- 420k
- 1k
- 870
Cái gì đụng đến hai chữ “tiêu cực” đều là điều ta phải tìm cách khắc chế, với người có năng lượng tiêu cực thì càng cần tiến hành sớm hơn, bởi lẽ sự tiêu cực có khả năng truyền từ người này sang người khác, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Vậy nên, chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt ngay các dấu hiệu và cách xử lý người có năng lượng tiêu cực. Bằng cách nào ư? Ms. Uptalent sẽ bật mí đến bạn ngay đây.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm Năng lượng tiêu cực
2. Vì sao cần nhận biết sớm sự xuất hiện của người có năng lượng tiêu cực?
2.1. Chặn năng lượng tiêu cực lan sang bản thân
2.2. Bảo vệ ngọn lửa nhiệt huyết, duy trì hiệu quả công việc
2.3. Xây dựng môi trường hợp tác ôn hòa
2.4. Tái tạo năng lượng tích cực cho người tiêu cực
3. Dấu hiệu phát hiện một người có năng lượng tiêu cực
3.1. Cảm xúc không hài lòng luôn hiện hữu
3.2. Ngoại hình uể oải, mệt mỏi
3.3. “Dìm hàng” người khác
3.4. Khó chịu, cáu gắt, hay đổ lỗi
3.5. Thiếu sự năng nổ, nhiệt tình
4. Những giải pháp cư xử cần thiết dành cho người có năng lượng tiêu cực
4.1. Đừng chạm vào điểm yếu của họ
4.2. Chỉ xã giao, không thân thiết
4.3. Học các tập trung và phớt lờ
4.4. Hạn chế tranh luận quan điểm
4.5. Tìm cái tích cực trong sự tiêu cực của đối phương
Năng lượng tiêu cực (Negative Energy) là cụm từ phản ánh sức khỏe tinh thần của một người đang có chiều hướng xuống dốc. Biểu hiện thông qua sự lo âu, chán nản, dễ tức giận, không còn động lực để phấn đấu…
Sự hình thành của năng lượng tiêu cực không phải một sớm một chiều, đó là một sự tích tụ lâu ngày những cảm xúc ức chế, những tổn thương tâm lý, những căng thẳng cuộc sống từ môi trường xung quanh. Cái khó chịu tâm lý cứ lớn dần lên, hướng bản tính và quan niệm sống của họ thiên về hướng tiêu cực.
“Năng lượng” dù là vô hình nhưng lại có sức lan tỏa rất mạnh mẽ. Cũng vì vô hình nên đến khi bị “lây” rồi mà nhiều người vẫn còn chưa nhận ra. Chính vì vậy, nhận biết càng sớm người có năng lượng tiêu cực, chúng ta sẽ biết cách sớm chủ động ngăn chặn bị “nhiễm” nguồn năng lượng này.
Năng lượng tiêu cực có thể khiến năng lượng tích cực của ta bị dung hòa, tệ hơn sẽ làm ta mất đi nhiệt huyết phấn đấu. Vì ngoài việc bị tác động bởi sự mệt mỏi, uể oải, ức chế của người có năng lượng tiêu cực, chúng ta còn có thể nghi ngờ sức mạnh tinh thần và năng lực của bản thân khi nghe những nhận xét chủ quan từ họ.
Người tiêu cực rất hay gây hấn, dễ nổi cáu. Hiểu được yếu tố này từ họ, chúng ta sẽ tìm cách hạn chế tiếp xúc trong những tình huống đặc biệt, hạn chế tối đa những mâu thuẫn không đáng có. Ví dụ, nếu người tiêu cực không thích bị ai làm phiền khi đang tập trung thì khi thấy họ đang chau mày nhìn vào máy vi tính, ta có thể ghi lại tờ giấy note để trên bàn để họ xem sau, đừng cắt ngang mạch suy nghĩ của họ.
Tập thể càng có nhiều người tích cực thì giá trị tạo ra càng lớn mạnh. Bản thân người tiêu cực cũng cảm thấy khó chịu với sự tiêu cực của mình nhưng chưa biết cách thoát ra.
Là người ngoài cuộc, chúng ta sẽ sáng suốt hơn và nhận thấy được dấu hiệu từ người đồng đội tiêu cực của mình. Từ đó mang đến cho họ những lời khuyên hữu ích về cách giải tỏa tâm lý, truyền tải đến họ nguồn năng lượng tích cực.
Xem thêm tại>>>Dấu hiệu cho thấy bạn đang rối loạn lo âu
Để nhận biết một người có năng lượng tiêu cực hay không, chúng ta cần phải giao tiếp, tương tác với họ. Nếu trong quá trình đó, bạn thấy có những dấu hiệu sau thì ắt hẳn đó là một người sở hữu năng lượng tiêu cực:
Bất cứ sự vật, sự việc nào qua sự cảm nhận của người có năng lượng tiêu cực đều chỉ nhận về sự phàn nàn, thất vọng, không bao giờ khiến họ hài lòng cả, nhận được điểm đánh giá trung bình đã là tốt lắm rồi. Những câu họ thốt ra nếu không chê bai thì là than vãn, chẳng mấy khi thấy được ánh sáng tích cực từ những nhận xét của họ.
Nụ cười rất ít xuất hiện dù họ đang trong một buổi trò chuyện với nhiều chủ đề vui vẻ, sôi nổi. Ánh mắt mệt mỏi, cơ thể ủ rủ như thể bị kiệt sức vậy. Với họ nhịp sống mỗi ngày là một sự gắng gượng, không có chút động lực nào làm việc cả.
“Không thể nâng mình lên thì phải tìm cách hạ người khác xuống” – đây là biểu hiện của sự ích kỷ, rất thường hiện diện cùng năng lượng tiêu cực. Khi thấy đồng nghiệp, hoặc thậm chí lả một ai đó không hề cạnh tranh gì với họ (ví dụ: ca sĩ, diễn viên…) được khen ngợi thì ngay sau đó, họ sẽ đưa ra những nhận xét theo hướng ngược lại, cố để giảm giá trị thành tích mà người khác nỗ lực mới có được. Việc “buôn dưa lê”, tạo dựng thông tin không tốt về một ai đó, ít nhiều đều có sự tham gia của nhóm người này.
Tâm lý của người có năng lượng tiêu cực thường hay bức bối, lo lắng ngay cả khi vấn đề đó rất đỗi bình thường. Họ khó chịu với mọi người và cũng khó chịu với chính mình, vì vậy, đụng chuyện là họ rất dễ cáu gắt, dễ gây gổ, sai sót là họ tìm cách đổ lỗi, rất khó tạo mối quan hệ tốt với đồng đội trong nhóm. Mọi người xung quanh cũng vì tính cách này của người năng lượng tiêu cực mà dễ bị căng thẳng, đôi khi còn cảm thấy ngột ngạt khi hợp tác cùng.
Những hoạt động cộng đồng, hay những dự án mới thường sẽ không thu hút được nhóm người năng lượng tiêu cực. Nhiều người cho rằng họ sống hướng nội, nhưng không phải, lý do là vì họ không muốn lãng phí thời gian vào những hoạt động không mang lại lợi ích thực tế cho bản thân họ, hoặc có thể đặt họ vào sự rủi ro như các nhiệm vụ mới, lạ trong dự án công việc chẳng hạn.
Có thể bạn quan tâm>>>Từ Điểm Yếu Thành Điểm Mạnh: 5 Cách Trả Lời Khiến Nhà Tuyển Dụng Tâm Đắc
Dù không thoải mái khi tiếp xúc với người có năng lượng tiêu cực nhưng trong nhiều tình huống, ta buộc phải chấp nhận, như khi họ là người cùng tổ nhóm làm việc, là đối tác mua hàng, là nơi cung cấp nguyên vật liệu…
Nếu gặp phải tình huống như vậy thì đây sẽ là những giải pháp cư xử hiệu quả mà chúng ta nên áp dụng:
Người có năng lượng tiêu cực một phần là vì bản thân họ tự ti, cho nên họ không muốn ai chạm vào điểm yếu của họ. Do đó, khi giao tiếp, đặc biệt với những đối tác quan trọng, chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu về họ, ít nhất là về sở thích, thói quen và những “ranh giới” mà họ tự đặt ra. Bằng cách này chúng ta sẽ khai thác tốt sở thích của họ, tạo sự thiện cảm khi giao tiếp, đồng thời biết được những “điểm yếu” mà ta không nên đề cập.
Đừng nghĩ rằng năng lượng tích cực của chúng ta mạnh mẽ, chúng ta có thể cảm hóa và truyền cho người tiêu cực. Với những người mới chớm “tiêu cực” thì may ra có thể, còn những người năng lượng tiêu cực đã ở mức thái quá, trở thành tố chất con người rồi thì có khi chính bạn mới là người bị cảm hóa.
Vì vậy, nếu phải giao tiếp, hợp tác cùng họ, hãy giữ mối quan hệ ở mức độ công việc. Đừng mở rộng sang sự thân thiết, chia sẻ vui buồn, tâm sự chuyện riêng… Bạn có thể bị hụt hẫng hoặc ân hận vì sự nhiệt tâm của mình đấy.
Tập trung khi giao tiếp thuận ý và phớt lờ khi giao tiếp nghịch ý. Đã chọn tương tác với người tiêu cực thì phải lường trước những cảm xúc tâm lý bất ổn hay những cáu gắt, phê phán “kém duyên” từ họ. Tất cả ta đều phải tiếp nhận vì đó đều là nội dung gắn kết với quá trình tương tác. Nhưng tiếp nhận theo cách nào thì ta có thể điều chỉnh.
Nếu đó là nội dung hữu ích, cốt lõi của buổi giao tiếp thì bạn hãy dành trọn con tim để hướng về. Ngược lại, nếu bạn không hài lòng với những khúc nêu quan điểm của người tiêu cực đó thì có thể khéo léo chuyển chủ đề, hoặc mắt thì vẫn nhìn họ, nhưng cái tâm thì đang nghĩ đến buổi hẹn cuối ngày, hay tiền thưởng cuối tháng khi chốt thành công đơn. Như vậy, bạn sẽ né được nhiều ức chế, góp phần duy trì tốt tâm lý bình tĩnh khi trò chuyện.
Người có năng lượng tiêu cực rất cố chấp, họ muốn chứng minh quan điểm của mình là đúng, mặc dù sự việc đó chẳng đáng để bận tâm. Nếu trong lúc trò chuyện mà phát sinh những phản hồi quan điểm có phần gay gắt từ họ, chúng ta nên tìm cớ để kết thúc buổi trò chuyện.
Trường hợp, không thể kết thúc vì đó là khách hàng, là Sếp thì bạn nên đưa ra những phản hồi mang tính dung hòa như “Em thấy nhiều người cùng có quan điểm với Anh/Chị”. Đây là cách rất hiệu quả vì ngay lập tức có thể xoa dịu tính hiếu thắng của họ ngay, chứ càng gắng tranh cãi trái chiều thì chỉ càng khiến mâu thuẫn lên cao trào, không có lợi cho chúng ta.
“Tức giận là làm bản thân khó chịu vì lỗi lầm của người khác”, Ms. Uptalent thường lặp lại câu này mỗi khi bản thân rơi vào tâm lý bực bội sau khi trải qua một vấn đề nào đó. Áp dụng vào giải pháp cư xử với người có năng lượng tiêu cực, thay vì ta cứ nghĩ về sự cố chấp, vô lý của họ để mà giữ cái bực mình trong người thì ta nên hướng suy nghĩ thoáng hơn để giải tỏa tâm lý này:
Họ cố chấp vậy vì họ tự ti không bằng người khác, họ đáng thương hơn đáng trách
Dù gì cũng đã ký được đơn hàng, đây mới là mục tiêu chính của mình. Đạt được rồi!
Không phải mình mình thấy khó chịu đâu, ai cũng thấy khó chịu khi tiếp xúc với người đó.
Quan tâm đến người yêu mến mình còn không đủ thời gian, hơi đâu để tâm đến mấy người tiêu cực đó. Hỷ xả, hỷ xả!
Năng lượng tiêu cực có nhiều mức độ khác nhau nên không hẳn tất cả người có năng lượng tiêu cực đều là nhân tố có tính cách không tốt, cần tránh xa. Nhận biết dấu hiệu người có năng lượng tích cực, ngoài việc phòng bị cho bản thân không bị ảnh hưởng, Ms. Uptalent nhận thấy chúng ta còn có thể hỗ trợ họ khắc chế sự tiêu cực, bổ sung thêm nguồn năng lượng tích cực, trở thành phiên bản tốt hơn cho chính họ và cho tổ chức.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet