- 420k
- 1k
- 870
Các tổ chức, doanh nghiệp lớn đang phải đứng trước mối đe dọa về an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu. Vì vậy, vai trò của CISO càng trở nên quan trọng hơn.
Trong bài viết này, Ms Uptalent sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin thú vị nhất về vị trí CISO này. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn CISO là gì?
MỤC LỤC:
1- CISO là chức danh gì?
2- Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CISO
3- Mô tả công việc
4- Mức lương CISO là bao nhiêu?
5- Làm sao để trở thành CISO
6- Tại Việt Nam có CISO không?
Xem thêm >>>> Việc làm IT tại HRchannels.com
CISO là viết tắt của “Chief of Information Security Officer”. Tại Việt Nam chức danh này thường được gọi là Trưởng phòng Bảo mật hay Giám đốc an toàn thông tin.
Người có thể đảm nhận vai trò CISO phải có sự am hiểu sâu sắc về bảo mật. Họ là chuyên gia bảo vệ dữ liệu hàng đầu trong các công ty, tổ chức. Vì là vị trí điều hành cấp C nên CISO sẽ báo cáo công việc trực tiếp cho CEO (Giám đốc điều hành).
CISO được xem là đỉnh cao nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Toàn bộ những nỗ lực của họ đều tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu và thông tin của tổ chức, doanh nghiệp. Họ cũng phối hợp với Giám đốc công nghệ (CTO) và Giám đốc thông tin (CIO) để thực thi các chiến lược bảo mật.
Chief of Information Security Officer giữ vai trò rất quan trọng trong các tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, họ sẽ phải thiết lập các kế hoạch, chiến lược và thực hiện việc triển khai nhằm bảo vệ an toàn dữ liệu cùng những tài sản khác của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, CISO cũng giữ vai trò của người thiết lập các quy tắc an ninh mạng và giám sát việc tuân thủ để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu. Điều này sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp không phải gánh chịu những thiệt hại về tài chính và danh tiếng.
Ngoài việc đảm bảo vấn đề an toàn dữ liệu, CISO còn giữ vai trò của một đầu mối liên kết. Họ sẽ phải giữ cho mọi thứ luôn gắn bó chặt chẽ với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động toàn bộ công ty, tổ chức.
CISO có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ thông tin, dữ liệu được lưu trữ đúng nơi và chỉ có thể được truy cập bởi những người có thẩm quyền cũng như cần sử dụng đến nó.
Về cơ bản, CISO sẽ có những chức năng sau:
+ Lập kế hoạch, chiến lược: CISO có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, chiến lược nhằm phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về an ninh thông tin. Họ phải đảm bảo các dữ liệu và những tài sản liên quan đến thông tin của doanh nghiệp luôn được lưu trữ, kiểm soát và sử dụng đúng người, đúng việc.
+ Thiết lập các quy tắc bảo mật: CISO là những chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực an ninh mạng. Họ sẽ phải vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để xây dựng các quy tắc, quy trình cần thiết nhằm phục vụ cho việc bảo vệ an toàn dữ liệu.
+ Giám sát: với vai trò của người đứng đầu bộ phận an ninh thông tin, CISO có trách nhiệm giám sát hiệu quả công việc của những nhân viên an ninh khác trong doanh nghiệp. Họ phải đảm bảo nhân viên an ninh nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc bảo mật đã được thiết lập.
Nhìn chung, Giám đốc an toàn thông tin sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ chính sau:
- Vận hành hệ thống bảo mật thông tin của doanh nghiệp.
- Đánh giá cơ sở hạ tầng, các biện pháp bảo mật cũng như phương án quản lý rủi ro của doanh nghiệp.
- Lên kế hoạch, triển khai các quy trình nhằm đảm bảo hệ thống bảo mật của doanh nghiệp luôn an toàn.
- Nắm bắt nhanh những nguy cơ, rủi ro thất thoát thông tin và xử lý vấn đề một cách hiệu quả.
- Ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến gian lận thông tin và nguy cơ mất mát dữ liệu trong doanh nghiệp.
- Điều tra, phân tích các trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề thông tin.
- Xây dựng cơ chế bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.
- Quản lý các chương trình bảo mật, đảm bảo hệ thống thông tin của doanh nghiệp luôn an toàn.
- Báo cáo công việc cho CEO và Ban giám đốc.
Tham khảo >>>> 15 câu hỏi phỏng vấn ngành công nghệ thông tin
Một CISO giỏi phải có tầm nhìn và chiến lược bảo mật sâu rộng cho doanh nghiệp. Họ cũng phải đưa ra được giải pháp phù hợp nhằm giữ cho các tài sản thông tin của doanh nghiệp luôn được bảo vệ tốt nhất.
Công việc của CISO liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mô tả công việc của CISO thường bao gồm những việc sau đây:
- Phân tích, kiểm tra các mối đe dọa cũng như những nguy cơ có thể gây hại đến hệ thống thông tin và nhanh chóng xử lý khi phát hiện sự cố.
- Nhận biết các nguy cơ đe dọa đến an ninh thông tin, giải thích cho CEO các vấn đề an ninh tiềm ẩn có thể phát sinh.
- Lên kế hoạch và mua sắm các phần cứng, phần mềm bảo mật.
- Xây dựng kết cấu bảo mật phù hợp cho doanh nghiệp.
- Ngăn ngừa nhân viên trong nội bộ công ty lạm dụng quyền để thay đổi hay đánh cắp dữ liệu, đảm bảo chỉ những người có quyền mới có thể truy cập vào hệ thống dữ liệu.
- Cập nhật các bản vá hệ thống nhằm giảm thiểu các rủi ro về an ninh thông tin.
- Tìm hiểu nguyên nhân gây ra các sự cố an ninh và có biện pháp phòng ngừa không để điều đó tiếp tục tái diễn.
- Kiểm tra các tài sản thông tin, dữ liệu và các tài sản kỹ thuật số của công ty. Nhận biết rõ những mối đe dọa sẽ phải đối mặt, từ đó có biện pháp giảm thiểu thiệt hại.
- Giữ cho hệ thống bảo mật của doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Khi có vi phạm xảy ra cần tiến hành đánh giá và có biện pháp xử lý nhanh chóng.
- Thiết lập các chính sách bảo mật và đảm bảo chúng được phát triển theo đúng các tiêu chuẩn bảo mật đã xác định trước đó.
- Tham gia việc tuyển chọn các chuyên gia bảo mật, hướng dẫn, đào tạo cho họ nhằm giúp họ có thể thăng tiến lên các cấp bậc cao hơn.
- Thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo nhằm giúp người dùng nâng cao nhận thức cũng như khả năng thực hiện việc bảo mật.
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng cho hệ thống an ninh trong công ty.
- Xem xét vấn đề tài chính, dự đoán các chi phí cần thiết cho việc duy trì các tài sản thông tin của doanh nghiệp cũng như phát triển các sáng kiến mới để bảo vệ an toàn thông tin.
- Lập báo cáo về tình trạng bảo mật cho CEO.
Theo ghi nhận, mức lương bình quân của CISO tại Việt Nam vào khoảng 24,1 triệu/tháng. Mức lương thường dao động từ 11,3 – 38,1 triệu/tháng.
Lương của Giám đốc an toàn thông tin sẽ có thay đổi do chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như: kinh nghiệm làm việc, năng lực, vai trò công việc đảm nhận,…
Trong đó, kinh nghiệm là yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến mức lương CISO nhận được. Cụ thể:
- Dưới 2 năm kinh nghiệm, lương sẽ khoảng 13,1 triệu/tháng.
- Từ 2 – 5 năm kinh nghiệm, lương sẽ khoảng 18 triệu/tháng.
- Từ 5 – 10 năm kinh nghiệm, lương sẽ khoảng 25,7 triệu/tháng.
- Từ 10 – 15 năm kinh nghiệm, mức lương khoảng 31,3 triệu/tháng.
- Từ 15 – 20 năm, mức lương vào khoảng 33,1 triệu/tháng.
- Trên 20 năm, mức lương sẽ rơi vào khoảng 36 triệu/tháng.
Công việc của CISO luôn rất phức tạp và nhiều áp lực. Vì vậy, bạn phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định nếu muốn trở thành CISO.
Chief of Information Security Officer cần có tối thiểu bằng tốt nghiệp Đại học Khoa học máy tính, An ninh mạng, kinh doanh hoặc các lĩnh vực liên quan. Có một số doanh nghiệp lại yêu cầu CISO phải có bằng Thạc sĩ về Hệ thống và Công nghệ thông tin, An ninh mạng, Công nghệ thông tin và Quản lý, Khoa học máy tính hoặc Khoa học pháp y kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lấy thêm các chứng chỉ khác như:
- CISSP: Chuyên gia bảo mật hệ thống thông tin.
- CCISO: Giám đốc an ninh thông tin.
- CISM: Giám đốc bảo mật thông tin.
- CEH: Hacker đạo đức.
- OSCP: Chuyên gia về bảo mật tấn công.
- CISA: Kiểm toán hệ thống thông tin.
- GSLC: Lãnh đạo an ninh GIAC
- CGEIT: Chứng nhận về Quản trị CNTT doanh nghiệp.
Quan tâm >>>>> Con đường đi đến Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) hàng đầu
Một CISO nhất định phải có kinh nghiệm làm việc nhiều năm về an toàn thông tin và sự hiểu biết vững chắc các kiến thức kỹ thuật.
Thông thường, bạn chỉ có thể trở thành CISO khi có từ 6 – 12 năm kinh nghiệm làm việc, trong đó phải có tối thiểu 5 năm đảm nhận vai trò quản lý.
Vị trí CISO có đòi hỏi cao về cả kiến thức kỹ thuật và kinh doanh. Để có thể thăng tiến lên vị trí này, bạn sẽ phải thành thạo bộ kỹ năng đa dạng.
Dưới đây là những kỹ năng quan trọng rất cần thiết cho một CISO:
+ Kỹ năng chuyên môn: Gồm có kiến thức về kiến trúc bảo mật; các khái niệm về mạng máy tính (DNS, xác thực, VPN, dịch vụ proxy và DDOS); kiến thức về ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành, đánh giá tuân thủ (PCI, HIPAA, NIST, GLBA và SOX); các khuôn khổ (ISO 27001/27002, ITIL và COBIT); các giao thức đối phó phát hiện xâm nhập, ngăn chặn xâm nhập và tường lửa; các khái niệm về mã hoá an toàn.
+ Kỹ năng mềm: Bao gồm kỹ năng giao tiếp, đàm phán, xử lý vấn đề, khả năng hợp tác, giao dịch với các bên liên quan và có thể xây dựng mối quan hệ với các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, tổ chức ngày càng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ và dữ liệu vào quá trình quản lý, vận hành. Mặt khác, các nguy cơ an ninh mạng cũng liên tục phát triển và xảy ra ngày càng nhiều.
Chính những nguyên do này đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp cần đến CISO trong bộ máy của mình. Sự xuất hiện của CISO sẽ giúp họ xử lý các vi phạm về an ninh thông tin, thiết lập kế hoạch ứng phó và tương tác với các cơ quan pháp luật.
Nhìn chung, bật kể doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có nhu cầu tuyển dụng CISO. Trong đó, những ngành có nhu cầu lớn nhất phải kể đến như: Ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, CNTT, logistic, hàng không, dịch vụ chính phủ,…
Hy vọng với những thông tin Ms Uptalent vừa chia sẻ có thể giúp bạn hiểu đầy đủ CISO là gì. Từ đó, bạn sẽ thêm yêu thích vị trí này và có định hướng nghề nghiệp tốt nhất để trở thành một CISO giỏi trong tương lai. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet