- 420k
- 1k
- 870
Trong hành trình phát triển sự nghiệp sẽ có đôi lần chúng ta thay đổi hướng đi nghề nghiệp với mong muốn đón nhận những cơ hội phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với việc chuyển hướng nghề nghiệp của mình, không phải vì họ không đủ năng lực mà vì họ chưa biết cách sàng lọc và lựa chọn. Ms Upatalent vừa phát hiện một phương cách rất hay mang tên Career Pivots: Bí quyết Thành công khi thay đổi hướng đi nghề nghiệp, một cẩm nang hữu ích rất nên cập nhật ngay.
Mục Lục:
1- Tìm hiểu khái niệm Career Pivots
2- Vì sao người lao động luôn có mong muốn thay đổi hướng đi nghề nghiệp?
2.1. Nâng cao thu nhập
2.2. Cân bằng công việc và cuộc sống
2.3. Tìm kiếm sự công nhận và an toàn trong công việc
2.4. Vực dậy đam mê
3- Bí kíp áp dụng Career Pivots để thay đổi hướng đi nghề nghiệp thành công
Career Pivots – tạm dịch Thay đổi hướng đi nghề nghiệp – là việc người lao động thay đổi vị trí công việc mới với mong muốn thông qua vị trí mới này, những mục tiêu phát triển mới trong hành trình sự nghiệp sẽ được hiện thức hóa tốt hơn, nhanh hơn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của bản thân người lao động.
Việc thay đổi hướng đi nghề nghiệp sẽ không xuất hiện liên tục mà thường theo giai đoạn, vì muốn thay đổi hướng chúng ta phải có tích lũy đủ nguồn lực. Do đó, sau một thời gian đủ dài, đủ để bổ sung cho mình những kinh nghiệm chuyên môn giá trị, người lao động bắt đầu nghĩ đến những giá trị cao hơn mà mình đủ khả năng chinh phục và thế là họ quyết định thay đổi.
Thay đổi hướng đi nghề nghiệp khác với Thay đổi nghề nghiệp. Điểm mấu chốt của sự khác biệt này chính là:
Thay đổi hướng đi nghề nghiệp, bạn chỉ đổi vị trí công việc, đổi cấp bậc, đổi nơi làm việc, còn chuyên môn thì vẫn vậy, bạn vẫn sẽ tiếp tục đào sâu chứ không loại bỏ.
Thay đổi nghề nghiệp thì đồng nghĩa bạn sẽ chuyển sang lĩnh vực khác, phải học lại kiến thức, phải trau dồi lại kỹ năng phù hợp với lĩnh vực mới. Quy mô đầu tư để Thay đổi nghề nghiệp lớn hơn nhiều.
Xem thêm >>> Career Pathing là gì? Bí quyết xây dựng Lộ trình nghề nghiệp thành công
Những mong đợi của bản thân sẽ tăng dần lên “sức nặng” của năng lực chuyên môn tích lũy được. Chính những mong đợi này thôi thúc chúng ta Thay đổi hướng đi nghề nghiệp:
Với kinh nghiệm làm việc vượt trội mà mình đã dày công trải nghiệm và tích lũy, chúng ta có quyền nghĩ về một mức thu nhập tốt hơn, tương xứng với năng lực mà ta đủ sức cống hiến cho tổ chức. Thay đổi hướng đi nghề nghiệp tạo cơ hội chinh phục những mức lương, mức thu nhập tốt hơn ở nơi làm việc cũ hoặc ở một doanh nghiệp mới.
Sức khỏe ngày càng được chú trọng, cho nên ở một cột mốc nào đó trong cuộc đời, bản thân cảm thấy tương tối đủ về mặt tài chính, về danh vọng rồi. Lúc này họ muốn tìm một công việc cũng thuộc về chuyên môn nhưng ít áp lực hơn, có thể làm việc từ xa, chủ động lịch trình làm việc… để bản thân có thêm thời gian chăm sóc cho chính mình và người thân.
Năng lực bạn đã vươn lên tầm cao mới rồi, những đóng góp của bạn cũng đã mang lại giá trị lớn hơn cho tổ chức rồi nhưng ở nơi làm việc hiện tại, bạn vẫn chỉ là một nhân viên, vẫn không được đánh giá cao về nghiệp vụ, môi trường làm việc nhiều sự tị nạnh khiến bạn cảm thấy bất an… “Dứt áo ra đi” bằng cách Thay đổi hướng đi nghề nghiệp là điều chắc chắn.
Tính chất công việc đều đều, không có thử thách, thiếu chút áp lực lại khiến công việc trở nên nhàm chán, trở thành nguyên nhân cho sự rời đi của nhiều nhân tài. Vì họ không muốn năng lực và năng lượng của mình bị hao mòn theo thời gian. Họ muốn có sự thay đổi, muốn bản thân tạo được nhiều dấu ấn hơn trong chuyên môn để sau này nhìn lại, họ sẽ không phải hối tiếc.
Không hài lòng với công việc hiện tại, chúng ta sẽ tìm kiếm công việc khác ngay và ứng tuyển. Nếu ứng tuyển thành công thì sao? Một thời gian nữa bạn lại thấy không hài lòng. Đây chính là hệ quả của việc lựa chọn vội vàng, bạn chỉ có thể thay đổi hướng đi nghề nghiệp nhưng không gặt hái được mục tiêu mà mình mong đợi.
Chậm rãi một chút, dành ít thời gian để tiến hành các bước phân tích Career Pivots dưới đây, bạn sẽ thấy giá trị Thay đổi hướng đi nghề nghiệp của mình ngày càng được nâng cao:
Trong một khía cạnh chuyên môn có rất nhiều hướng nghề nghiệp mà bạn có thể theo đuổi. Mỗi hướng này lại có những yêu cầu riêng về kỹ năng phục vụ công việc. Ví dụ cùng là chuyên môn Logistics nhưng người làm chứng từ thì ưu tiên sự tỉ mỉ, còn người chăm sóc khách hàng thì ưu tiên kỹ năng giao tiếp.
Nhiều người cũng Thay đổi hướng đi nghề nghiệp nhưng không hiệu quả vì họ chọn phải khía cạnh công việc mà cần nhiều đến cái “nhược điểm” của mình, còn cái “ưu điểm” lại không mấy khi cần phát huy. Do đó, trước khi xác định hướng thay đổi, chúng ta cần khách quan đánh giá ưu nhược điểm về tính cách và về công việc nơi bản thân mình.
Nếu sợ bản thân chưa mấy khách quan, bạn có thể liệt kê sự sắp xếp ưu nhược điểm của mình trước, sau đó, đưa cho người mà bạn tin tưởng (người thân, bạn bè ngoài ngành…) để họ kiểm chứng thêm. Nhưng tuyệt đối đừng đưa cho đồng nghiệp đang làm cùng doanh nghiệp bạn nhé.
Sau khi đã biết được ưu nhược điểm của bản thân rồi, bạn hãy dựa trên ưu điểm để chọn công việc mục tiêu mà bạn muốn hướng đến. Bạn hãy lấy một tờ giấy ra, ghi những vị trí mà chuyên môn của bạn đang tuyển dụng. Liệt kê những yêu cầu tuyển dụng mà mỗi vị trí cần đến, bao gồm từ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm…. Nội dung này có rất nhiều trên các trang tuyển dụng trực tuyến uy tín như Vietnamworks, HRchannels, Career Viet…
So sánh ưu điểm của bản thân và Nội dung yêu cầu tuyển dụng, tỷ lệ trùng khớp với vị trí nào cao nhất thì đó là vị trí công việc mà bạn nên hướng đến. Xác định được vị trí công việc rồi, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn thêm về cấp bậc, về mức lương… để có cho mình danh sách việc làm đang tuyển dụng phù hợp nhất.
Để có được vị trí công việc mới trong cùng chuyên môn, bạn có thể chọn ứng tuyển ngay tại doanh nghiệp mình đang làm (ứng tuyển nội bộ) hoặc ứng tuyển ở doanh nghiệp mới bên ngoài. Thực tế, nếu môi trường làm việc ở nơi cũ đang ổn, đồng nghiệp vui vẻ, cung cách quản lý khoa học…, bạn chỉ lăn tăn mỗi vị trí công việc của mình lương chưa cao hay chưa phù hợp sở thích mà thôi thì Ms Upatalent khuyên bạn nên tìm hiểu trong nội bộ doanh nghiệp xem vị trí phù hợp có cần tuyển người không. Nếu có, việc chuyển sang vị trí mới sẽ thuận lợi hơn, bạn không phải bắt đầu lại từ đầu như ở doanh nghiệp mới.
Ngược lại, trường hợp môi trường làm việc nơi cũ chỉ muốn “chia tay sớm cho bớt đau khổ” thì săn việc bên ngoài qua trang web tuyển dụng, qua mạng xã hội LinkedIn, qua hội nhóm trên Facebook, qua người quen/bạn bè giới thiệu… là điều bạn nên triển khai. Lưu ý, quá trình tìm kiếm và ứng tuyển nên âm thầm thực hiện, vì nếu kết quả không như mong đợi thì ta vẫn yên tâm ở “chốn cũ” làm việc tiếp, chứ mà để bị lộ ra thì bạn sẽ bị đánh giá là nhân tố thiếu sự gắn bó, không cần đầu tư phát triển.
Có thể bạn quan tâm>>> Hướng dẫn cách Định hướng nghề nghiệp cho tương lai
Dù là ứng tuyển nội bộ hay ứng tuyển bên ngoài thì bạn cũng cần nộp CV cho phòng nhân sự để họ đánh giá và cân nhắc lựa chọn. Nội dung CV của người giàu kinh nghiệm sẽ không dàn trải chung chung, không khoe chị tiết tất tần tật mọi thứ mà mình có.
Hiệu quả nhất, ta cứ dựa vào tiêu chí đăng tuyển để làm CV. Tập trung vào những yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm (ngoại ngữ, kinh nghiệm, kỹ năng mềm…). Chia sẻ càng nhiều thành tích gắn liền với các yêu cầu quan trọng, bạn càng dễ ghi điểm. Còn những năng lực không liên quan đến công việc mới, bạn chỉ nên liệt kê gạch đầu dòng.
Bạn Thay đổi hướng đi nghề nghiệp là để đạt được mục tiêu cao hơn mà mình ao ước, đó có thể là lương, là phúc lợi, là cơ hội tu nghiệp nước ngoài… Hãy tham khảo các bảng đánh giá thị trường lao động trong ngành chuyên môn của bạn để biết mặt bằng quyền lợi hiện tại đang ở mức nào.
Đây là một cách làm rất hay, vì qua đó, bạn sẽ có được dữ liệu để đưa ra tiêu chí phù hợp, không cao cũng không thấp, dễ dàng đạt được sự đồng thuận. Lưu ý thêm một điều, một khi đã chốt tiêu chí ưu tiên rồi thì khi phỏng vấn hãy giữ nguyên kỳ vọng của mình, không thay đổi bạn nhé.
Nếu được chấp thuận thì mình thay đổi hướng đi nghề nghiệp, không được thì ta quay về việc cũ, chờ cơ hội lần sau. Bởi vì nếu bạn thỏa hiệp chỉ để rời khỏi vị trí công việc cũ mà quên mất đi mục tiêu chuyển nghề nghiệp là để cải thiện quyền lợi thì sớm muộn gì bạn cũng phải tiếp tục “tìm một con đường, tìm một lối đi”.
Sẽ có những tiêu chuẩn tuyển dụng mà hiện tại bản thân chưa đáp ứng được. Mặc kệ vì ưu điểm của mình cũng đáp ứng được kha khá rồi – ta không nên suy nghĩ đơn giản như vậy. Khi đánh giá thị trường lao động, bạn sẽ phần nào thấy được sự cạnh tranh công việc hiện nay lớn như thế nào. Với những công việc tốt, phù hợp, lại là bước phát triển sự nghiệp tốt thì biết bao nhân tài đổ xô tranh giành nhau đó chứ.
Mình may mắn phát hiện ra cơ hội, vậy thì hãy làm cho sự may mắn đó được phát huy nhiều hơn. Bạn không nhất thiết sở hữu ngay năng lực cho những tiêu chuẩn còn thiếu đó, nhưng hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang nỗ lực để có nó thông qua việc đầu tư, tham gia các khóa học, vì bạn biết nhà tuyển dụng cần và công việc thực tế sau này rất cần đến năng lực đó.
Thay đổi hướng đi nghề nghiệp ắt hẳn ai ai cũng muốn và cũng sẽ thực hiện. Vì vậy, ngay khi biết về Career Pivots, Ms Upatalent quyết định chia sẻ ngay, với mong muốn hành trình thay đổi của bạn sẽ đi đúng hướng, chọn đúng nơi, tiết kiệm đúng nguồn lực và gặt hái “trái ngọt” ở đúng mục tiêu mà mình mong muốn. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet