- 420k
- 1k
- 870
Phòng sản xuất là bộ phận không thể thiếu trong các doanh nghiệp sản xuất. Phòng ban này chịu trách nhiệm quản lý hoạt động sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. Vậy chức năng, nhiệm vụ phòng sản xuất là gì? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Ms Uptalent nhé!
NỘI DUNG GỒM:
Sản xuất là gì?
Chức năng của phòng sản xuất
Nhiệm vụ của phòng sản xuất
Mối liên hệ giữa phòng sản xuất và các phòng ban khác
Các nhân tố quản trị sản xuất hiện đại hiện nay
Tham khảo mô hình quản lý nhà máy lớn
Xem thêm >>> Việc làm Sản xuất lương cao HRchannels
Sản xuất là hoạt động kết hợp các yếu tố đầu vào bao gồm lao động, vốn hiện vật, đất đai và năng lực kinh doanh để tạo ra hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động này chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp và do người quản lý doanh nghiệp điều hành.
Thông thường hoạt động sản xuất sẽ được thực hiện tại các nhà máy, xưởng sản xuất của doanh nghiệp. Những nơi được dùng để sản xuất các sản phẩm của doanh nghiệp được gọi là phòng sản xuất.
Công việc của phòng sản xuất rất quan trọng. Đồng thời bao gồm nhiều bộ phận với những chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, trách nhiệm giám sát, điều phối và đảm bảo tiến độ sản xuất thuộc về người quản lý sản xuất.
>>>> Xem thêm: Trưởng phòng sản xuất: Nhiệm vụ, vai trò, chức năng
Phòng sản xuất của một doanh nghiệp là bộ phận tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp. Đứng đầu phòng sản xuất là Giám đốc sản xuất. Những thành viên khác của bộ phần này gồm có kỹ thuật viên, kỹ sư, nhà thiết kế, vận hành máy,…
Về cơ bản phòng sản xuất có khá nhiều chức năng. Sau đây là một số chức năng phổ biến nhất:
+ Tham mưu cho Ban lãnh đạo công ty về công tác sản xuất, tồn trữ và bảo quản các thiết bị, máy móc.
+ Thực hiện quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, giao nhận hàng hóa phục vụ cho nhu cầu kinh doanh.
+ Chịu trách nhiệm thiết kế hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp.
+ Kiểm soát mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất. Bằng cách kiểm soát sản xuất, phòng sản xuất có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực, máy móc, lao động một cách hợp lý, giảm thiểu lãng phí.
+ Thực hiện hoạt động nghiên cứu nhằm cải thiện các sản phẩm của doanh nghiệp bằng cách thay đổi hoặc đổi mới một phần hay toàn bộ sản phẩm.
+ Quản lý chi phí sản xuất, đảm bảo sản xuất sản phẩm với chi phí thấp nhất để tối đa hóa lợi nhuận.
+ Đảm bảo công ty luôn có sẵn nguyên liệu cần thiết cho sản xuất.
+ Đảm bảo máy móc, thiết bị dùng trong sản xuất luôn được bảo trì, bảo dưỡng đúng cách.
+ Quản lý và đánh giá chất lượng sản phẩm.
Trách nhiệm chính của phòng sản xuất là chuyển đổi nguyên vật liệu thô và các yếu tố đầu vào khác thành sản phẩm cuối cùng. Đồng thời còn có trách nhiệm nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất nhằm đạt được mục tiêu sản lượng đề ra và đảm bảo giá trị cũng như chất lượng của thành phẩm làm ra luôn tốt nhất.
Sau đây là những nhiệm vụ chính của phòng sản xuất:
Dựa trên thông tin về số lượng hàng hóa cần sản xuất trong một khung thời gian nhất định, phòng sản xuất sẽ xác định lượng nguyên vật liệu và các loại máy móc cần thiết để đạt được mục tiêu sản xuất. Họ sẽ phải phối hợp với phòng mua hàng tìm nguồn đầu vào nếu không có đủ. Đồng thời đề nghị công ty thuê thêm nhân sự nếu thiếu nhân lực.
Khi đã có đủ các yếu tố đầu vào, phòng sản xuất sẽ lên lịch trình sản xuất. Cụ thể họ sẽ lập kế hoạch với các nhiệm vụ cần thực hiện xuyên suốt quy trình sản xuất và phân bổ nhiệm vụ cho từng bộ phận liên quan.
Để làm giảm giá thành sản phẩm, phòng sản xuất cần giữ cho máy móc, thiết bị sản xuất luôn được bảo dưỡng tốt để không phát sinh chi phí sửa chữa. Bên cạnh đó, cần tư vấn cho Ban giám đốc các công nghệ sản xuất mới, cũng như đánh giá dây chuyền sản xuất để tìm ra biện pháp cắt giảm chi phí.
Phòng sản xuất có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu. Không những kiểm tra phát hiện lỗi sản phẩm trong quá trình sản xuất, bộ phận này còn phải đảm bảo kiểm tra nghiêm ngặt các mẫu sản phẩm mới trước khi cho sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, phòng sản xuất còn phải tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm.
>>>> Có thể bạn quan tâm: 14 câu hỏi phỏng vấn ứng viên sản xuất
Phòng sản xuất có trách nhiệm thu thập các thông tin liên quan đến sản phẩm được làm ra và cung cấp cho bộ phận nghiên cứu phát triển để bộ phận này cải tiến các sản phẩm hiện có của công ty.
Ngoài các nhiệm vụ kể trên, phòng sản xuất còn có nhiệm vụ:
- Sắp xếp, bảo quản hàng hóa và kiểm soát các điều kiện bảo quản.
- Đảm bảo trật tự, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc.
Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp cũng như cơ cấu tổ chức mà sẽ có các phòng ban như: phòng chất lượng, sản xuất, kỹ thuật, mua hàng, vật tư, logistics, kho vận, kế hoạch,… Mỗi phòng ban này là một mắt xích và liên kết chặt chẽ với nhau để vận hành doanh nghiệp như một thể thống nhất.
Sẽ có doanh nghiệp chọn cách gộp một số phòng ban hoặc cho người kiêm nhiệm đồng thời nhiều phòng ban. Nhưng nhìn chung quy trình làm việc và chức năng, nhiệm vụ sẽ không thay đổi.
Theo đó phòng sản xuất sẽ phối hợp với các bộ phận, phòng ban khác để đạt được các mục tiêu sản lượng hàng hóa. Chẳng hạn như:
+ Phòng mua hàng: phòng sản xuất sẽ phối hợp với bộ phận mua hàng của công ty để đảm bảo luôn có đủ nguyên vật liệu, các loại máy móc, thiết bị cần thiết cho sản xuất.
+ Phòng chất lượng: đảm bảo các sản phẩm tạo ra luôn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu.
+ Phòng logistics: đảm bảo việc cung ứng các loại sản phẩm, dịch vụ luôn đúng thời hạn và đạt hiệu quả tối ưu
+ Marketing: phòng sản xuất sẽ thông tin cho phòng tiếp thị biết khi nào sản phẩm hoàn thành. Còn phòng tiếp thị sẽ cho phòng sản xuất biết sản phẩm nào có lợi nhuận tốt.
+ Phòng kỹ thuật: đảm bảo dây chuyền sản xuất vận hành đúng cách và đạt hiệu suất tốt nhất. Cũng như đảm bảo việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị sản xuất đúng quy định.
Tóm lại, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng sản xuất và các phòng ban khác mà doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng với chi phí tối thiểu. Từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với công ty đối thủ trên thị trường và nâng cao uy tín trong mắt người tiêu dùng.
Quản trị sản xuất được hiểu là quá trình hoạch định, tổ chức triển khai và kiểm tra hệ thống sản xuất của doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố trung tâm là quản trị quá trình chuyển đổi nhằm chuyển các yếu tố đầu vào thành sản phẩm đầu ra sau cùng theo các mục tiêu xác định từ trước.
Hiện nay có 5 nhân tố chính ảnh hưởng đến quản trị sản xuất hiện đại, bao gồm:
+ Chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các thách thức về chi phí sản xuất
+ Sự phát triển của các kỹ thuật sản xuất hiện đại
+ Sự tăng trưởng liên tục trong ngành dịch vụ
+ Sự khan hiếm tài nguyên sản xuất
+ Các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội
Phụ thuộc vào quy mô, đặc thù ngành nghề mà mỗi doanh nghiệp sẽ có mô hình quản lý sản xuất riêng biệt. Dựa trên tiêu chí về chức năng, chúng ta sẽ có mô hình quản lý sản xuất phổ biến sau:
+ Bộ phận quản lý (Giám đốc sản xuất, Trưởng phòng – Phó phòng sản xuất): Đây là bộ phận đầu não của phòng sản xuất. Chức năng chính của bộ phận này là tham mưu cho Ban giám đốc về việc hoạch định, tổ chức sản xuất, bố trí nguồn lực và khai thác hiệu quả dây chuyền sản xuất.
+ Bộ phận sản xuất chính: là bộ phận trực tiếp làm ra sản phẩm chính.
+ Bộ phận sản xuất phụ trợ: hỗ trợ cho sản xuất chính và đảm bảo hoạt động sản xuất chính diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.
+ Bộ phận sản xuất phụ: có trách nhiệm tận dụng phế liệu, phế phẩm từ sản xuất chính để tạo ra các sản phẩm phụ.
+ Bộ phận phục vụ sản xuất: chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng, bảo quản, cấp phát, vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm và dụng cụ sản xuất.
Trên đây là những thông tin về chức năng, nhiệm vụ phòng sản xuất mà bạn cần nắm rõ. Làm việc trong phòng sản xuất tức là mỗi khi có công việc phát sinh bạn sẽ phải tăng ca để xử lý. Vì vậy bạn cần rèn luyện thật tốt cả về kiến thức, kỹ năng, có tinh thần trách nhiệm và sức khỏe để luôn đảm bảo hiệu suất công việc. Hy vọng những gì Uptalent chia sẻ trong bài viết này có ích với bạn. Chúc bạn thành công và đừng quên theo dõi Uptalent để khám phá những thông tin nghề nghiệp thú vị khác nhé!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet