều bạn cho là đúng chưa chắc sẽ phù hợp ở tình huống hiện tại.
Phân biệt đúng sai, trắng đen, thị phi để không a dua cùng những lời nói, hành động trái chuẩn mực, gây tổn thương và bất công cho bất kỳ một cá nhân nào. Sống trong sạch, liêm khiết, không tham quyền, tham lợi mà làm sai trái, gây hậu quả cho tập thể chỉ vì lợi ích nhất thời của bản thân.
Tính chất công việc của mỗi cá nhân được khoanh vùng lại, nhằm đảm bảo mức độ chuyên môn hóa cao. Phạm vi không rộng nên mỗi người lao động phải chủ động nâng cao kiến thức nghiệp vụ, áp dụng chuẩn mực vào quá trình triển khai công việc, hạn chế tối đa sai sót, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Tôn trọng lẫn nhau là nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Trong từng lời nói, hành động hãy đặt mình vào vị trí người khác trước khi thực hiện, như vậy, bạn sẽ không phải ân hận vì lỡ làm tổn thương họ, không phải tiếc nuối để mất đi một mối quan hệ tốt đẹp.
Những phát sinh trong công việc có thể khiến bạn phải làm thêm giờ. Nhiều người viện lý do đã hết giờ làm việc, để mai giải quyết, nhưng liệu mai có kịp không, có phát sinh vấn đề gì thêm hay không? Chúng ta cần ý thức rằng, một nhiệm vụ nhỏ của ta khi hoàn thành trọn vẹn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm một yếu tố để thành công trọn vẹn. Thỉnh thoảng hy sinh một chút quyền lợi cá nhân chính là thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong đạo đức nghề nghiệp.
“Ăn cây nào, rào cây ấy”, trong công việc cũng vậy, doanh nghiệp là nơi cho bạn công việc, trả lương cho bạn, mang đến những lợi ích cụ thể ngay trước mắt. Vì vậy, đừng vì những lời hứa hẹn viển vông, hay vì những lợi ích ngắn hạn mà quên đi sự trung thành cần có. Hãy kiên định trước những cám dỗ, hình ảnh đạo đức nghề nghiệp của bạn sẽ luôn được trân trọng.
Đạo đức nghề nghiệp cho chúng ta biết những chuẩn mực, tiêu chuẩn công việc mà một cá nhân cần đáp ứng, cần tuân thủ trong quá trình làm việc. Các tiêu chuẩn thực hiện đạo đức nghề nghiệp sẽ có nét chung và cả nét riêng đặc thù của ngành nghề. Ms. Uptalent hy vọng qua bài viết này, những người đang làm nghề và cả những người sắp chọn nghề sẽ có cái nhìn đúng đắn về những gì mình sẽ mang đến và sẽ trao đi trong quá trình triển khai công việc.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet