- 420k
- 1k
- 870
Trở thành nhà quản lý xuất sắc là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng, lộ trình trở thành quản lý lại không dễ dàng. Bạn sẽ phải trau dồi, tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng và cả tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo.
Nếu bạn cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà quản lý hàng đầu thì hãy cùng Ms Uptalent khám phá “8 điều bạn cần rèn luyện để trở thành quản lý trong tương lai” qua bài viết sau nhé. Chắc chắn bạn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị cho con đường trở thành quản lý của mình đấy.
MỤC LỤC:
1- Phát triển kỹ năng lãnh đạo
2- Nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn
3- Mở rộng mối quan hệ
4- Học cách giao việc hiệu quả
5- Làm chủ các kỹ năng quản lý
6- Ngoại ngữ
7- Phát triển tư duy chiến lược
8- Thường xuyên cập nhật những đổi mới của xã hội
Với một nhà quản lý thì kỹ năng lãnh đạo là yếu tố không thể thiếu. Nó được thể hiện thông qua khả năng điều hành, xử lý, ra quyết định, sắp xếp, tổ chức công việc hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp.
Thông qua hoạt động lãnh đạo, người quản lý có thể tác động lên các quy trình, con người và sản phẩm một cách chủ động, có định hướng rõ ràng. Đồng thời, nó cũng giúp họ thúc đẩy việc ra quyết định và trao quyền cho nhân viên.
Để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, bạn có thể tham khảo một số cách Uptalent tổng hợp dưới đây:
- Tìm hiểu các phong cách lãnh đạo phổ biến, chọn cho mình phong cách phù hợp.
- Tìm kiếm cơ hội để thực hành kỹ năng lãnh đạo. Ví dụ, bạn có thể đảm đương các vai trò trưởng nhóm, trưởng câu lạc bộ hay một dự án nào đó để hiểu được vai trò, tâm lý của một nhà quản lý.
- Học cách suy luận và rèn luyện tư duy phản biện trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.
- Luôn nỗ lực đưa ra ý kiến sáng tạo trong hoạt động đội nhóm hay trong các buổi họp, thảo luận cùng team.
- Học cách lắng nghe để có thể không ngừng cải thiện bản thân và nâng cao khả năng thấu hiểu những người xung quanh bạn.
- Rèn luyện tính kỷ luật bản thân để trở nên nổi bật hơn giữa đám đông.
- Luôn cố gắng duy trì nguồn năng lượng tích cực và nỗ lực xây dựng bầu không khí làm việc vui vẻ nhằm tạo nên động lực cho mọi người trong quá trình làm việc cùng bạn.
- Duy trì mối quan hệ với mọi người, nỗ lực hết mình trong công việc nhằm tạo tầm ảnh hưởng với những người xung quanh.
- Dám đối mặt với những xung đột và luyện tập cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
>>> Xem thêm: Người quản lý là gì? 9 yếu tố cần thiết trở thành quản lý xuất sắc
Kiến thức, kỹ năng chuyên môn là nền tảng quan trọng tạo nên một nhà quản lý giỏi. Nếu không giỏi chuyên môn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các công việc của chính mình chứ chưa nói đến việc dẫn dắt, chỉ đạo người khác.
Bên cạnh đó, một quản lý giỏi chuyên môn còn dễ nhận được sự tín nhiệm, tôn trọng của người khác. Thử nghĩ mà xem, liệu có nhân viên nào có thể tin tưởng người lãnh đạo thiếu chuyên môn về sản phẩm, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp hay không? Chắc chắn là không có bạn nhé!
Bạn có thể chủ động nâng cao năng lực chuyên môn cho mình thông qua con đường học tập, thực hành và trải nghiệm thật nhiều.
Sở hữu mạng lưới quan hệ rộng rãi và chất lượng là điều rất có ích trên hành trình trở thành nhà quản lý giỏi.
Bạn có thể bắt đầu xây dựng mạng lưới quan hệ cho mình bằng cách tạo sự kết nối với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới và những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành.
Ngoài ra, hãy luôn nỗ lực hết mình trong quá trình làm việc để tạo ấn tượng tốt với người khác. Lâu dần, nó sẽ giúp bạn tạo được sức ảnh hưởng, tầm quan trọng trong lòng mọi người.
Một người quản lý giỏi không chỉ giao việc cho nhân viên và giám sát họ. Điều quan trọng ở đây là phải giao việc đúng người, dành cho nhân viên của mình sự tin tưởng và luôn sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết.
Để giao việc và trao quyền hiệu quả, bạn cần học cách phát hiện nhân tài, phân bổ công việc hợp lý và có giải pháp khích lệ, động viên cấp dưới phù hợp.
Có 4 kỹ năng quản lý quan trọng bạn cần thành thạo, đó là:
+ Quản lý thời gian
Khối lượng công việc của nhà quản lý thường rất nặng nề. Trong khi đó, quỹ thời gian làm việc lại chỉ có giới hạn. Bởi vậy, một nhà quản lý xuất sắc cần biết cách quản lý và sử dụng thời gian sao cho hợp lý, hiệu quả nhất.
Để rèn giũa kỹ năng này bạn có thể áp dụng một số mẹo sau của Uptalent:
- Liệt kê, sắp xếp các công việc cần làm trong một ngày, tháng, năm theo thứ tự ưu tiên.
- Giao việc và trao quyền quyết định cho nhân viên để dành thời gian cho những nhiệm vụ quan trọng, không thể thay thế.
+ Quản lý stress, áp lực
Stress, áp lực là điều mà nhà quản lý nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, có người không để chúng gây ra ảnh hưởng tiêu cực, có người lại trở nên căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí suy sụp tinh thần.
Do đó, biết cách quản lý áp lực công việc, giải quyết hiệu quả những nguy cơ có thể dẫn đến căng thẳng, mất thăng bằng cho bản thân là điều rất cần thiết ở nhà quản lý.
Để không bị đè nặng bởi áp lực công việc, bạn có thể tham khảo một số tips sau của Uptalent:
- Lên kế hoạch làm việc bài bản, khoa học.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để có thể lấy lại năng lượng và tìm thấy cảm hứng trong công việc.
- Hãy học cách từ chối để không phải gồng gánh khối lượng công việc vượt quá sức chịu đựng của bản thân.
- Khi gặp khó khăn trong công việc hay cuộc sống, hãy chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp từ những người bạn quen biết. Điều này có thể giúp bạn nhận được một số lời khuyên hữu ích hoặc chỉ đơn giản là vài lời động viên để bạn có thêm động lực làm việc.
- Hầu hết áp lực công việc thường đến từ việc yếu kém trong xử lý công việc và giải quyết vấn đề. Vì vậy, bạn cần liên tục trau dồi kinh nghiệm để nâng cao năng lực làm việc.
+ Quản lý bản thân
Quản lý hay quản trị bản thân thể hiện khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người. Việc thành thạo kỹ năng này cho phép bạn định hướng sự nghiệp tốt hơn, nỗ lực đúng cách hơn để đạt tới mục tiêu và dễ dàng thăng tiến lên các vị trí cao hơn trong sự nghiệp.
+ Quản lý nhân sự
Kỹ năng nhân sự hay quản lý con người được xem là tiêu chí bắt buộc phải có ở tất cả các nhà quản trị. Kỹ năng này bao gồm nhiều kỹ năng chi tiết như:
- Giao việc đúng người, đúng thời điểm.
- Điều phối nhân sự đúng vị trí công việc, đúng khả năng.
- Biết cách thúc đẩy, khuyến khích và tạo động lực cho nhân viên cấp dưới.
- Luôn lắng nghe, chia sẻ và kịp thời hỗ trợ cho nhân viên.
>>> Bạn có thể quan tâm: Lãnh đạo là gì? Tố chất, vai trò, phong cách của người lãnh đạo giỏi
Trong bối cảnh kinh tế hóa toàn cầu như hiện nay thì giỏi ngoại ngữ là điều rất cần thiết với tất cả mọi người. Nó không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là phương tiện để bạn thăng tiến lên những vị trí cao hơn trong sự nghiệp.
Thực tế cho thấy, người nắm giữ chức vụ càng cao thì càng giỏi ngoại ngữ. Hơn nữa, nếu nhân viên cấp dưới của bạn có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ thì bạn không thể không làm chủ kỹ năng này.
Bên cạnh đó, việc học giỏi ngoại ngữ còn mang tới cho bạn những kiến thức văn hóa phong phú. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bạn khi giao thiệp, làm việc cùng những đồng nghiệp, đối tác đến từ các quốc gia khác trên thế giới.
Khả năng tư duy chiến lược cho phép nhà quản lý định hướng phát triển và dẫn dắt, điều hành doanh nghiệp đạt được mục tiêu chung.
Đồng thời, tư duy chiến lược cũng thúc đẩy khả năng sáng tạo, cung cấp cái nhìn đa chiều, toàn diện về doanh nghiệp cho người quản lý. Từ đó, họ sẽ xây dựng các chiến lược, giải pháp phát triển hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
Để phát triển khả năng tư duy chiến lược cho bản thân, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Rèn luyện khả năng lắng nghe, tích cực tiếp thu những ý kiến, đóng góp của người khác và luôn tôn trọng quan điểm mọi người.
- Học cách xác định mục tiêu.
- Học cách phân tích, đánh giá vấn đề để có thể kiểm soát, quản lý chúng một cách hiệu quả.
- Học cách lập kế hoạch.
- Chú trọng đến tổng thể, phát triển tầm nhìn xa rộng.
- Kết nối với những người có khả năng tư duy chiến lược tốt.
Bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì một quản lý giỏi cũng cần am hiểu các kiến thức về đời sống xã hội. Quan trọng hơn là liên tục cập nhật những đổi mới của xã hội.
Hãy nhớ, thế giới luôn thay đổi không ngừng, các công nghệ mới cũng liên tục ra đời và tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đến họat động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, để trở thành một quản lý giỏi, bạn cần có sự say mê với việc học hỏi thường xuyên và mở rộng vốn kiến thức cho bản thân.
Bên cạnh đó, việc học hỏi, cập nhật kiến thức liên tục cũng là biện pháp hữu hiệu giúp bạn có cái nhìn toàn diện về các khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển doanh nghiệp.
Tóm lại, bạn sẽ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực bản thân và đạt tới mục tiêu thăng tiến thành nhà quản lý. Hy vọng những chia sẻ về 8 điều bạn cần rèn luyện để trở thành quản lý trong tương lai trên đây của Ms Uptalent sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet