- 420k
- 1k
- 870
Nhân sự là tài nguyên vô giá, doanh nghiệp dù hiện đại đến mấy thì máy móc cũng không thể hoàn toàn thay thế con người. Do đó, phòng nhân sự là phòng ban bắt buộc phải hiện hữu tại mọi loại hình tổ chức, kéo theo cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho các vị trí triển khai công tác nhân sự. Trong đó tuyệt đối không thể thiếu vai trò chuyên viên nhân sự mà Ms. Uptalent đề cập hôm nay.
MỤC LỤC:
1. Chuyên viên nhân sự là gì?
2. Mô tả công việc của chuyên viên nhân sự
3. Danh sách kỹ năng quan trọng đối với chuyên viên nhân sự
4. Mặt bằng lương dành cho chuyên viên nhân sự
Xem thêm >>>> Việc làm Nhân sự tại HRchannels.com
Chuyên viên Nhân sự (hay HR Executive) là người chịu trách nhiệm thực thi các kế hoạch nhân sự đề ra, tổng hợp dữ liệu báo cáo và đưa ra các đề xuất nhân sự cho bản kế hoạch nhân sự chung của doanh nghiệp. Khía cạnh công việc được ủy thác cho chuyên viên nhân sự rất đa dạng. Doanh nghiệp nhỏ thì chuyên viên nhân sự có thể đa năng đảm nhận, nhưng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì đa phần sẽ chia theo các mảng nhiệm vụ lớn:
C&B là viết tắt của Compensation and Benefits, người phụ trách vị trí này sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất, lên kế hoạch và triển khai những nhiệm vụ thiên về mảng lương thưởng và chính sách phúc lợi cho từng vị trí, từng bộ phận trong doanh nghiệp. Đảm bảo giữ chân nhân tài gắn bó và an tâm mọi vấn đề từ môi trường làm việc, thưởng phạt công bằng, mức thu nhập và quyền lợi hợp pháp có được.
Tìm kiếm nhân tài mới về cho tổ chức chính là trọng tâm nhiệm vụ của chuyên viên tuyển dụng. Dựa trên các yêu cầu tìm kiếm nhân sự, chuyên viên sẽ liên hệ các nguồn cung ứng viên phù hợp để thu hút lượng ứng viên tiềm năng cho mọi vị trí từ công nhân viên đến quản lý cao cấp. Mục tiêu chiêu mộ thành công nhân sự giỏi với nguồn lực tuyển dụng tiết kiệm nhất cho tổ chức.
Những ngành nghề đặc thù, những doanh nghiệp có văn hóa hoặc có hệ thống làm việc chuyên biệt đều cần đến đội ngũ chuyên viên nhân sự đào tạo. Nhiệm vụ của HR Executive ngoài việc tổng hợp thông tin, xây dựng giáo trình, còn là người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nhân sự mới tiếp quản công việc theo đúng quy chuẩn, đúng văn hóa mà doanh nghiệp đã dày công gầy dựng, đảm bảo guồng máy vận hành ổn định, không phát sinh bất cứ trục trặc sai sót nào khi nhân sự mới chính thức được nhận.
Tham khảo >>>> HR là gì? Các vị trí và công việc trong ngành HR
Nhìn vào bảng mô tả công việc của một chuyên viên nhân sự, chúng ta sẽ thấy hàng loạt nhiệm vụ chủ chốt sau:
Quản lý, lưu trữ và trích xuất nhanh hồ sơ của mỗi nhân sự trong doanh nghiệp
Cập nhật liên tục tình hình thay đổi nhân sự trong tổ chức
Soạn thảo hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động
Theo dõi quá trình hoàn thiện thủ tục ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật
Tiếp nhận yêu cầu bổ sung nhân lực từ các phòng ban
Lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới
Phối hợp cùng các phòng chuyên môn để sàng lọc, đánh giá và lựa chọn nhân sự
Đào tạo, hỗ trợ nhân sự trúng tuyển tiếp quản công việc
Theo dõi kết quả thử việc của nhân sự trúng tuyển
Chấm công đầy đủ, bố trí không gian và cơ sở làm việc phù hợp tính chất công việc.
Truyền đạt mọi quy định về quyền lợi, trách nhiệm, thông báo khẩn… đến toàn tổ chức
Kiểm soát quá trình tuân thủ quy định, nội quy của nhân viên
Thiết lập mối quan hệ tốt với mọi nhân sự trong tổ chức
Xử lý và giải quyết khiếu nại từ nhân viên.
Tạo điều kiện để người lao động an tâm làm việc, cũng như phản ánh tiêu cực trong công việc
Tổ chức các hoạt động liên hoan, tất niên, du lịch… định kỳ hằng năm
Trên đây là những nhiệm vụ chung mà HR Executive tại những doanh nghiệp nhỏ sẽ đảm nhận. Còn với những doanh nghiệp quy mô lớn, mỗi chức danh chuyên viên nhân sự sẽ có những phần công việc chuyên sâu bổ sung:
Chuyên viên C&B
Định kỳ hoặc bất ngờ xuống tận khu vực nhân viên làm việc để khảo sát thực tế quá trình triển khai
Biên soạn mô tả công việc theo từng chuyên môn cụ thể
Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu suất làm việc (KPI) phù hợp từng vị trí
Thu thập số liệu đánh giá hiệu quả công việc minh bạch, công bằng từ nhiều nguồn như trưởng phòng, trưởng bộ phận, đối tác/ khách hàng…
Sử dụng phần mềm, công cụ chuyên nghiệp để tiến hành phân tích và đề xuất lương, thưởng, phạt…
Liên kết chặt chẽ các nguồn cung nhân lực như trường đại học/ cao đẳng, trang web trực tuyến, mối quan hệ nội bộ ngành…
Biên soạn bảng câu hỏi phỏng vấn sát yêu cầu công việc để đánh giá đúng năng lực ứng viên
Xây dựng kho dữ liệu ứng viên dự phòng
Ứng dụng phần mềm đánh giá nhân sự vào tuyển dụng để đẩy nhanh tiến độ và tăng hiệu quả chiêu mộ nhân tài.
Chuyên viên nhân sự mảng đào tạo
Gắn kết chặt chẽ cùng phòng ban chuyên môn để nắm rõ những thay đổi và yêu cầu đặc thù trong nội dung làm việc
Nghiên cứu hình thức đào tạo phù hợp (cá nhân 1 – 1 hoặc theo lớp)
Quan tâm >>> Lộ trình thăng tiến của một HR
Quản trị nhân sự là công việc được ví von “làm dâu trăm họ”, bởi lẽ, đối tượng triển khai nhiệm vụ của họ hầu hết đều là người lao động với những năng lực, tính cách, quan điểm, mong muốn khác nhau. Muốn trở thành chuyên viên nhân sự giỏi thì đây là những kỹ năng, kiến thức mà bạn cần trau dồi nhiều nhất:
Tiêu chuẩn quản lý nhân sự riêng trong từng tổ chức có thể khác nhau, nhưng những tiêu chuẩn đó tuyệt đối không thể đi ngược lại những gì pháp luật lao động quy định. Điều này cho thấy, kiến thức chuyên sâu về pháp luật trong quản lý người lao động là yêu cầu bắt buộc đối với chuyên viên nhân sự.
Làm thế nào để:
Hoạch định nguồn nhân sự hiệu quả
Xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự tinh gọn, chuyên nghiệp
Khai thác nhiều thông tin nơi ứng viên thông qua buổi phỏng vấn
Đào tạo nhân viên mới nắm rõ quy tắc văn hóa ứng xử trong thời gian ngắn…
Tất cả những điều này cần được tích lũy liên tục trong quá trình bạn còn là một nhân viên nhân sự mới bước vào ngành. Thời gian không dài đâu, chỉ khoảng 1 – 2 năm, nên bạn cần tập trung học hỏi từ thực tế càng nhiều càng tốt.
Mỗi con người là một thực thể độc lập với những quan niệm và tính cách khác nhau. Chuyên viên nhân sự lại phải thường xuyên làm việc cùng con người, nếu sở hữu kỹ năng giao tiếp đắc nhân tâm, HR Executive sẽ rất dễ dàng truyền đạt thông tin tới nhiều đối tượng khác nhau, dễ thu phục lòng người để kiến tạo một lực lượng lao động chất lượng trong môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, càng thấu hiểu lòng người, chuyên viên nhân sự sẽ càng thuận lợi gắn kết họ cùng những kỳ vọng mà doanh nghiệp đang mong đợi. Điển hình như chuyên viên nhân sự tuyển dụng càng hiểu được tiêu chuẩn tìm kiếm môi trường làm việc của ứng viên, càng dễ điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển dụng để có được nhân tài. Nếu bạn có thiên phú năng lực này thì quá tốt, còn không thì hoàn toàn có thể rèn luyện thông qua sự quan tâm, gắn kết cùng tập thể.
Nhân sự có thể ngại giao tiếp cùng Sếp nhưng đừng để họ cảm thấy ngại giao tiếp cùng chuyên viên nhân sự. Nếu bạn làm được điều này, bạn chính là một HR Executive có kỹ năng kết nối cá nhân rất tốt. Hãy tạo môi trường giao tiếp hòa nhã, chân thành, tôn trọng, để nhân viên an tâm khi tìm đến bạn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Bạn phải là người ghi nhận và cũng là người có trách nhiệm giúp nhân viên giải quyết những điều đó. Lòng tin chính là sợi dây liên kết mạnh mẽ nhất.
Mâu thuẫn giữa nhân viên và nhân viên, giữa nhân viên và tổ chức ít nhiều đều sẽ xảy ra trong doanh nghiệp. Là một người đứng giữa, bạn sẽ không dễ dàng để đưa ra giải pháp triệt để cho một bên nào cả, thay vào đó bạn phải dung hòa quyền lợi cho các bên để mọi người đồng ý chấp nhận giảm lợi ích một chút, tăng trách nhiệm một chút. Muốn vậy, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn với sự linh hoạt trong ngôn từ diễn giải và khả năng thuyết phục tốt sẽ là trợ thủ đắc lực trong tình huống này.
Thị trường lao động biến động thế nào, tình hình nhân sự nội bộ thay đổi ra sao, các thang điểm để đánh giá đúng năng lực nhân viên… đều sẽ cần đến khả năng thu thập dữ liệu và phân tích thông tin. Nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư hẳn một phần mềm quản lý nhân sự chuyên dụng, có sẵn chức năng phân tích. Nếu không, bạn có thể sử dụng Excel để thực hiện phân tích ở quy mô nhỏ.
Chuyên viên nhân sự là người giúp doanh nghiệp duy trì môi trường làm việc kỷ luật, nghiêm túc, khích lệ tinh thần làm việc của tập thể thông qua những quy định, chính sách thưởng phạt… Vì vậy trước hết, bản thân chuyên viên nhân sự phải là người làm việc nghiêm túc, công tâm, có tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao.
Chuyên viên nhân sự giúp doanh nghiệp xây dựng và củng cố nguồn tài nguyên vô giá nên vai trò rất quan trọng. Cùng với tầm quan trọng này là mức lương tăng đều theo kinh nghiệm:
Kinh nghiệm 2 - 4 năm: 9 – 13 triệu đồng/tháng
Kinh nghiệm trên 5 năm: 14 – 18 triệu đồng/tháng
Kinh nghiệm trên 5 năm và giữ vị trí quản lý có thể lên đến 30 triệu đồng/ tháng hoặc hơn.
Chuyên viên nhân sự là vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao ở mọi thời đại do ngành nghề nào, loại hình kinh doanh nào cũng cần đến bộ phận quản lý nhân sự. Chính vì vậy, lựa chọn phát triển theo con đường chuyên viên nhân sự là định hướng mà Ms. Uptalent rất khuyến khích các bạn ứng viên theo đuổi.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet