- 420k
- 1k
- 870
Công việc trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng luôn được đánh giá cao vì có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và mức lương cao. Nhưng, bên cạnh những ưu điểm thì đây cũng là ngành nghề có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với những người có ít kinh nghiệm như Fresher. Sau đây, bạn hãy theo dõi chia sẻ của một Fresher lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng để hiểu rõ hơn về công việc trong lĩnh vực này nhé.
MỤC LỤC
1- Khái niệm Fresher là gì?
2- Công việc của một Fresher trong ngành Tài chính – Ngân Hàng
3- Những khó khăn của một Fresher trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng
3.1- Thách thức về kiến thức, kỹ năng
3.2- Cường độ và thời gian làm việc lớn
3.3- Công việc có nhiều rủi ro
3.4- Chưa có nhiều mối quan hệ xã hội
4- Cách khắc phục những khó khăn trong vị trí này
Fresher là thuật ngữ thường được các chuyên gia nhân sự dùng để gọi những bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp hoặc đang bắt đầu trải nghiệm công việc thực tế.
Đặc trưng lớn nhất của các Fresher là được trang bị đầy đủ kiến thức nhưng chưa được vận dụng những gì đã học vào thực tế bao giờ. Bên cạnh đó, Fresher cũng là những người năng động, tràn đầy sự tươi mới và khát khao thể hiện năng lực cũng như định vị bản thân.
Một người được xem là Fresher trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng khi người đó không có hoặc có rất ít kinh nghiệm làm việc. Thông thường, bạn chỉ được coi là một Fresher khi có kinh nghiệm làm việc dưới 6 tháng. Trong trường hợp bạn là sinh viên mới tốt nghiệp nhưng có kinh nghiệm làm việc 1 – 2 năm thì không được coi là một Fresher nữa.
Hầu hết các Fresher sẽ được ngân hàng giao cho những công việc đơn giản, không có yêu cầu quá cao về kỹ năng. Đồng thời, họ sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn, quản lý của những nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn cao hơn.
Bạn có thể tìm thấy khá nhiều cơ hội việc làm Fresher tại các vị trí khác nhau trong ngành Tài chính – Ngân Hàng. Khi đó, tuỳ thuộc vào tính chất công việc và vai trò đảm nhận mà bạn sẽ phụ trách những công việc nhất định.
Sau khi tốt nghiệp ngành Ngân hàng, mình đã nhanh chóng được tuyển vào vị trí Nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại. Công việc chính của mình là thực hiện các nghiệp vụ tín dụng có liên quan đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Nói đơn giản, vai trò của mình chính là nhịp cầu kết nối giữa ngân hàng và khách hàng cần vay vốn. Mỗi ngày, mình sẽ phải xử lý các đầu việc cụ thể sau đây:
- Tiếp thị và tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn.
- Tư vấn và hỗ trợ khách hàng hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc vay vốn.
- Phân tích, thẩm định tình trạng các khách hàng có nhu cầu vay vốn về uy tín, năng lực kinh doanh, tình hình tài chính,…
- Lập tờ trình, báo cáo thẩm định theo đúng quy định của ngân hàng.
- Lên hợp đồng tín dụng, thế chấp và chuẩn bị các các giấy tờ liên quan khác.
- Chịu trách nhiệm theo dõi và lập hồ sơ giải ngân.
- Kiểm tra nguồn vốn vay theo quy định.
- Đề xuất biện pháp kiểm soát tín dụng theo yêu cầu của trưởng bộ phận hoặc trưởng đơn vị.
- Giải quyết các vấn đề có liên quan đến quá trình cho vay.
- Đánh giá, phân tích lại các hồ sơ tín dụng có nguy cơ chuyển sang nợ xấu và thực hiện nghiệp vụ chuyển nhóm nợ cũng như thu hồi nợ xấu.
- Thực hiện việc tất toán hợp đồng và giải quyết tài sản thế chấp theo quy định.
Công việc nhân viên tín dụng thường đòi hỏi phải có tối thiểu bằng Cao đẳng thuộc các chuyên ngành liên quan tới tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó, bạn còn phải đáp ứng được nhiều yêu cầu về kỹ năng khác như:
- Khả năng tư duy logic.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
- Có mục tiêu làm việc rõ ràng.
- Chịu được áp lực công việc.
- Biết lắng nghe và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
- Thành thạo tin học văn phòng.
Nếu muốn thử sức với công việc này, mình khuyên bạn nên tìm kiếm cơ hội thực tập tại các vị trí công việc có liên quan đến nghiệp vụ tín dụng. Nguyên nhân là vì quá trình thực tập sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế hữu ích và có lợi thế lớn hơn khi ứng tuyển. Hơn nữa, các ngân hàng cũng thường dành ưu tiên cho những người đã từng thực tập hoặc làm công việc liên quan đến tín dụng khi tuyển dụng vị trí này.
Ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách nhất định. Đặc biệt với những Fresher còn ít kinh nghiệm thì khó khăn lại càng lớn hơn.
Vào những ngày đầu mới làm tín dụng, mình đã trải qua không ít khó khăn vì còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng làm việc. Trong đó có một số điều thực sự là thách thức lớn đối với mình.
Nếu bạn cho rằng chỉ cần tấm bằng Đại học là đủ để làm việc trong ngành ngân hàng thì thật sai lầm. Trên thực tế, ngoài những kiến thức nghiệp vụ đã học tại trường, bạn còn phải có sự am hiểu nhất định về thị trường tài chính, thành thạo Excel, PivotTable, VBA và các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, phân tích, giải quyết vấn đề.
Chính sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng kể trên đã khiến mình vô cùng chật vật khi bước đầu thực hiện công việc tư vấn và làm việc với khách hàng. Đôi khi mình không thể giải đáp được thắc mắc của họ và phải nhờ đến sự trợ giúp của quản lý.
Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài nhiều người sẽ nghĩ làm việc trong ngành ngân hàng thật nhàn hạ, thoải mái. Nhưng, mình dám khẳng định với bạn điều này hoàn toàn sai.
Sự thật là công việc trong ngành Tài chính – Ngân hàng vô cùng vất vả vì có cường độ và thời gian làm việc lớn hơn những công việc bình thường khác. Với những công việc khác, thời gian làm việc trung bình thường từ 48 – 52 tiếng/tuần. Còn các công việc trong ngành ngân hàng lại dao động từ 60 – 100 tiếng/tuần.
Nhiều khi bạn thấy ngân hàng đã ngừng giao dịch, nhưng thực tế những nhân viên ngân hàng như mình vẫn còn đang làm việc. Theo mình, tần suất làm việc lớn là yếu tố chính gây nên sự căng thẳng thường xuyên cho một Fresher vì lúc này bạn còn chưa quen thuộc với nhịp độ công việc trong thực tế.
Là một nhân viên tín dụng nên mình thường xuyên phải làm việc với những con số. Đây quả thực là áp lực lớn đối với mình. Bởi vì chỉ cần sai một lỗi nhỏ cũng có thể khiến mình đi tong cả sự nghiệp.
Bên cạnh đó, nghề tín dụng còn có một rủi ro khác đó là sự cám dỗ về mặt tài chính. Mỗi một bộ hồ sơ được giải ngân mình có thể nhận được một khoản lót tay từ khách hàng. Tuy nhiên, nếu mình bất chấp món lợi nhỏ này mà bỏ qua những nguy cơ cao từ bộ hồ sơ đó thì có thể mình sẽ phải đối mặt với nỗi rủi ro lớn hơn.
Vì là một Fresher nên mạng lưới quan hệ của mình còn rất hạn hẹp. Điều này thực sự trở thành một thách thức lớn khi công việc của một nhân viên tín dụng là phải tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn.
Những khó khăn, thách thức là điều không thể tránh đối với một Fresher trong ngành Tài chính Ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ cần có biện pháp khắc phục phù hợp, chắc chắn bạn có thể vượt qua được những điều đó.
Nếu bạn đang phải đối mặt với những khó khăn như mình vừa nhắc tới thì một số giải pháp sau đây sẽ hữu ích với bạn.
Trước tiên, bạn nên trau dồi cho mình những kiến thức cần thiết về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Hãy đảm bảo bạn có thể nắm vững các kiến thức về phân tích tài chính, phân tích đầu tư, kinh doanh tiền tệ, kinh doanh chứng khoán và việc điều hành các hoạt động tài chính ngân hàng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm quan trọng khác. Đây chính là chìa khoá quan trọng giúp bạn thăng tiến và có mức lương tốt hơn.
Với một nhân viên tín dụng như mình thì kỹ năng giao tiếp chính là yếu tố quan trọng hơn hết. Chỉ khi thành thạo kỹ năng này mình mới có thể tương tác, làm việc hiệu quả với khách hàng và xây dựng mối quan hệ với họ. Từ đó mình sẽ ký được nhiều hợp đồng vay vốn hơn.
Công việc trong ngành ngân hàng phải thường xuyên tiếp xúc với các con số. Do đó, bạn nên chú ý rèn luyện khả năng tính toán nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Những công việc trong ngành ngân hàng đều có liên quan mật thiết đến vấn đề tiền bạc. Vì vậy, bạn không thể bất cẩn, lơ là khi xử lý công việc.
Ngoài ra, vì có liên quan đến tiền bạc nên sự trung thực lại càng được đề cao. Làm việc trong ngành ngân hàng bạn sẽ tiếp cận với cả “núi tiền” mỗi ngày. Bởi vậy, tuyệt đối không thể để nảy sinh suy nghĩ tư lợi. Bằng không bạn có thể phải đối mặt với những hệ quả rất nghiêm trọng.
Để tìm được khách hàng bạn bắt buộc phải chủ động phát triển các mối quan hệ của mình. Từ những kinh nghiệm thực tế, mình thấy có một số cách rất hữu ích giúp bạn thực hiện việc này, như là:
- Duy trì và phát triển các mối quan hệ với người thân, bạn bè. Hãy cho họ biết công việc của bạn và xây dựng thương hiệu cá nhân để họ tìm đến bạn đầu tiên khi có nhu cầu.
- Khai thác database khách hàng công ty cung cấp.
- Tạo mối quan hệ với khách hàng cũ của bạn.
- Tham gia các hội nhóm.
- Chạy quảng cáo trên Facebook, Youtube, SEO Web.
- Liên kết với nhân viên Sales tại các ngân hàng khác.
Những căng thẳng và áp lực về thời gian cũng như cường độ công việc lớn là điều rất thường gặp khi làm việc trong ngành ngân hàng. Với những Fresher như mình thì điều này có hưởng rất nghiêm trọng.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên chăm lo thật tốt sức khoẻ bản thân. Chỉ khi có sức khoẻ tốt bạn mới có năng lượng, sức bền để đương đầu với những áp lực từ công việc.
Mong rằng với chia sẻ của một Fresher trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực này. Đồng thời bạn cũng có sự chuẩn bị tốt nhất để vượt qua những khó khăn, trở ngại và đạt được thành tựu nhất định trong sự nghiệp. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet