- 420k
- 1k
- 870
Khi việc sử dụng những người ảnh hưởng lớn khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí thì Micro Influencer trở thành lựa chọn vô cùng lý tưởng. Vậy Micro – Influencer là gì? Họ có ảnh hưởng như thế nào trong chiến lược marketing của doanh nghiệp? Cần chú ý điều gì khi sử dụng Micro – Influencer? Và tìm Micro – Influencer ở đâu? Hãy cùng Ms Uptalent giải đáp những điều này qua bài viết dưới đây.
MỤC LỤC:
1- Micro – Influencer là gì?
2- Sức ảnh hưởng của Micro – Influencer trong chiến lược Marketing
2.1- Mức tương tác cao
2.2- Hướng đến đúng đối tượng khách hàng mong muốn
2.3- Mức chi phí phù hợp hơn
2.4- Nội dung truyền tải có tính chân thực cao hơn
3- Chú ý gì khi sử dụng Micro – Influencer trong Marketing
4- Tìm Micro – Influencer ở đâu?
>>>> Xem thêm: Tìm việc làm Marketing tại HRchannels
Micro – Influencer được hiểu đơn giản là những người có tầm ảnh hưởng trong phạm vi nhỏ. Họ là những cá nhân giống như bất cứ ai trong chúng ta. Họ đang có một công việc và có sở thích đặc biệt về một lĩnh vực nào đó nên thường đăng những nội dung liên quan đến sở thích hoặc chuyên môn của mình lên mạng xã hội.
Nếu so với những người có tầm ảnh hưởng lớn thì Micro – Influencer có lượng người theo dõi không lớn bằng. Thông thường, lượng follower của họ chỉ khoảng từ 10.000 – 100.000 người. Tuy nhiên, họ lại rất tích cực tương tác với người hâm mộ của mình. Do đó, các bài viết trên mạng xã hội của họ thường thu hút lượng tương tác đáng kể so với số người đang theo dõi họ.
Hầu như mỗi Micro – Influencer đều có thế mạnh ở một nội dung đặc thù nào đó. Bởi vậy, tệp người theo dõi của họ thường không có độ phủ quá rộng. Thay vào đó, giữa Micro – Influencer và follower lại có chung mục tiêu theo đuổi và dễ tìm thấy sự đồng cảm với nhau.
Bạn có thể bắt gặp các Micro – Influencer trên khắp các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Mỗi nền tảng họ lại đóng một vai trò riêng và thực hiện những công việc nhất định. Cụ thể:
- Micro – Influencer TikTok: thường giữ vai trò của một KOC – reviewer, nhà sáng tạo mới nổi,… Họ thường thực hiện các video review sản phẩm, dịch vụ, tham gia thử thách thương hiệu hoặc làm công việc sáng tạo nội dung về các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Micro – Influencer Instagram: những người ảnh hưởng này thường là các hot teen, người mẫu. Họ thường làm công việc review sản phẩm, dịch vụ và tham gia vào việc sáng tạo, sản xuất các nội dung liên quan đến sản phẩm.
- Micro – Influencer Facebook: các Influencer này thường giữ vai trò của các Seeder, Reviewer, Blogger,… Công việc chính của họ là định hướng quan điểm khách hàng và lan toả hiệu ứng truyền thông.
- Micro – Influencer YouTube: đây là những chuyên gia Vloger, Reviewer,… Họ chủ yếu sản xuất các nội dung về sản phẩm, dịch vụ và đưa ra các đánh giá chi tiết về sản phẩm.
Trong số các nền tảng mạng xã hội đang phổ biến tại Việt Nam thì Instagram được xem là điểm khởi đầu lý tưởng dành cho các Micro – Influencer. Với đặc thù tập trung vào thị giác mà Instagram đã tạo nên môi trường thích hợp để các Influencer thể hiện các trải nghiệm cá nhân. Vì vậy, cho đến hiện tại, Instagram vẫn được xem kênh social media hàng đầu để đăng tải và tìm kiếm Micro – Influencer phù hợp.
Quan tâm >>> Influencer là gì? Tất tần tật thông tin về Influencer
Micro – Influencer hiện được các nhãn hàng ưu tiên lựa chọn bởi khả năng ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ hơn những Influencer có tầm ảnh hưởng lớn nhưng mức chi phí lại thấp hơn. Cụ thể, tầm ảnh hưởng của Micro – Influencer được thể hiện qua những điều sau:
Các dữ liệu thống kê cho thấy, Influencer có số lượng follower tăng cao thì lượng like và bình luận lại giảm xuống. Do đó, các nhãn hàng lựa chọn tìm đến Micro – Influencer thay vì các Influencer có tầm ảnh hưởng lớn.
Khi hợp tác cùng Micro – Influencer, nhãn hàng có thể tiếp cận đúng nhóm khách hàng mục tiêu và nhận về sự tương tác cao hơn rất nhiều. Từ đó, tỷ lệ chuyển đổi sang doanh thu hay độ nhận diện cũng tăng cao hơn.
Nếu hợp tác cùng Influencer có hàng triệu follower, nhãn hàng sẽ nhận về lượng like, share tương đối lớn. Thế nhưng, những người like, share đó chưa chắc quan tâm đến sản phẩm và có nhu cầu mua sắm sản phẩm.
Trong khi đó, lựa chọn làm việc cùng nhiều Micro – Influencer có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh của công ty lại mang về kết quả khả quan hơn.
Ví dụ, công ty của bạn chuyên kinh doanh các sản phẩm thời trang, vậy thì bạn nên hợp tác cùng các blogger thời trang. Điều này đảm bảo sản phẩm của bạn tiếp cận đúng nhóm follower yêu thích thời trang và mong muốn tìm hiểu về sản phẩm thời trang.
So với các Influencer có tầm ảnh hưởng lớn thì mức giá booking của Micro – Influencer sẽ thấp hơn rất nhiều. Chẳng hạn, giá booking một Influencer nổi tiếng có thể lên đến vài chục triệu, nhưng bạn chỉ cần chi trả khoảng vài triệu để có thể hợp tác cùng một Influencer mới nổi với mức chi phí chỉ vài triệu mà có độ tương tác cao, nhắm đúng đối tượng mục tiêu.
Vì chỉ là những người bình thường nên các nội dung do Micro – Influencer khá chân thật và thân thiện hơn những Influencer đã quá nổi tiếng.
Hơn nữa, các Micro – Influencer rất thường xuyên trả lời bình luận của follower. Cách họ tương tác với nhóm fan của mình chân thực hơn các nhãn hàng và người nổi tiếng rất nhiều. Bởi vì các nhãn hàng và người nổi tiếng thường có một ekip chuyên nghiệp quản lý các kênh social media giúp họ.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Nano Influencer là gì?
Những lợi thế mà Micro – Influencer mang lại cho các chiến dịch marketing của doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau để có thể hợp tác với Micro – Influencer hiệu quả nhất:
Việc sử dụng các tài khoản ảo nhằm đánh bóng tên tuổi không phải là điều hiếm gặp. Bên cạnh những follower thật thì một số Micro – Influencer cố tình tạo ra các follower ảo nhằm lấy được hợp đồng quảng cáo. Thậm chí có Influencer còn mua follower, mua fan hâm mộ để làm đẹp profile, từ đó dễ dàng kiếm được tiền quảng cáo từ các nhãn hàng.
Ngoài follower ảo thì bạn cũng phải chú ý đến tỷ lệ tương tác của fan hâm mộ trên tài khoản của Micro – Influencer. Nếu lượng tương tác ảo quá lớn sẽ chỉ khiến bạn tốn tiền của, thời gian và công sức mà chẳng thu về được lợi ích gì.
Mỗi Micro – Influencer thường có cá tính và cách truyền tải nội dung riêng biệt. Bởi vậy, bạn cần làm việc cụ thể với Influencer nhằm đảm bảo nội dung cần truyền tải có văn phong, ý tứ phù hợp như bạn mong muốn. Cách tốt nhất là bạn nên làm việc cùng các Agency chuyên nghiệp để đảm bảo nội dung được truyền đạt chính xác và nhất quán.
Khi làm việc với Micro – Influencer, bạn sẽ phải cùng lúc quản lý và theo dõi công việc của vài chục người chứ không chỉ là một hay vài Influencer. Do đó, bạn cần có kế hoạch làm việc cụ thể, dự trù các phương án phòng ngừa rủi ro để tránh xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đưa ra phương án hợp tác phù hợp nhất với định hướng phát triển của Influencer. Điều này sẽ giúp bạn sử dụng Micro – Influencer một cách hiệu quả để tạo ra được nhiều nội dung chân thực, đáng tin cậy hơn.
Với những Influencer có tầm ảnh hưởng lớn, bạn có thể dễ dàng tìm thấy họ. Nhưng với những Micro – Influencer thì khác. Để tìm được Micro – Influencer phù hợp cho chiến dịch marketing của doanh nghiệp sẽ rất khó. Nguyên nhân là vì không có nhiều người biết đến họ.
Nếu bạn đang loay hoay trong việc tìm kiếm Micro – Influencer phù hợp thì có thể tham khảo những gợi ý sau:
>>>> Xem thêm: Tìm hiểu Mega – Influencer
Trước tiên, bạn có thể tìm kiếm Micro – Influencer từ chính danh sách những người đang theo dõi tài khoản mạng xã hội sản phẩm hay thương hiệu của bạn.
Các blogger khá thích thú trong việc xây dựng mối quan hệ với các thương hiệu. Vì vậy, bạn nên tận dụng điều này để triển khai chiến dịch marketing một cách thuận lợi.
Người dùng trên các trang mạng xã hội thường sử dụng các hashtag để phân loại nội dung họ quan tâm. Do đó, bạn có thể dựa vào các hashtag trong bài viết, hình ảnh để tìm thấy những người ảnh hưởng nhỏ.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy tìm kiếm bằng những hashtag càng cụ thể càng tốt. Chẳng hạn, bạn nên tìm bằng hashtag #fastfood hay #friedchicken, thay vì chỉ dùng #food.
Trong trường hợp các sản phẩm, dịch vụ của bạn nhằm phục vụ cho nhóm khách hàng trong khu vực, như là nhà hàng, thì bạn nên tìm kiếm một blogger hay người nổi tiếng trong khu vực đó để đạt hiệu quả quảng bá tốt nhất.
Ngoài những biện pháp trên thì bạn cũng có thể tìm đến những Agency booking chuyên nghiệp để tìm được Micro – Influencer phù hợp cho chiến dịch marketing của mình.
Tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo dịch vụ tại các Agency có tiếng như Hiip, Wefree, Onfluencer, Halago, 7SAT, Revu,…
Nhìn chung, với sự cảnh giác ngày càng cao của người dùng về quảng cáo của các nhãn hàng thì Micro – Influencer chính là giải pháp mang lại nhiều lợi ích lớn cho thương hiệu. Hy vọng bài viết này của Ms Uptalent đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Micro – Influencer trong nghề Marketing cũng như có thể sử dụng những người ảnh hưởng nhỏ này trong chiến dịch marketing một cách hiệu quả. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet