- 420k
- 1k
- 870
B2B là mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vậy B2B là gì? Làm thế nào để xây dựng mô hình B2B hiệu quả? Bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết sau của Ms Uptalent để hiểu rõ hơn về hình thức kinh doanh này nhé.
MỤC LỤC
1- Mô hình B2B là gì?
2- Các loại mô hình kinh doanh B2B thường gặp
2.1- Mô hình thiên về bên mua
2.2- Mô hình thiên về bán
2.3- Mô hình trung gian
2.4- Mô hình thương mại hợp tác
3- Làm thế nào để xây dựng mô hình B2B hiệu quả
3.1- Truyền thông mạnh mẽ
3.2- Tối ưu giao diện, trải nghiệm người dùng
3.3- Tăng tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp
3.4- Minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng
B2B là viết tắt của cụm từ “Business to Business”, được dùng để chỉ hình thức kinh doanh, mua bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Mô hình này rất phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Giao dịch B2B thường bắt đầu với các giao tiếp trực tuyến và được thực hiện chủ yếu trên các kênh thương mại điện tử. Một số giao dịch phức tạp sẽ được thực hiện ngoài thực tế dựa trên hợp đồng, báo giá và sự thoả thuận giữa các bên.
Mô hình kinh doanh này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bởi những ưu điểm như hiệu quả cao, hiệu suất, độ tin cậy lớn và nhiều lợi ích khác. Dưới sự phát triển của kinh tế thương mại, các doanh nghiệp ngày càng coi trọng phương thức kinh doanh bằng mô hình B2B. Bạn có thể thấy được điều này qua sự xuất hiện của hàng loạt các website thương mại.
Hình thức kinh doanh B2B có các đặc điểm chính sau:
- Số lượng người mua ít so với mô hình B2C nhưng khối lượng đơn hàng lại lớn hơn.
- Nhu cầu tiêu dùng trên thị trường B2B xuất phát từ nhu cầu hàng hoá tiêu dùng tại thị trường B2C.
- Nhu cầu không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự thay đổi giá trong ngắn hạn.
- Người mua và người bán có mối quan hệ lâu dài với nhau.
- Nhu cầu trong B2B dao động ngày càng nhanh, trong khi B2C ổn định hơn.
- Các quyết định mua hàng có tính chuyên nghiệp cao hơn và có sự tham gia của nhiều người trong quá trình mua hàng.
- Dễ dàng chọn ra phân khúc và khách hàng tiềm năng.
- Tập trung vào giá cả, tiết kiệm chi phí.
Ngày nay, B2B không chỉ là hình thức kinh doanh hiệu quả cao mà nó còn mang đến nhiều lợi ích lớn cho các doanh nghiệp cũng như sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Mô hình này cũng mở ra tiềm năng kinh doanh lớn và rất phù hợp cho tương lai.
Có nhiều cách phân loại mô hình B2B. Nếu dựa trên bản chất kinh doanh và hình thức hoạt động thì có 4 loại chính sau đây:
Mô hình này khá phát triển tại nước ngoài. Nhưng tại Việt Nam, mô hình này ít gặp hơn vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn bán sản phẩm ra thị trường.
Các doanh nghiệp áp dụng mô hình này sẽ giữ vai trò chủ đạo. Cụ thể, họ sẽ nhập hàng từ các bên thứ ba, báo giá và phân phối hàng hoá tới khách hàng của mình. Trong khi đó, nhà sản xuất sẽ vào website của doanh nghiệp để báo giá và phân phối sản phẩm.
Không như mô hình thiên về bên mua, mô hình B2B thiên về bên bán được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng và khá phổ biến trong nền kinh tế. Trong mô hình này, một doanh nghiệp nào đó sẽ sở hữu trang thương mại điện tử và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng.
Những khách hàng trong mô hình này có thể người bán buôn, người bán lẻ hoặc nhà sản xuất. Thông thường, khối lượng hàng hoá được phân phối trong mô hình B2B thiên bên bán sẽ rất lớn.
Mô hình B2B trung gian được biết đến là hình thức giao dịch, trao đổi giữa các doanh nghiệp thông qua sàn thương mại điện tử. Trong mô hình này, các sàn thương mại điện tử chính là trung gian thực hiện giao dịch. Hiện tại đây là mô hình B2B phổ biến nhất.
Tại Việt Nam, bạn có thể bắt gặp hình thức này qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Cungmua,… Các doanh nghiệp có nhu cầu bán sản phẩm sẽ cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan lên các trang này và người mua sẽ tìm kiếm cũng như đặt mua sản phẩm họ cần theo đúng các quy định của mỗi sàn.
Mô hình B2B thương mại hợp tác khá giống với mô hình trung gian. Tuy nhiên, nó khác với mô hình trung gian ở chỗ có tính tập trung cao và do nhiều đơn vị cùng sở hữu.
Bạn có thể bắt gặp mô hình này dưới dạng các sàn giao dịch điện tử như Chợ điện tử (e-marketplaces), Sàn giao dịch Internet (Internet exchanges), Thị trường điện tử (e-markets), Cộng đồng thương mại (trading communities), Sàn giao dịch thương mại (trading exchanges) hay Trung tâm trao đổi (exchange hubs).
Những lợi ích do mô hình B2B mang lại quả thực rất lớn. Thế nhưng, để có thể xây dựng mô hình B2B hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện được những việc sau:
Các chuyên gia nhận định, vấn đề truyền thông hiện tại của các doanh nghiệp B2B còn rất nhiều yếu kém, hạn chế. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển mô hình B2B là phải nâng cao hoạt động truyền thông.
Trên thực tế, hoạt động truyền thông trong B2B bao gồm rất nhiều đầu mục công việc khác nhau như: quảng cáo, khuyến mãi, marketing, quan hệ công chúng, bán hàng trực tiếp,… Để thành công doanh nghiệp cần biết cách phối hợp linh hoạt các yếu tố trên với nhau.
Thông thường, doanh nghiệp nên căn cứ vào từng giai đoạn cụ thể để thực hiện việc truyền thông cho phù hợp. Chẳng hạn, khi mới tham gia vào thị trường, việc đẩy mạnh marketing, quảng cáo để khách hàng biết đến sản phẩm và doanh nghiệp là điều quan trọng nhất.
Đến khi khách hàng đã biết đến sản phẩm, doanh nghiệp cần tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ cho khách hàng những thông tin cần thiết giúp họ hiểu được lợi ích của sản phẩm.
Tiếp theo đó, doanh nghiệp cần khuyến khích khách hàng dùng thử, trải nghiệm hoặc xem xét các dự án trước đó kết hợp với hoạt động chiêu thị nhằm thúc đẩy họ mua hàng.
Sau cùng, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách khiến khách hàng tiếp tục sử dụng sản phẩm của mình. Ví dụ như thiết lập các chương trình khách hàng thân thiết, các chính sách dành cho khách hàng VIP. Nếu có thể xây dựng các mối quan hệ với khách hàng thì việc mở rộng kinh doanh sau này sẽ càng thuận lợi hơn.
Tóm lại, doanh nghiệp sẽ phải phối hợp các công cụ truyền thông khác nhau để chuyển hoá các trạng thái của khách hàng từ chưa biết đến biết, rồi hiểu, sau đó đến tin tưởng, mua hàng và tiếp tục duy trì việc mua hàng.
Một trong những đặc điểm của khách hàng B2B là mong muốn có một trải nghiệm số nhanh chóng, gọn gàng khi mua hàng. Các khảo sát cũng cho thấy, có đến 86% khách hàng B2B lựa chọn các công cụ tự phục vụ hơn là liên hệ trực tiếp với người bán hàng.
Bởi vậy, doanh nghiệp B2B cần quan tâm đầu tư về phương diện công nghệ nhiều hơn cho website của mình để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Trên thực tế, các doanh nghiệp B2B thành công đều sở hữu những trang thương mại điện tử rất thân thiện với người tiêu dùng. Tại các trang này, người dùng có thể tự do lựa chọn sản phẩm và tự thực hiện các thao tác mua hàng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên xây dựng một trang web có trải nghiệm quá khác biệt. Bởi vì, người tiêu dùng có xu hướng quen thuộc với cách sử dụng trên các trang thương mại điện tử khác. Nếu xây dựng trang web có quá nhiều điểm khác biệt dễ gây khó khăn cho khách hàng khi họ phải tìm hiểu một quy trình hoạt động mới.
Các doanh nghiệp nên khuyến khích đội ngũ nhân viên của mình tăng cường việc tiếp xúc và tương tác với khách hàng. Hãy nói chuyện, kết nối với họ một cách tự nhiên như một “con người” thực thụ trên các phương tiện truyền thông xã hội để tạo sự tin tưởng với họ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể lồng ghép những thông điệp, hình ảnh, các hoạt động, sự kiện trong ngày của mình lên mạng xã hội nhằm khơi gợi sự chú ý, quan tâm của cộng đồng. Đây là cách rất tuyệt vời giúp doanh nghiệp liên tục duy trì mối liên kết với khách hàng của mình.
Các giao dịch trong B2B luôn rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và có sự tham gia của nhiều người với quy trình làm việc bao gồm nhiều bước. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có các chính sách hỗ trợ khách hàng kịp thời.
Nếu muốn thành công với mô hình B2B, doanh nghiệp cần trở thành nhà cung cấp tốt nhất của khách hàng. Hãy cho họ thấy doanh nghiệp của bạn thực sự quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng. Quan trọng nhất là bạn cần luôn minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi cho họ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ trở thành một đối tác, một người bạn được khách hàng yêu mến.
Mô hình kinh doanh B2B thực sự đang mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc hiểu rõ B2B là gì và làm thế nào để xây dựng mô hình B2B hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt cơ hội kinh doanh cũng như bứt phá trên thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có chiến lược kinh doanh hợp lý và mô hình kinh doanh phù hợp để đạt được thành công. Mong rằng những kiến thức trong bài viết sẽ giúp bạn xây dựng thành công mô hình B2B cho doanh nghiệp của mình.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet