- 420k
- 1k
- 870
Một người lãnh đạo giỏi cần có tư duy quản trị giỏi. Ở bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu cặn kẽ về khái niệm và giá trị cốt lõi của tư duy quản trị, ở bài viết hôm nay, Ms. Uptalent tiếp tục đề cập đến chủ đề này nhưng ở một khía cạnh khác, chú trọng cao đến khả năng làm chủ tư duy quản trị với 9 kỹ năng, tố chất quan trọng.
MỤC LỤC:
1. Tầm nhìn chiến lược
2. Kỹ năng Ra quyết định
3. Kỹ năng Quản lý nhân sự
4. Kỹ năng Giải quyết vấn đề
5. Kỹ năng Quản lý tài chính
6. Kỹ năng Quản lý thời gian
7. Kỹ năng Giao tiếp và đàm phán
8. Đổi mới và sáng tạo
9. Đánh giá và điều chỉnh
Tầm nhìn chiến lược là khả năng nhìn ra được cái hay, cái đúng, cái được ưa chuộng trong tương lai mà nhiều người khác chưa nhìn ra được, có vậy mới đi trước thiên hạ, cơ hội đến là nắm bắt và chiếm lĩnh thị phần ngay, trong khi người khác thì vẫn đang loay hoay tìm và chuẩn bị nguồn lực. Một tổ chức sẽ có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, dù là khoảng thời gian nào thì ít nhiều đều cần đến tầm nhìn chiến lược từ nhà quản trị.
Tầm nhìn chiến lược hầu như chẳng có trường lớp nào dạy cả, tố chất này nằm ở sự nhạy bén và sự từng trải. Tuy nhiên có một vài cách khá hiệu quả mà ngay cả người trẻ cũng có thể áp dụng được:
Học hỏi từ các nước phát triển vì thường những cải tiến thành công của các nước đó rồi sẽ lan tỏa khắp thế giới và trở thành xu hướng ở những quốc gia đang phát triển như nước ta. Bạn có thể cập nhật thông tin từ họ, áp dụng vào tư duy quản trị cho thị trường Việt Nam.
Ứng dụng công cụ phân tích kỹ thuật số cho phép đưa ra những dự đoán từ những số liệu ở hiện tại. Mức độ nhận định xu hướng cũng khá cao, kết hợp cùng xu hướng phát triển ngành nghề, những nội dung nhận định của bạn hoàn toàn khả thi áp dụng vào kế hoạch phát triển của tổ chức.
Ở vai trò nhà quản trị, bạn không còn là người chỉ biết chăm chăm thực thi nhiệm vụ được cấp trên giao phó nữa mà chính bạn sẽ là người đưa ra quyết định về nhiệm vụ để giao phó cho nhân sự cấp dưới. Việc ra quyết định không hề đơn giản vì tất cả những hoạt động quản trị triển khai sau đó như:
Thiết lập kế hoạch
Phân bổ nhân sự
Giải ngân tài chính…
Đều căn cứ trên quyết định của bạn để tiến hành. Chính vì vậy, quyền lực ra quyết định luôn đi kèm trọng trách to lớn về tính hiệu quả. Để phát triển kỹ năng này, bạn nên:
Tự tin ra quyết định trong những việc nhỏ (ví dụ chọn phương tiện để di chuyển, chọn quần áo dự tiệc…), tăng dần mức độ ảnh hưởng mà bạn được quyền ra quyết định (chọn thực đơn cho bữa tiệc gia đình, chọn tiết mục văn nghệ cho tiệc tất niên công ty…)
Sử dụng ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho việc phân tích, so sánh trước khi quyết định. Như việc dùng Excel đế tính toán chi phí cho bữa tiệc mà bạn được giao vai trò chủ quản.
>>> Quan tâm thêm: Tư duy quản trị là gì? Phân loại và bí kíp rèn luyện tư duy quản trị
Người có tư duy quản trị giỏi không phải là người ôm hết công việc vào mình. Đồng ý nếu một mình bạn thực hiện thì sẽ rất đúng ý, rất có trách nhiệm nhưng sức người có hạn, quản hết mọi việc sẽ không thể bao quát tường tận chất lượng công việc. Đây chính là nguyên nhân mà để làm chủ tư duy quản trị, chúng ta phải học được cách quản lý nhân sự, cụ thể là cách phân chia đúng người đúng việc, ủy thác phân quyền chủ động thực thi nhiệm vụ, kiểm soát hiệu suất làm việc của từng nhân sự…
Người giỏi quản lý nhân sự cần ưu tiên ghi nhớ: thuyết phục dựa trên phân tích lợi ích chung và lợi ích riêng mà nhân sự sẽ có được. Người ta có thể tốt bụng giúp bạn nhưng để hết lòng vì bạn thì họ cần nhìn thấy được giá trị thiết thực sẽ có được, đây không phải “thực dụng” mà là “thực tế”.
Kế hoạch là những mong muốn, còn thực tế lại là điều ta phải chính thức đối mặt. Và thực tế diễn ra thì muôn hình vạn trạng với nhiều biến động, phát sinh nhiều vấn đề buộc ta phải giải quyết. Cấp bậc càng cao, độ khó của vấn đề càng lớn. Chỉ khi năng lực giải quyết vấn đề vượt trội thì những phát sinh trong công tác quản trị mới không làm khó được bạn.
Rèn luyện kỹ năng này không cách nào hiệu quả hơn bằng việc chủ động “lăn xả” vào nhiều hoạt động, tranh thủ tận dụng cơ hội trải nghiệm thực tế để đối mặt với vấn đề. Lúc này có thể hỏi Sếp hay nhờ đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, học cái hay của người chính là đang làm giàu thêm cái hay cho mình.
Dù vị trí quản trị của bạn là về kỹ thuật, về cảm xúc chứ không phải về tài chính kế toán nhưng quá trình quản trị nào cũng cần tiền, cần lên kế hoạch tài chính, cần thuyết phục ban quản trị đồng ý giải ngân… Tất cả những yếu tố này đều thuộc phạm trù kỹ năng quản lý tài chính.
Tùy vào mức độ quản trị tài chính mà bạn có thể lựa chọn:
Sử dụng phần mềm quản lý tài chính được lập trình sẵn, thích hợp cho người không chuyên nghiệp sử dụng theo dõi, quản lý các khoản thu chi.
Guồng quay của công việc sẽ cuốn ta đi liên tục nên đừng mong đợi sẽ có những chặng xả hơi dài hay xong dự án này mới đến dự án khác. Cùng một lúc, nhiệm vụ công việc sẽ phát sinh liên tục, mỗi nhiệm vụ lại tiến triển ở một bước khác nhau nên không quản trị khéo rất dễ bị quá tải, bị trễ tiến độ, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tổ chức. Sở hữu kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp loại bỏ những rủi ro này, đảm bảo năng lực kiểm soát chi tiết từng nhiệm vụ/ dự án một cách chủ động.
Ngoài việc ghi chú các bước công việc ở từng dự án theo thứ tự thời gian, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo kế hoạch riêng, bạn còn có thể sử dụng phần mềm hỗ trợ quản lý thời gian. Có những phần mềm miễn phí cho phép quản lý cả thời gian công việc của bạn, của phòng ban hoặc theo từng dự án rất hay.
Trong số các nguồn lực hỗ trợ công tác quản trị, nguồn lực từ con người bao gồm nhân sự nội bộ tổ chức, đối tác, khách hàng bên ngoài, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian… được xem là tài nguyên có sức mạnh lớn nhất. Để chinh phục tất cả những nguồn lực này, ngoài việc hiểu họ, bạn còn phải biết cách để họ hiểu mình, tin tưởng và sẵn lòng đồng hành cùng mình. Muốn vậy, kỹ năng giao tiếp và đàm phán là năng lực nhất định phải có.
Thực hành là con đường ngắn nhất để nâng tầm kỹ năng giao tiếp. Tham gia hội nhóm, sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu với các phòng ban nội bộ cả hình thức online và offline, đừng bỏ lỡ dịp nào cả.
Cái gì quen thuộc quá rồi cũng sẽ có lúc lỗi thời, không còn tạo sức mạnh cạnh tranh nữa. Làm quản trị trong kinh doanh chúng ta càng phải thấu hiểu vấn đề này hơn bất cứ ai. Vì vậy, muốn làm chủ tư duy quản trị, muốn gặt hái thành công trong quản trị, an phận duy trì thành công cũ là điều không thể. Bắt buộc bản thân phải luôn ý thức đổi mới, sáng tạo nên cái mới đáp ứng nhạy bén xu hướng của thị trường.
Có một thực tế, sáng tạo vượt bậc chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như kiểu smartphone cứ mỗi thế hệ mới ra đời, họ chỉ cải tiến một chút thay vì cải tiến hẳn dòng máy mới. Làm như vậy sẽ giúp hãng sản xuất giữ chân được khách hàng trung thành, không phải quảng bá lại từ đầu.
Vì vậy, tùy lĩnh vực và định hướng phát triển của tổ chức mà bạn có thể áp dụng sự sáng tạo theo kiểu:
Học hỏi và kế thừa từ cái cũ
Dựa vào xu hướng ngành (trong nước hoặc quốc tế) để cải tiến
Tạo ra giá trị mới hoàn toàn, mở ra nhu cầu tiêu dùng nơi khách hàng
100% như ý, 100% thành công là điều không thể nhưng bằng sự linh hoạt, chúng ta có thể điều hướng thực tế theo quỹ đạo có lợi nhất cho kế hoạch quản trị. Không chắc sẽ đạt kết quả tuyệt vời như mong đợi nhưng chắc chắn sẽ tối thiểu thiệt hại, đảm bảo lợi ích tốt nhất thông qua kỹ năng đánh giá và điều chỉnh trong tư duy quản trị.
Muốn đánh giá và điều chỉnh tốt, trước hết bạn phải chấp nhận cái sai của bản thân và học từ cái sai đó. Nếu cứ cố chấp cho rằng mình luôn đúng thì bạn sẽ mãi bó mình trong không gian tư duy quản trị nhỏ hẹp của bản thân, những người xung quanh cũng chẳng mặn mà chia sẻ cái hay cho bạn nữa.
Tiếp theo, bạn cần học cách sử dụng công cụ kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc. Những nhiệm vụ hiện nay rất phức tạp, dù bạn có giỏi đến mấy thì với áp lực công việc, não bộ cũng không thể tỉnh táo theo sát và ghi nhớ mọi việc được. Vậy hà cớ chi làm bản thân mệt vậy, cứ tìm một phần mềm quản trị hiệu suất, nguy cơ trễ tiến độ ra sao, nguyên nhân từ bộ phận / cá nhân nào… đều có số liệu hiển thị, việc điều chỉnh nhờ vậy vừa nhanh, vừa chuẩn.
Phân tách tư duy quản trị thông qua 9 kỹ năng, tố chất mà Ms. Uptalent vừa đề cập trong bài viết, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng về những nội dung mà mình cần và nên trau dồi. Sự mơ hồ được xóa tan, thay vào đó là những bước đi vững chắc, định hướng được, đánh giá kiểm tra mức độ tiến bộ được. Vậy còn chần chờ gì nữa, chúng ta cùng bắt tay vào trau dồi ngay và luôn thôi! Chúc bạn thành công!
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet