- 420k
- 1k
- 870
Tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh được xem là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Từ đây, nhiều vị trí công việc mới liên quan đến mảng quản trị chi phí đã ra đời. Một trong số đó chính là Costing Analyst mà Ms. Uptalent sắp giới thiệu đến bạn ngay sau đây.
MỤC LỤC:
1. Costing Analyst là gì?
2. Vai trò của vị trí Costing Analyst
3. Bản mô tả công việc Costing Analyst
4. Yêu cầu tuyển dụng dành cho ứng viên Costing Analyst
5. Mức lương Costing Analyst tại thị trường Việt Nam
6. Xu hướng tuyển dụng Costing Analyst
Costing Analyst – tạm dịch Phân tích chi phí – là vị trí trực thuộc phòng tài chính – kế toán, chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu chi tiêu nội bộ, thu thập dữ liệu giá cả thị trường và tiến hành nghiên cứu các khoản chi phí trong doanh nghiệp, từ đó, tạo ra những báo cáo phân tích chi phí chi tiết gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhờ những báo cáo chi phí của đội ngũ Costing Analyst mà doanh nghiệp và các bộ phận chuyên môn biết được những khoản chi nào là cần thiết nên duy trì, những khoản chi nào là lãng phí cần loại bỏ hoặc hạn chế triển khai.
Bộ phận Costing Analyst đảm nhận trọng trách:
Tất cả mọi vấn đề liên quan đến chi phí trong doanh nghiệp, Costing Analyst đều phải kiểm soát chặt chẽ, bất kể đó là chi phí của phòng tài chính kế toán hay bất cứ phòng ban chuyên môn nào, là chi phí của cấp lãnh đạo hay của nhân viên cấp dưới. Có kiểm soát tốt thì việc ứng phó biến động thị trường, ổn định lợi nhuận kinh doanh sản xuất mới được đảm bảo
Mọi dòng sản phẩm ngày nay hầu như đều có sản phẩm thay thế. Chỉ cần sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn vài đồng là khách hàng đã lựa chọn sản phẩm khác rồi. Costing Analyst sẽ dựa trên sự phân tích thực tế trong và ngoài doanh nghiệp để điều tiết lại chi phí, định giá sản phẩm hợp lý, vừa đảm bảo tính cạnh tranh tốt, vừa đảm bảo lợi nhuận phù hợp.
>>> Tham khảo thêm: Mô tả công việc Chuyên Viên Tư Vấn Tài Chính
Từng phòng ban chuyên môn đều có những khoản chi tiêu theo nghiệp vụ riêng, họ cũng muốn tối ưu những chi phí này nhưng đội ngũ nhân sự của họ chỉ giỏi chuyên môn đặc thù chứ không giỏi phân tích chi phí. Và do vậy, những Costing Analyst chuyên nghiệp của tổ chức sẽ giúp các phòng ban hoàn thành mong muốn này.
Việc phân tích chi phí không chỉ dựa trên chi phí thực tế của doanh nghiệp mà còn phải căn cứ tình hình chi phí của thị trường ở cả hiện tại và xu hướng tương lai. Nhờ vậy, số liệu đến từ báo cáo của Costing Analyst sẽ là một phần không thể thiếu trong kho dữ liệu hoạch định chiến lược tương lai của tổ chức.
Đọc qua những nội dung trên, chắc hẳn bạn đọc cũng như Ms. Uptalent đang rất hào hứng với vị trí công việc mang tính thời đại này phải không nào. Vậy thì không chần chờ nữa, chúng ta xem ngay bản mô tả công việc cụ thể mà một Costing Analyst sẽ đảm nhận nhé:
Nắm rõ các nguồn cung chi phí đáng tin cậy từ nội bộ doanh nghiệp, từ khách hàng, từ nhà cung cấp…
Tiến hành thu thập dữ liệu chi phí cả trong và ngoài doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin
Xây dựng và bảo mật kho dữ liệu chi phí theo quy định của doanh nghiệp
Giám sát các hoạt động chi tiêu, giải ngân trong doanh nghiệp
Định kỳ kiểm tra tình hình chi phí trong toàn doanh nghiệp và tại từng phòng ban chuyên môn
So sánh, đối chiếu số liệu chi phí thực tế và số liệu báo cáo chi phí từ các phòng ban
Sử dụng phần mềm chuyên dụng của doanh nghiệp để thực hiện việc phân tích chi phí một cách đồng bộ
Phát hiện những chênh lệch số liệu chi phí, tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời xử lý theo đúng quy trình
Phối hợp phân tích đan xen nhiều khoản chi phí khác nhau nhằm nâng cao giá trị sử dụng cho kết quả phân tích
Thiết lập báo cáo phân tích chi phí định kỳ tháng/quý/năm
Lãnh đạo phòng Costing Analyst trực tiếp báo cáo, giải trình trước ban lãnh đạo
Đề xuất những giải pháp cải thiện hoạt động chi tiêu trong doanh nghiệp
Chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của dữ liệu phân tích chi phí
Đào tạo, tập huấn công tác quản trị chi phí hiệu quả cho từng phòng ban chuyên môn
Cập nhật những công cụ, phương pháp tính giá thành mới trong ngành
Phối hợp cùng phòng ban khác trong việc định giá sản phẩm/ dịch vụ
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ ứng tuyển, các bạn ứng viên Costing Analyst cần trang bị những gì? Câu trả lời được liệt kê ngay dưới đây:
Năng lực là quan trọng nhưng “Danh chính thì ngôn thuận” nên việc trang bị cho bản thân một tấm bằng cử nhân về Tài chính, Kế toán, Kinh tế hoặc tương đương là tiêu chuẩn đầu tiên giúp bạn tham gia vào vòng xét duyệt hồ sơ.
Những ứng viên có bằng CPA (Certified Public Accountants) sẽ là một lợi thế lớn vì đây là chứng chỉ công nhận năng lực cố vấn tài chính chuyên nghiệp.
>>> Xem thêm: Mô tả công việc của chuyên viên đầu tư
Kinh nghiệm từ 2 – 3 năm ở vị trí chuyên viên chi phí, nhà phân tích chi phí hoặc tương đương. Một số nhà tuyển dụng sẽ rộng mở hơn bằng việc chỉ yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm trong ngành tài chính hoặc từng làm ở bộ phận kế toán giá thành / chi phí trong cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà nhà tuyển dụng đang hoạt động.
Có kiến thức về quy trình vận hành và có khả năng sử dụng một phần mềm kế toán chuyên phục vụ cho hoạt động quản trị chi phí, phân tích tài chính. Có thể nhà tuyển dụng không sử dụng phần mềm mà bạn từng sử dụng nhưng không sao, chỉ cần bạn đã có trải nghiệm với phần mềm phù hợp chuyên môn thì việc tiếp cận phần mềm mới sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Dù làm việc với con số là chính nhưng trong thời đại hội nhập toàn cầu, thông thạo một ngoại ngữ là điều cần thiết. Tốt nhất bạn nên có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh cấp độ B2 trở lên - tương đương IELTS 5.5 – 6.5 – nhất là khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Kỹ năng giao tiếp mạch lạc, súc tích, linh hoạt
Kỹ năng lập kế hoạch, quản lý thời gian hiệu quả
Khả năng chủ động cao trong công việc
Tính cách cẩn thận, tỉ mỉ trong quản trị số liệu
Mức lương của vị trí Phân tích chi phí chủ yếu dựa trên năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tham gia công tác ở lĩnh vực tương đồng cao với doanh nghiệp mà bạn ứng tuyển.
Mặt bằng lương phổ biến dao động trong khoảng 9 – 13 triệu đồng/tháng dành cho ứng viên có kinh nghiệm làm việc mảng quản trị chi phí từ 1 – 2 năm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với những người có thâm niên cao hơn (trên 5 năm) hoặc làm việc ở những doanh nghiệp sản xuất mà chi phí có độ phức tạp cao, mức lương thương lượng thành công có thể đạt 25 triệu đồng/tháng.
Ngoài khoản lương cứng, một số doanh nghiệp còn có những khoản thưởng cho nhân sự Costing Analyst dựa trên mức độ hiệu quả mà báo cáo phân tích chi phí của họ mang lại cho doanh nghiệp. Thường khoản thưởng sẽ được chi trả vào cuối năm tài chính vì cần ít nhất 3 tháng để kiểm định hiệu quả tối ưu chi phí đạt được.
Mặc dù ngành nghề nào cũng có chi phí và cũng cần đến Costing Analyst nhưng nơi mà vị trí này có thể phát huy cao tầm quan trọng của mình vẫn là trong lĩnh vực sản xuất. Vì ở đây số lượng các khoản chi phí rất lớn, đan xen lẫn nhau nên để biết được tính hiệu quả của từng khoản chi phí thì rất cần một đội ngũ chuyên trách sở hữu năng lực nghiệp vụ cao như Costing Analyst.
Nói về chức danh tuyển dụng, không nhất thiết luôn thể hiện là Costing Analyst mà có thể sử dụng những tên gọi khác như:
Chuyên viên phân tích chi phí
Chuyên viên quản trị chi phí
Kế toán chi phí
Có một điều đặc biệt ở những vị trí làm việc thiên về con số như kế toán hay cụ thể là Costing Analyst, đó là cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế khá cao. Không ít trường hợp Costing Analyst làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, sau đó được cử đi học trao đổi kinh nghiệm hoặc được chấp thuận định cư làm việc ở nước ngoài luôn.
Xu hướng này hoàn toàn có thật nên dù là công việc chú trọng đến sự chuẩn xác của những con số và nghiệp vụ tính toán nhưng việc trau dồi năng lực ngoại ngữ và bổ sung kiến thức về tập quán quản trị chi phí quốc tế là điều mà ứng viên nên để tâm. Một khi cơ hội đến thì bạn đã hoàn toàn sẵn sàng, mức lương lúc đó không còn là trên dưới 1.000 USD nữa mà có thể đạt 5.000 USD/tháng, nếu ở Mỹ thì 8.000 – 9.000 USD/tháng là điều hoàn toàn khả thi.
Dù là ở cấp bậc nào, Costing Analyst đều đang giữ vai trò cốt lõi trong bộ máy quản trị của tổ chức. Đây chính là lý do mà Ms. Uptalent nhận thấy nhân sự làm việc tại vị trí này rất dễ có mặt trong danh sách ứng viên sáng giá khi tổ chức cần đề bạt nhân tài cho vị trí quản lý. Bởi lẽ, bất cứ phòng ban chuyên môn nào cũng cần quản trị tốt các khoản chi phí thuộc phạm vi mà mình được giao phó.
------------------------------------
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080
Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com
Website: https://hrchannels.com/
Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam